Nhân vật chí(tt)

Phạm Tưởng sưu tập

NhânVật Chống Cộng Số 5:
NGÔ ÐÌNH DIỆM (1901-63)

Sinh tại Ðại Phong, Quảng Bình, con trai thứ ba của ông Ngô Ðình Khả. Tốt nghiệp Trường Hậu Bổ năm 1922, được bổ nhiệm tri huyện ngay. Sáu năm sau, là tuần vũ Bình Thuận. Năm 1933 làm thượng thư Bộ Lại kiêm tổng thư ký Ủy Ban Cải Cách, chủ trương phải thống nhất Bắc và Trung Kỳ, Viện Dân Biểu phải được quyền thảo luận. Ngày 9-7-1933, Diệm đệ khâm sứ Trung Kỳ Thibaudeau bản sao đơn từ chức đã gửi lên Bảo Ðại, vì lý do cơ cấu tổ chức hiện không phù hợp với Hiệp Ước 1884.

Tháng 12, Diệm vào Sài Gòn gặp Nguyễn Phan Long, Lê Văn Kim, Lê Văn Ðức,... Theo mật báo, có lẽ để vận động thay thế toàn quyền Pasquier bằng cựu toàn quyền Varenne và đưa cựu khâm sứ Châtel trở lại Huế. Do đó, Pasquier truất hết chức tước của Diệm, trục xuất khỏi Huế, chỉ định cư trú tại Quảng Bình. May thay, Pasquier bị tai nạn máy bay chết, tân toàn quyền Robin và khâm sứ Graffeuil cho phục hồi tước vị tuần vũ, nhưng không được làm việc. Diệm về dạy học ở Trường Providence của Thục. (Huế)

Trong thời gian Nhật chiếm đóng Ðông Dương, Diệm liên lạc với Cường Ðể, lại bị khâm sứ Grandjean trục xuất khỏi Huế, chỉ định cư trú tại Quảng Bình. ít lâu sau, mật thám Pháp khám phá ra tổ chức Ðại Việt Phục Hưng của Diệm gồm khoảng 50 đảng viên, bắt trọn. Riêng Diệm được Nhật lập mưu cứu thoát, đưa vào Sài Gòn ngày 12-7-1944.

9-3-1945, Nhật hành quân Meigo, loại bỏ chính quyền Decoux, Bảo Ðại tuyên bố Ðế Quốc Việt Nam độc lập, hai lần nhờ Nhật mời Diệm làm thủ tướng nhưng Nhật lại không muốn dùng Cường Ðể và Diệm nữa nên không chuyển.

19-8-45, cộng sản cướp chính quyền. Có tin Diệm bị bắt ở miền Trung, đưa ra cô lập ở Việt Bắc, rồi tha ở Hà Nội.

19-12-46, cộng sản-Pháp xung đột. Ðầu 1947, Pháp yêu cầu Diệm lập chính phủ chống cộng. Kế hoạch của Diệm không được Pháp chấp nhận. Cuối năm, Diệm cùng Nguyễn Văn Xuân và Trần Văn Lý qua Hong Kong gặp Bảo Ðại. Ðầu 1948, qua Hong Kong lần thứ ba. Bảo Ðại sai Diệm về Sài Gòn báo cho Bollaert biết "nguyện vọng của dân Việt".

1949, Diệm từ chối thành lập chính phủ, nêu lý do sợ vì mình mà giáo dân bị thảm sát.

2-9-1950, Diệm và Thục tới Mỹ, rồi đi Âu Châu. Cuối năm, qua Bửu Kỉnh, nghị viên Hội Ðồng Liên Hiệp Pháp, Diệm gửi Bảo Ðại đề nghị chương trình hoạt động rồi đi Mỹ.

7-5-1953, Diệm được mời (có lẽ có cả Phan Quang Ðán) ăn trưa tại Tối Cao Pháp Viện để thảo luận về vấn đề Ðông Dương.

30-5-53, Diệm trở lại Paris, do lời mời của giáo dân Paris.

Các việc năm 1954

12-1, Bửu Lộc lập nội các.

4-6, hai thủ tướng Bửu Lộc và Laniel ký hiệp ước kiện toàn nền độc lập Việt Nam.

