Nguyễn Ðình Bin
Bóp méo sự thật

Ðại Dương

Thứ trưởng Thường trực Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Nguyễn Ðình Bin đã hướng dẫn một Phái đoàn công tác liên ngành thăm Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại vào khoảng giữa tháng 6 năm 2003.

Trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân 23-06, Bin nói "hoạt động lớn và chủ yếu của đoàn là tiếp xúc, gặp gỡ rộng rãi với cộng đồng người Việt tại khu vực này".

Nhưng, Giáo sư Nguyễn Q. Khải thuộc Ðại học Johns Hopkins, cựu viên chức của Ngân Hàng Thế Giới, tường thuật: "Buổi họp tại NHTG do văn phòng Giám đốc Ðiều hành đặc trách vùng Ðông Nam á và Thái Bình Dương tổ chức theo yêu cầu của phái đoàn Việt Nam. Ông Koichi Hasegawa, Ðiều Hợp Viên của Chương Trình Việt Nam, chủ tọa phần đầu. Buổi họp tại JHU do Giáo sư Fred Z. Brown, Phụ Tá Giám Ðốc Chương Trình Nghiên Cứu Ðông Nam á, và GS Lê Xuân Khoa, thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Sách Quốc Tế, tổ chức cũng theo lời yêu cần của ô. Nguyễn Ðình Bin. Số người Việt địa phương tham dự tại mỗi buổi họp chỉ được khoảng 12 người".

Trong khi đó, Phái đoàn Cộng sản có 9 người được tăng cường thêm 5 từ tòa Ðại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Ðốn, vị chi 14 mạng.

Hai nhóm người Việt vùng Hoa Thịnh Ðốn tham dự 2 buổi họp vào ngày 13 và 14-06-03 phần lớn là chuyên viên của Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ðại học Johns Hopkins. Họ chưa từng và cũng không hề tự nhận đại diện cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ phát biểu với tư cách và toan tính cá nhân, trong môi trường tự do ngôn luận được tôn trọng triệt để.

Không thấy ghi nhận có sự hiện diện của báo chí trong nước và hải ngoại tại hai buổi họp.

Những người Mỹ gốc Việt tham dự có phát biểu được ghi nhận qua bài tường thuật gồm có: GS Nguyễn Q. Khải, TS Thái Văn Cẩn, TS Ngô Trung, Phan Quan Hiệp, TS Ðỗ Quí Toàn, Nguyễn Thị Thủy, GS Lê Xuân Khoa, TS Trương Hồng Sơn, BS Trần Ðạt, BS Tôn Thất Chiểu, Bùi Dân Chi, Phạm Ðức Trung Kiên.

Phái đoàn chưa hề gặp gỡ bất cứ Tổ chức Cộng Ðồng (do người Việt hải ngoại bầu phiếu) hoặc Ðoàn thể Chính Trị trong vùng. Chí ít, họ cũng đại diện hợp pháp cho sinh hoạt của người Việt tại hải ngoại.

Cuộc trao đổi với các chuyên viên Mỹ gốc Việt làm việc cho Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ðại học Johns Hopkins mà lại được biến thành "tiếp xúc, gặp gỡ rộng rãi với cộng đồng người Việt tại khu vực" là một sự bịa đặt trắng trợn không nên có ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài.

Tin tức dễ dàng kiểm chứng tại hải ngoại bị tường thuật thiếu-trung-thực thì làm sao người Việt hải ngoại có thể tin vào "công tác thông tin tuyên truyền để giúp cộng đồng hiểu đúng tình hình trong nước" như trả lời của Bin trên báo Nhân Dân tiên dẫn?

Quan điểm của Bin được Phạm Ðức Trung Kiên, Giám đốc Vietnam Education Foundation, phụ họa: "những người nắm truyền thông [hải ngoại] khuynh đảo được cộng đồng và có thể đưa tin sai lạc về Hà Nội".

Bin cố tình ngộ nhận về truyền thông hải ngoại vì địa vị và quán tính cộng sản. Kiên thì vì lý do gì?

Môi trường thông tin đa chiều tại hải ngoại dễ làm rơi mặt nạ loại "thông tin tuyên truyền bịa đặt hoặc thiếu-trung-thực".

Bin trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân "chuyến thăm là một biểu hiện cụ thể sự quan tâm sâu sắc của Ðảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài" được làm sáng tỏ qua lời đáp cho Trương Hồng Sơn "làm thế nào để mà khuyến khích bà con là ổn định cuộc sống, xây dựng cộng đồng vững mạnh, đoàn kết... Sau đó có một yêu cầu rất là bức xúc là làm sao gìn giữ được cái tiếng Việt, dạy tiếng Việt cho các con, các cháu sau này".

