Từ khi chủ nghĩa Cộng sản lung lay mất gốc trên thế giới, và kéo theo sự phi lý của chủ thuyết Tư bản, người ta nói rất nhiều đến Văn hóa, vì chưa tìm ra thứ chủ nghĩa nào thay thế và có tác động lôi cuốn, tuyên truyền, trào lưu mạnh mẽ bằng thứ chủ nghĩa của Marx-Lenin làm rúng động thế giới gần trọn thế kỷ 20. Sự nhắc nhở đến văn hóa ít ra cũng có tính cách vô thưởng vô phạt.
Văn hóa thì mỗi quốc gia mỗi có, tuy có ảnh hưởng vào nhau, nhưng sự sát phạt không hề lộ dạng đột ứng. Tuy nhiên, muốn biến văn hóa trở thành chủ nghĩa thay thế cho Tư bản hay Cộng sản, hay Tự do, hay Nhân bản, vẫn chưa có hệ thống nào thành lập.
Khi lưỡng cực Ðông Tây hình thành sau Chiến tranh Lạnh, người ta nói nhiều đến vấn đề Chủ quyền (Sovereignty) và Nhân quyền (Humanity), nhưng cả hai thực ra mới chỉ dưới dạng thức chiêu bài để bảo vệ quyền lợi kinh tế, nhiều hơn là triết lý làm căn bản cho sinh hoạt thực tiễn trong một dân tộc. Trong khi chờ đợi một chủ nghĩa khác tác động mạnh mẽ hơn - ắt sẽ có - các dân tộc tạm khai thác triết lý văn hóa (truyền thống).
Văn hóa, đối với Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, quả thực khó có ý niệm cho trọn vẹn. Vì một văn hóa hợp chủng, xà bần (melting pot) quả là một thí điểm mới mẻ trên thế giới. Vì vậy, sự thành công của văn hóa hợp chủng tại Hoa kỳ lại chứng minh một điểm: văn hóa chưa hẳn là điều kiện tối yếu của sự thành công, phát triển của một quốc gia hay một dân tộc. Chẳng những thế, các nền văn hóa truyền thống lại còn có khả năng phối hợp, hòa điệu cùng nhau, để tạo thành một sắc thái mới, có tính cách đại đồng nhân loại hơn.
Tuy nhiên, trường hợp Hoa kỳ còn quá đặc biệt trên thế giới, các dân tộc chưa đến giai đoạn hòa tan văn hóa cùng nhau, chỉ vừa mới giao lưu chút đỉnh đã vội vàng bảo thủ, kinh hoàng, nói chi đến hòa tan vào nhau. Bảo thủ là phải, vì đây giai đoạn này - và hầu như bất cứ lúc nào - vẫn theo trò chơi "cá lớn nuốt cá bé"; các quốc gia tranh giành quyền lợi nhau, chờ chực chiếm hữu trục lợi lẫn nhau, chỉ có khác là theo hình thức ôn hòa hơn, ít võ lực thô bạo hơn mà thôi. Vì vậy, để tự bảo tồn, nhất là đối với các nước nghèo, nước bé, chỉ còn dùng phương thức văn hóa là nguyên lý duy nhất hợp thời kỳ quá độ đầu thế kỷ 21.
Khi chủ nghĩa cộng sản trong giai đoạn nở hoa, mang đến nhiều ảo tưởng nhất cho con người, thì một nhà tư tưởng trứ danh là Oscar Wilde, đưa ra nhận xét trong quyển "The Soul of Man Under Socialism" (Tâm hồn một Người dưới Xã hội chủ nghĩa). Tâm hồn được Oscar Wilde đề cập đến chính là của người nghệ sĩ, mà theo lý thuyết cộng sản thì tất cả phương tiện tự do sẽ được cung cấp tối đa cho người nghệ sĩ. Sự thực rồi ra như thế nào? Ai ai cũng đã có dịp nhìn thấy. Công tâm mà nói, trong các nước cộng sản nghèo nàn, như Việt nam chẳng hạn, người nghệ sĩ cũng được tôn trọng kha khá hơn nhiều giới khác. Nghệ sĩ vốn dĩ đã nghèo, thuộc giai cấp bần hàn, làm gì có tư sản, cho nên dưới chế độ nào cũng đều nghèo, tự do hay cộng sản nào có khác nhau là bao? Nghệ sĩ được ăn lương đều đặn dưới chế độ cộng sản, so với trong chế độ tự do, ngoại trừ một số rất ít may mắn nổi danh, nghệ sĩ vẫn là nghề nghiệp "vô hạng loại", nghèo khổ lang thang nhất. Ðiểm khác biệt so với lời kỳ vọng của Oscar Wilde là, nghệ sĩ không có tự do tư tưởng trong chế độ cộng sản, họ trở thành "thợ" thành "công nhân", và do đó, nghệ thuật nếu không bị bóp chẹt thì hầu hết chỉ là những sản phẩm do chế độ đặt hàng, không có sinh khí hay sáng tạo chi cả. Rất nhiều nghệ sĩ tài danh trong các chế độ cộng sản đã phải trốn ra nước ngoài tìm không khí tự do - Vladimir Nabokov, George Balanchine, Alexander Solzhenitsyn... - nếu không muốn trở thành tù nhân thực thụ của chế độ.