14-6, Diệm gặp đại sứ Mỹ, Douglas Dillon, cho biết sắp được Bảo Ðại bổ làm thủ tướng.

16-6, Bảo Ðại cử Ngô Ðình Diệm làm thủ tướng với toàn quyền hành động.

25-6, Diệm về nước.

29-6, Diệm yêu cầu McClintock, xử lý thường vụ đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, vận động Pháp đừng rút quân quá nhanh. Bằng không, Diệm sẽ không thành lập chính phủ.

5-7, Diệm công bố danh sách nội các.

20-7, Pháp-Cộng ký Hiệp Ðịnh Genève, chia đôi Việt Nam. Chính phủ Bảo Ðại không ký. Tháng 9, ông Diệm bắt đầu gay gắt với Nguyễn Văn Hinh, tổng tham mưu trưởng quân đội, và các giáo phái. Ông được đại tá Mỹ Landsdale cố vấn, xúi dùng tiền mua chuộc các cấp lãnh đạo của các tập thể này để hủ hóa và chia rẽ họ.

23-9, Bảo Ðại gửi công điện gián tiếp yêu cầu Diệm từ chức. Smith chỉ thị cho đại sứ Dillon tại Paris yêu cầu Bảo Ðại... khuyến khích Diệm tiếp tục cầm quyền.

24-9, Diệm họp báo, tuyên bố cải tổ nội các.

29-9, Mỹ và Pháp ký mật ước ủng hộ chính phủ Diệm.

15-12, Ely và Collins ký tạm ước ủng hộ chính phủ Diệm.

Các vIệc năm 1955

20-1, Diệm cho lệnh Hồ Thông Minh, tổng trưởng Quốc Phòng, chuẩn bị kế hoạch và điều động các đơn vị quân đội đánh dẹp Bình Xuyên.

19-2, Eisenhower viết thư cho Bảo Ðại khẳng định tiếp tục ủng hộ Diệm.

20-2, Collins mời Diệm tới tòa đại sứ nói chuyện rồi ăn cơm tối.

22-2, Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên thành lập Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia (Mặt Trận Liên Tôn) chống Ngô Ðình Diệm, tại Chợ Lớn. Ngoài Trung, Ðại Việt, Việt Nam Quốc Dân Ðảng cũng rút lực lượng võ trang về rừng núi, thiết lập chiến khu ở Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

4-3, hộ pháp Phạm Công Tắc đại diện Mặt Trận đòi hỏi một chính phủ liên hiệp quốc gia.

21-3, các giáo phái ra tối hậu thư cho Diệm phải cải tổ chính phủ trước ngày 26-3.

30-3, Bình Xuyên tấn công Bộ Tổng Tham Mưu, bị đẩy lui.

26-4, Diệm cách chức giám đốc Cảnh Sát Sài Gòn-Chợ Lớn của Lai Văn Sang (Bình Xuyên), thay thế bằng Nguyễn Ngọc Lễ.

27-4, ra lệnh quân Bình Xuyên phải rút khỏi Sài Gòn.

28-4, Bảy Viễn cho lệnh tấn công Dinh Ðộc Lập. Bảo Ðại phong Nguyễn Văn Vỹ làm tổng tư lệnh quân đội, được toàn quyền giải quyết cuộc tranh chấp giữa Diệm và các giáo phái.

29-4, Diệm quyết định không bàn giao quân đội cho Vỹ. Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn, Nhị Lang thành lập Ủy Ban Cách Mạng Quốc Gia đòi truất phế Bảo Ðại.

1-5, Diệm yêu cầu Mỹ yểm trợ để lật Bảo Ðại. 2-5, quân đội được lệnh tiến vào khu Cầu Chữ Y, đại bản doanh của Bảy Viễn (Bình Xuyên).

9-5, chấm dứt chiến dịch Rừng Sát diệt Bình Xuyên.

26-9, Diệm thông báo với đại sứ Mỹ Rheinart sẽ thực hiện hai giai đoạn để truất phế Bảo Ðại: Trưng cầu dân ý ngày 23-10 về người cầm quyền, và biểu quyết hiến pháp ngày 27-11.