Chính phủ Hà Nội không thể giúp được gì cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt vì: (1) Hầu hết người Việt tại Hoa Kỳ mang quốc tịch Mỹ nên chỉ chịu sự chi phối và được luật pháp sở tại bảo vệ. Chính phủ ngoại quốc không được phép thao túng sinh hoạt của họ. Người Mỹ gốc Việt không có sợi dây ràng buộc nào với chính quyền cộng sản ngoại trừ thành phần du học sinh, cán bộ viên chức và công nhân đang làm việc ở nước ngoài. (2) Cộng đồng Mỹ gốc Việt chủ động hình thành và lớn mạnh không có sự giúp sức nào của chính phủ Hà Nội, ngoại trừ nhiều lời thóa mạ bẩn thỉu.

Do đó, bất cứ sự tiếp cận nào của cán bộ cộng sản với cộng đồng chỉ tạo nên nghi kỵ và đào sâu chia rẽ.

Vậy, mục tiêu tối hậu của chính phủ Hà Nội là khai thác lợi thế của cộng đồng Mỹ gốc Việt nhằm phục vụ cho quyền lợi của đảng Cộng sản, thể hiện qua ý kiến của Bin được lập lại nhiều lần trong 2 buổi họp "mong muốn sự đóng góp [của người Việt hải ngoại] nhiều hơn... góp phần tích cực hơn vào cái nhiệm vụ làm cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa cái đất nước, quốc gia nơi bà con đang làm ăn sinh sống với cái đất nước Việt Nam".

Chính phủ Hà Nội chưa thỏa mãn với lượng kiều hối trên 2 tỉ mỹ kim nên đòi thêm, như Bin nêu ra "hỗ trợ nhân đạo, giúp đỡ đồng bào trong nước xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các bà mẹ già, người tàn tật...v.v.

Bin thèm thuồng được sử dụng 300,000 chuyên viên gốc Việt: "điều mà lãnh đạo ta coi trọng hơn cả là chất xám và trí tuệ và những hiểu biết và kinh nghiệm của các chuyên viên ở nước ngoài".

Hầu hết du học sinh sau khi tốt nghiệp đại học và hậu-đại-học tại Âu Mỹ không được trọng dụng khi trở về quê hương. Phần lớn phải bán chất xám cho các công ty ngoại quốc hoạt động tại Việt Nam. Như thế, làm sao chính quyền cộng sản sẽ trọng dụng chuyên viên gốc Việt?

Bin thú nhận với vẻ thất vọng "Cho đến nay con số đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư với tổng số vốn 4 triệu mỹ kim". Con số đó dưới sự mong đợi quá xa nên Hà Nội phải tung ra thủ đoạn kêu gọi góp sức xây dựng quê hương.

Về điều kiện để người Việt hải ngoại đóng góp vào việc phát triển Việt Nam đã được Nguyễn Q. Khải trả lời "Nếu quý vị tạo điều kiện trong nước để có một chế độ tự do và dân chủ như ở Tây Phương, thì quý vị sẽ dễ dàng nhận được sự đóng góp của họ".

Phái đoàn liên ngành còn mang rất nhiều ngộ nhận hoặc thành kiến đối với người Việt hải ngoại.

LS Trần Văn Tạo, Chủ Tịch Liên Hiệp các Tổ Chức Hữu Nghị TP-HCM, phát biểu tại JHU "Ðâu có ai độc quyền lãnh đạo. Không có ai độc quyền yêu nước hết... Ðảng CS không bao giờ nói như vậy".

Làm luật sư sao chẳng thấu hiểu nội dung Ðiều 4 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 qui định quyền độc tôn lãnh đạo toàn xã hội?

Chủ trương "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" còn hay mất và do ai nêu ra? Có công dân Việt Nam nào được phép yêu nước mà không yêu xã hội chủ nghĩa theo đúng đường lối của đảng Cộng sản? Chẳng phải những người không tuân thủ chủ trương trên đều bị ghép tội chống phá chủ nghĩa xã hội hay sao?

Cần phải phân biệt rõ ràng giữa chế độ và đất nước, dân tộc. Chế độ không được sự lựa chọn của dân chúng trong điều kiện hoàn toàn tự do và dân chủ thì chỉ đại diện cho giai cấp thống trị. Chế độ chỉ có tính cách giai đoạn. Ðất nước và dân tộc trường cửu. Kinh nghiệm lịch sử nhân loại cho thấy không phải chế độ nào cũng mang lại điều tốt đẹp cho đất nước, dân tộc mặc dù đã long trọng cam kết. Thậm chí còn trái ngược.