Trong khi đó, hầu hết các nhà làm nghệ thuật dưới thời kỳ chế độ tư bản bộc phát tại Âu châu đều lên án chế độ này sẽ làm chết nghệ thuật và văn hóa. Ðiển hình là nhà thơ Beaudelaire hay nhà văn Gustave Flaubert - trong tác phẩm nổi tiếng Madame Bovary - đã báo động sự suy sụp của nền văn hóa tư bản. Thế nhưng, theo nhận định và dẫn chứng của một bình luận gia rất ái mộ chủ nghĩa tư bản, là Joseph Epstein, thì từ trước đến nay người ta chỉ thấy tư bản làm lợi cho văn hóa. Những tỷ phú như Morgans, Rockefeller, Fricks, Guggenheims đều không phải là người làm Văn hóa, nhưng đã bỏ tiền ra giúp cho sự phát triển của văn hóa. Dĩ nhiên, đây là cách biểu lộ trách nhiệm xã hội của những người đã làm giàu từ trên xã hội (nếu không muốn nói là một lối quân bình tài chính và thuế khóa), nhưng dù sao lập luận của ông Epstein cũng khá thực tiễn, có thể chứng minh bằng những con số. Ông còn đi xa hơn nữa, cho rằng "nghệ thuật là xa hoa của xa hoa" (the luxury of luxuries) nên phải là những nhà tư bản giàu có mới có khả năng phát triển bằng cách dùng tài chính yểm trợ nghệ thuật. Không hẳn là không đúng, những giải thưởng nghệ thuật cao quý nhất trên thế giới ngày nay, như giải Nobel hay giải Oscar, giải Pulitzer đều do những nhà tư bản bỏ tiền ra cống hiến.
Tuy nhiên, nếu nhìn qua con mắt của Joseph Epstein, thì đã nhìn bằng mắt của một người tư bản nhìn văn hóa. Ðó là thứ văn hóa tư bản, thứ văn hóa hay nghệ thuật xa xỉ. Cũng có thể nói cách khác, đó là văn hóa của Hoa Kỳ ngày nay. Họ tung tiền ra để khuyến khích phát triển văn hóa, và mua tất cả những tài năng văn hóa có thể mua được để xây dựng, trước tiên, cho Hoa kỳ, có thể lâu về sau này, sẽ cho nhân loại. Dĩ nhiên, không phải có tiền là mua được hết tất cả. Thứ văn hóa hay cả nghệ thuật tư bản dù đắt tiền nhất vẫn chẳng phải là tột đỉnh trên thế giới ngày nay. Vì nó còn đi kèm theo với thương mại và quảng cáo, tác động của truyền thông. Lấy một thí dụ điển hình, loại nhạc pop-rock của Michael Jackson hay Madonna, khoảng một thập niên trước ảnh hưởng rầm rộ tại Hoa kỳ và trên cả thế giới, nhưng hầu như chỉ là thứ sản phẩm của quảng cáo, đến nay đã suy tàn, và liệu sẽ tồn tại được bao lâu? Chưa bao giờ người ta cảm thấy thứ nhạc đó sẽ trở thành cổ điển "classical" bất tử cả. Trong khi đó, họa phẩm của Van Gogh ngày nào không bán lấy được một bức đến nỗi họa sĩ phải chết nghèo đói điên loạn, vậy mà nay trở thành dẫn đầu về giá trị (thành tiền) trên thế giới.
Những thí dụ nho nhỏ đó chứng minh rằng, tư bản, và tệ hơn nữa là cộng sản, đều không phải là môi trường hoàn hảo cho văn hóa phát triển. Ðó là mới nói đến thứ văn hóa xa xỉ, tức là nghệ thuật.
Người Mỹ khi nói đến văn hóa họ chỉ nghĩ đến hạng loại này, vì họ là văn hóa tạp chủng, họ khó có được một tinh thần thấu đáo, một rung cảm sâu đậm về văn hóa, họ khó lòng hình dung được như nhờ văn hóa mà những dân tộc nghèo nàn nhất, đày đọa nhất đã sống còn và phát triển. Họ đang học tinh thần văn hóa Nhật bản, Trung hoa, Ấn độ. Họ biết thưởng thức triết lý của Phật, Lão, Khổng, của kinh Coran, của kinh Vedas, của Thần đạo (Shinto), của Thiền Zen... Họ thích tranh thủy mạc, thích cao lương mỹ vị Trung hoa, thích áo kimono hay kiếm khách samurai Nhật bản, thích kundalini hay thích cả... linga và yoni Ấn độ... Nhưng họ sẽ cảm thấy rất mơ hồ khi nói đến Con Rồng Cháu Tiên, và có thể sẽ không tin một dân tộc nhỏ bé như Việt nam, chịu nô lệ cả nghìn năm trước một nước đàn anh láng giềng khổng lồ thế sao ngày nay vẫn còn tồn tại với sắc thái cá biệt của văn hóa.
Nếu nhìn văn hóa thực sự trọn vẹn như là văn hóa, tức là một dòng sống độc đáo của một dân tộc, thì phải nói, cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa cộng sản - cộng sản tệ hơn tư bản - giúp ích thì ít mà gây hại thì nhiều cho văn hóa. Một đàng thì thương mại hóa văn hóa, còn một đàng thì bần cùng hóa văn hóa. Cả hai đều tước đoạt linh hồn của văn hóa, ít hay nhiều.
Người phục vụ văn hóa đích thực khi phục vụ sẽ không nghĩ đến tiền tài danh vọng, đừng nói gì đến chủ nghĩa chính trị. ít ra, tầm nhìn của họ cũng cao hơn đôi chút: Dân tộc - Con người, hay chỉ thuần túy là Văn hóa - Nghệ thuật.