21-10, chiến dịch Hoàng Diệu chấm dứt cuộc xung đột giữa các giáo phái và nhà cầm quyền Ngô Ðình Diệm.

23-10, tổ chức... trưng cầu dân ý. Ông Diệm được 5,721.735 phiếu (98,2%) so với 53,107 phiếu (1.1) cho Bảo Ðại.

Chỉ riêng Sài Gòn, chốn nhĩ mục quan chiêm, tổng số cử tri 450,000 người, mà riêng số phiếu bỏ cho ông Diệm lên đến... 650,000. Làm các ký giả ngoại quốc được một bữa cười bể bụng!

26-10, Ngô Ðình Diệm thiết lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa (đệ nhất), tự phong tổng thống.

Các việc năm 1956-7-8-9

4-3-56, bầu quốc hội lập hiến.

26-10-56, ban hành hiến pháp.

22-2-57, Diệm bị ám sát hụt khi khai mạc Hội Chợ Kinh Tế Ban Mê Thuột.

15-7-58, đại sứ Mỹ báo cáo, trong sáu tháng đầu năm, hoạt động của cộng sản ngày càng gia tăng.

Các việc năm 1960-1

25-1-60, Việt Cộng đột kích Bộ Chỉ Huy trung đoàn 32 của Sư Ðoàn 21 tại Tua Hai (Trảng Sụp, Tây Ninh).

26-4-60, mười tám nhân vật họp ở khách sạn Caravelle phản đối chế độ độc tài.

11-11-60, một số sĩ quan làm đảo chính, nhưng thất bại.

12-12-60, Hà Nội thành lập Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam.

11-5-61, Kennedy quyết định gửi Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ tham chiến.

14-5-61, Diệm tiếp kiến Johnson, chống việc Mỹ gửi quân chiến đấu qua Việt Nam.

13-10-61, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Ðình Thuần xin Mỹ can thiệp để Ðài Loan gửi một sư đoàn qua Việt Nam tham chiến.

18-10-61, Diệm ban hành tình trạng báo động trên toàn quốc.

24-10-61, Taylor gặp Diệm lần thứ hai, đề nghị đưa bộ binh Mỹ vào Việt Nam dưới danh nghĩa cứu lụt (theo báo cáo của Taylor, Diệm rất tán thành). Ngoại trưởng Rusk không tán thành đề nghị của Taylor, không muốn Mỹ bị tổn thương vì "con ngựa thua cuộc".

11-11-61, McNamara và Rusk làm tờ trình chung, yêu cầu gia tăng quân Mỹ ở Việt Nam, nhưng áp lực Diệm phải thực hiện cải cách chính trị.

7-12-61, Bộ Ngoại Giao Mỹ chỉ thị đại sứ Nolting giảm áp lực với Diệm về cải cách chính trị.

Các việc năm 1962-3

27-2- 62, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom dinh Ðộc Lập.

8-5-63, cuộc tranh đấu của Phật Giáo bùng nổ.

21-8-63, Nhu cho lệnh cảnh sát mặc quân phục tấn công các chùa chiền.

2-9-63, Nhu gặp Maneli.

9-9-63, Trần Lệ Xuân dẫn phái đoàn đi Belgrade, rồi sẽ chu du Âu Châu và Mỹ Quốc để "giải độc".

17-9-63, Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ quyết định áp lực Diệm phải tuân theo chính sách Mỹ.

18-10-63, tướng Harkins thông báo cho Diệm là ngân khoản duy trì Lực Lượng Ðặc Biệt bị cắt.

27-10-63, Diệm mời đại sứ Lodge cùng đi nghỉ mát tại Ðà Lạt, phàn nàn về vấn đề cắt viện trợ.

29-10-63, Washington chỉ thị Lodge phải thông báo cho Harkins biết rõ chi tiết cuộc đảo chính.

30-10-63, Harkins gửi cho Washington ba công điện, không muốn "thay ngựa" quá mau.

1-11-63: 13 giờ 30 cuộc đảo chính bắt đầu. 16 giờ, Diệm và Nhu được Cao Xuân Vỹ, lãnh tụ Thanh Niên Cộng Hòa, lái xe tới Cao Văn Viên, tư lệnh Dù, xin bảo vệ, bị từ chối, đưa vào nhà Mã Tuyên, bang trưởng, lãnh đạo Thanh Niên Cộng Hòa trong Chợ Lớn, sáng hôm sau tới Nhà Thờ Cha Tam.