Người Việt Nam yêu Tổ Quốc nhưng không yêu chế độ đô hộ của Tàu. Cũng thế, chúng ta yêu Tổ Quốc nhưng không yêu chế độ nô lệ của Thực dân Pháp.

Người Việt hải ngoại lúc nào cũng nhớ đến đất nước, dân tộc Việt Nam. Nhưng không chọn lựa và từ chối phục vụ cho loại Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ðó là một thực tế mang tính nguyên tắc.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ủng hộ và vận động thông qua Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam không vì quyền lợi cá nhân mà cho dân tộc Việt Nam. Họ đang sống trong môi trường tôn trọng nhân quyền và chưa chắc có ý định về sinh cơ lập nghiệp tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng vẫn kiên trì đấu tranh cho quyền làm người của đồng bào ở quê nhà.

Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam tạo điều kiện cho dân tộc được sống đúng nghĩa con người như cộng đồng nhân loại. Dự Luật đó không mang lại lợi ích thiết thực cho người Mỹ gốc Việt. Nếu chống, tức là thừa nhận chính quyền Hà Nội có vi phạm và không muốn tôn trọng nhân quyền.

Nguyễn Tiến Võ, Ủy Viên Thường Trực của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, phát biểu "chiến dịch vận động công nhận lá cờ VNCH không phải đại diện của tất cả các cộng đồng Việt Nam ở đây... chúng ta trong cộng đồng xây dựng đoàn kết và đồng thuận với đất nước, với các tư tưởng lớn của đất nước... để đưa đất nước ta bước ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu như hiện nay".

Cuộc vận động công nhận cờ vàng ba sọc đỏ đại diện cho người Việt tị nạn được đa số người Việt tại Hoa Kỳ tham gia nên mới gây áp lực buộc các dân biểu địa phương tôn trọng ý nguyện của cử tri. Tại các địa phương có ít người Việt cư ngụ dĩ nhiên gặp khó khăn hơn.

Tình trạng nghèo nàn lạc hậu chỉ là hiện tượng hoặc sự kiện. Muốn giải quyết phải tìm về nguyên nhân.

Ðảng Cộng sản Việt Nam độc quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội nên phá vỡ nền tảng nông nghiệp, đạp phá sản xuất công nghiệp, loại bỏ mậu dịch, tước đoạt quyền tư hữu khiến cho nền kinh tế quốc dân bị sụp đổ toàn diện. Nghèo đói, lạc hậu chỉ là hậu quả tất yếu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội không tưởng vì chưa lý thuyết gia cộng sản nào hình dung rõ ràng mô hình đó.

Các nước nhược tiểu hơn Việt Nam về nhiều phương diện tuy cùng hoàn cảnh tương tự đã giành được độc lập sớm hơn và xây dựng xã hội phồn thịnh, tiên tiến bội phần. Như thế, kết luận chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân nghèo đói, lạc hậu không hề mang tính võ đoán mà sát với thực tiễn.

TS Thái Văn Cẩn đề nghị chính sách song tịch để thu hút đầu tư của người Mỹ gốc Việt được Bin trả lời: "Hiến pháp của ta hiện nay chỉ công nhận một quốc tịch thôi... số đông những người khi vào quốc tịch không bị cắt quốc tịch của mình, Hoa Kỳ là nằm trong diện đó. Những người Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn là người Việt Nam".

Không mấy người Việt hải ngoại muốn mang quốc tịch Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ðó là sự thật. Vì thế, đầu năm nay, hàng trăm người Việt hải ngoại, nhiều nhất tại Ðông Âu, đã làm đơn và được phép từ bỏ quốc tịch Việt Nam.

"Người Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn là người Việt Nam" là mối đe dọa treo lơ lửng trên đầu những người Mỹ gốc Việt khi có việc cần về cố hương. Bởi vì khi Nhà nước viện dẫn luật đơn tịch, là đương sự bị gán ghép cho quốc tịch Việt Nam để chịu chi phối bởi các luật lệ do đảng Cộng sản qui định. Chẳng chết cũng tiêu điều, xơ xác, ngất ngư. Ðầu tư kinh tế lại biến thành đầu tư mối họa không chừng.

Nên chịu khó tìm hiểu sinh hoạt của người Việt hải ngoại và từ bỏ lối nói trịch thượng, may ra còn lưu lại chút cảm tình.


%% Trở lại mục lục