2-11-63: 6 giờ 45, Diệm điện thoại cho Khiêm thông báo chỗ ẩn náu. 7 giờ, tướng Ðôn báo cho tướng Minh. Minh sai tướng Mai Hữu Xuân, đại tá Quan, đại tá Lắm, thiếu tá Nghĩa và đại úy Nhung đến dẫn độ về Bộ Tổng Tham Mưu. 8 giờ 30, Diệm và Nhu bị giết chết trong thiết vận xa, trong khi dẫn giải.

Chuyện bên lề: Ông Diệm, người khai sáng ra nền đệ nhất cộng hòa, người làm tổng thống toàn quyền sinh sát mà lại mang đặt sau đến cả bốn vị... chống cộng trên đây thì là làm sao? Nhưng cứ xét qua công việc của ông, gồm nể nang "bà cố", khâm phục "ông cố", vâng lời "đức cha", và chiều ý "chú út", thì ổng đâu còn phải làm gì. Thế cho nên công tội gì, thì cũng ở bốn vị trên cả. Vậy ông không đóng vai thứ yếu sao được?!

Còn đây là hành trạng của ông:

Ông sinh ra thì tình hình Ðông Dương của Pháp đã tạm như ổn định. Khi ông trưởng thành, là đúng lúc Pháp đã chiến thắng trong cuộc thế chiến lần thứ nhất và đang đi vào thời kỳ vẻ vang "hòa bình Pháp Quốc".

Chẳng cứ ông Diệm, mà gần như hầu hết ai cũng chấp nhận cuộc sống đó, cầu mong có một công ăn việc làm ổn cố với nhà nước bảo hộ, có mấy người băn khoăn về độc lập tự do. Nhất là ông Diệm lại thuộc vào "danh gia vọng tộc", cả nhà được ân sủng dồi dào, cả của nhà nước, cả của giáo hội, hai thế lực cầm đầu thời bấy giờ, thì có tận tâm trung thành, hết lòng hết sức phục vụ cũng chỉ là việc tự nhiên thôi. Trong hoàn cảnh đó, mà ông Diệm được cái tiếng cần kiệm liêm chính, kể ra cũng là đã quá xá rồi. Chứ nói đến chống Pháp, chống phong kiến, ái quốc thì là quá ngoa ngôn.

Về việc đòi hỏi Pháp phải trở lại Hiệp Ước 1884, thì không chỉ riêng ông Diệm, mà chính là phát xuất từ ông Nguyễn Hữu Bài, kẻ tiền bối và đỡ đầu của ông Diệm (lại cũng là bố vợ ông Ngô Ðình Khôi, anh cả ông Diệm) lận.

Nhưng nhìn kỹ hơn, ông Phạm Quỳnh, thuộc Tam Ðiểm, cũng đòi hỏi y hệt hai ông Bài-Diệm, thì vẫn được Pháp đưa vào Huế. Còn hai ông thì lại bị trừng trị nặng nề. Là vì đàng sau các ông Nguyễn Hữu Bài, Ngô Ðình Khả, rồi Ngô Ðình Khôi, Ngô Ðình Diệm,... là Giáo Hội. Mà Giáo Hội và Tam Ðiểm luôn luôn kình chống nhau.

Lúc nào, ở chính quốc phe Giáo Hội mạnh, thì Giáo Hội ở thuộc địa (Hội Truyền Giáo) cũng khỏe, người của Giáo Hội vững chân, và dĩ nhiên ngược lại.

Khi các vị này thi hành sách lược của Giáo Hội, mà được, Trung Bắc Kỳ thuộc về Nam Triều, ít ảnh hưởng của chính quốc, Giáo Hội có người nắm quyền cao chức trọng trong triều đình, thì Giáo Hội cũng nhiều quyền hơn; mà không được cũng là một cách biểu dương lực lượng với nhà nước thuộc địa, lại được tiếng ái quốc, đòi hỏi quyền lợi cho Nam Triều, bảo vệ chế độ quân chủ. Thực tế thì hồi đó cả dân Trung Kỳ lẫn Bắc Kỳ đều cùng muốn để Pháp trực trị, mà không thích chịu thêm cái gông triều đình hủ lậu, tham nhũng làm gì.

*

Ông Diệm sinh ra là chỉ để... làm quan. Sau khi bị cách chức, nỗi căm giận của ông hẳn ai cũng có thể hiểu được. Nhưng phải chờ đến cả chục năm sau, năm 1941, ông mới có phương thế rửa hận.

Ðó là, sau khi thành lập Việt Nam Phục Quốc Hội ở hải ngoại, kỳ ngoại hầu Cường Ðể cho người tiếp xúc với Huỳnh Thúc Kháng, ủy nhiệm cụ việc kết nạp trong nước. Cụ Huỳnh vốn không muốn tôn quân nên từ chối, và giới thiệu ông Diệm. Thật cụ Huỳnh đã nhìn thấu tâm can:

Ông Diệm giận Pháp, giận Bảo Ðại (?), giận Phạm Quỳnh, là người đạo gốc. Nay có Nhật đang ở thế vô địch ngay tại trong nước, có hoàng thân dòng chính thống lại là người đồng đạo, mà cái việc ngày một ngày hai Nhật lật Pháp, lật Bảo Ðại, lật Phạm Quỳnh, đưa Cường Ðể lên ngôi, để có một ông vua công giáo cho Việt Nam là việc chắc như bắp, thì bất cứ một người nào trong vị thế của ông lại có thể từ chối cho nổi việc ủy nhiệm đó. Và hẳn ông cũng không thiếu sự ban phép lành của Giáo Hội.

(Một trong những cố vấn và trợ thủ đắc lực nhất của ông trong việc này là linh mục Lê Sương Huệ, lãnh đạo địa phận Vinh. Linh mục Huệ có một người con tinh thần là Hoàng Bá Vinh, tức Vinh Cò Ruồi, tức Già Vinh, tức Hoàng Châu, sau này là một tay đóng góp rất nhiều trong phong trào công giáo chống cộng cùng khai sinh và củng cố nền Ðệ Nhất Cộng Hòa, tuy nhiên chỉ nấp ở đàng sau hậu trường, nên ít người biết đến).

Có lẽ vì quá chủ quan như thế, nên ông Diệm quên khuấy mất việc Nhật phản bội Phan Bội Châu trước đây (1909) và Trần Trung Lập sốt dẻo vừa qua (1940).

Trên thực tế, ông cũng chưa làm nên cơm cháo gì, ngoài việc tập hợp được khoảng trên dưới dăm chục người. Tuy thế cũng đủ để Pháp quây bắt, vào cỡ giữa năm 1944. Phần lớn đều sa lưới. Anh cả ông Diệm, tổng đốc Ngô Ðình Khôi, lại cũng bị Pháp bắt làm đơn treo ấn từ quan. Nhưng ông Diệm thì được Nhật giải cứu, mang vô Sài Gòn, ngụ tại bịnh viện Hồng Bàng, khi đó bị Nhật xung công. Việc bắt bớ này khiến giám mục Ngô Ðình Thục phải làm đơn "khiếu oan" cho ông anh và ông em với toàn quyền Decoux!

[Trong thời gian này, ngoài những nhóm chỉ vận động chính trị, nương tựa hoàn toàn vào Nhật như Ngô Ðình Diệm, hoặc những nhóm muốn lợi dụng Nhật như Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Xuân Tiếu, thì chính Nhật cũng sắp sẵn nhiều lá bài. Họ yểm trợ Cao Ðài, Hòa Hảo. Họ dọa một số người là Pháp đang lùng bắt, làm những người này phải nhờ họ gỡ bí. Chả hạn cuối 1943, đầu 1944, họ lừa mang được Vũ Văn An, Lê Toàn, Nguyễn Xuân Chữ vào Sài Gòn cộng tác với ông Diệm và Vũ Ðình Di; Trần Văn Ân, Dương Bá Trạc, Trần Trọng Kim đi Chiêu Nam (Singapore)].

Thế nhưng khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-45 xong, phe quân nhân lại không muốn đưa Cường Ðể về mà tiếp tục dùng Bảo Ðại... cho tiện việc. Cho nên chính Bảo Ðại hai lần nhờ Nhật tìm giùm ông Diệm, họ đều ỉm đi, trong khi ông Diệm chầu chực tại Tư Lịnh Bộ Nhật mà chẳng hề được đoái hoài, đành bỏ Sài Gòn về Vĩnh Long, ở với giám mục Ngô Ðình Thục. Vậy mà sau này ông Diệm khăng khăng chối không hề bao giờ cộng tác với Nhật mới là sự lạ đời!

Khi cộng sản cướp được chính quyền tại Huế, chúng bắt Phạm Quỳnh và Ngô Ðình Khôi (và người con trai ông này) mang đi chôn sống. Còn theo ông Diệm, thì ông cũng bị bắt mang ra Bắc, quản chế trên thượng du nửa năm, rồi đưa về Hà Nội mời tham chính, nhưng ông từ chối.

Ngô Ðình Diệm có bị cộng sản bắt giam không. Bắt ở đâu, khi nào? Có rất nhiều vị nói về vụ này, mà mỗi vị một phách.

Còn Vũ Thư Hiên, trong Ðêm Giữa Ban Ngày, cho một chi tiết:

Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, ông Ngô Ðình Diệm bị bắt. Tại Hà Nội, ông Diệm bị giam, không phải ở Hỏa Lò, mà ngay trong Bắc Bộ Phủ... Cha tôi là người giữ chìa khóa phòng giam. Ðến bữa, cảnh vệ lên lấy chìa khóa, cho Ngô Ðình Diệm ăn xong thì nộp lại.

Một hôm, ông Hồ bảo cha tôi: Chú Huỳnh ạ, tôi tính nên thả ông Diệm. Mình làm ân cho người ta tốt hơn là làm oán.

Cha tôi bàn với ông Lê Giản. Hai ông cho rằng, để ngăn ngừa những hành động chống cách mạng của ông Diệm, tốt nhất là để ông ta được hưởng chế độ câu lưu tại Việt bắc. Ông ta sẽ sống như dân thường, chỉ bị hạn chế tự do đi lại mà thôi.

Ông Hồ Chí Minh bỏ ngoài tai ý kiến phản bác, ông đã định thả là ông thả.

Theo chúng tôi nghĩ thì, sau khi thất bại trong việc chờ đợi Nhật đưa ra chấp chính khi hất cẳng Pháp, ông Diệm về ở khi Chợ Lớn với ông Luyện, khi Vĩnh Long với ông Thục. Lúc nội các cụ Trần Trọng Kim giải tán, ông Diệm từ Nam Bộ định về Huế xoay đổi tình thế nhưng nửa đường bị cộng sản bắt và giam giữ cỡ nửa năm trời. Sau đó ông Diệm bị quản thúc, nhờ tạm trú hoặc nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế tại Nam Ðồng hoặc tại bịnh viện St Paul Hàng Bột Hà Nội cho đến ngày xung đột cộng sản-thực dân 19-12-1946, nên khỏi bị xua đi tản cư, để rồi được Pháp tiếp xúc lập chính phủ chống cộng và tham gia các đảng phái và đoàn thể sang Hong Kong gặp cựu hoàng Bảo Ðại.

Vậy thì sự thực là ông Diệm có bị cộng sản bắt không. Bắt tại Huế, hay trên đường ông từ Sài Gòn về Huế, hay từ Huế đi Sài Gòn? ổng có bị quản thúc không. Quản thúc trong bao lâu, và tại đâu?

Sau đó, ổng ở đâu? Ở Hà Nội cho đến khi nổ ra xung đột cộng sản-thực dân 19-12-46. Hay ông được tự do về Huế? Xin nhớ 19-3-1946 Pháp đã kéo tới Huế, rồi 7-2-47 thì chiếm hẳn.

Tóm lại, việc ông Diệm thực sự ở tại nơi nào, trong những thời gian nào của giai đoạn 19-8-45 và 19-12-46 vô cùng quan trọng trong việc xác định lý lịch, hành tung và chủ trương của ông.

(còn tiếp)


%% Trở lại mục lục