Phúc Ðáp H.Q.CHÂU(*)

Ðại Dương

Cám ơn ông Châu đã bỏ công đọc bài "Ðoạn tuyệt với hội chứng Việt Nam" và bày tỏ ý kiến bất đồng. Qua đó, tôi biết thêm một cái nhìn khác về cuộc chiến Việt Nam.

Giờ đây, xin trình bày suy nghĩ của tôi dựa vào nội dung chính trong thư của ông mà không theo tuần tự các tiểu mục được nêu lên.

Thất bại của cuộc chiến nào cũng mang theo nhiều cay đắng, tuy nhiên, rất khó xác định đích danh thủ phạm. Vì thế, bất cứ ai cũng có thể trở thành vật tế thần trong khung cảnh gán tội lẫn nhau. Mấy tay từng trốn quân dịch lại hùng hổ kết tội quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hèn nhát! Mỹ, Việt đều giống nhau. Chỉ khác ở điểm duy nhất là quyết tâm nuốt trôi hoặc lưu giữ chất cay đắng trong cổ họng. Tổng thống, chính trị gia, tướng lãnh Việt, Mỹ có thể trở thành vật tế thần cho bất cứ kẻ nào muốn đề cập tới cuộc chiến Việt Nam.

Mỗi tác giả nhìn chiến tranh Ðông Dương dưới nhãn quan riêng biệt. Còn độc giả đánh giá tác phẩm tùy vào nhận thức và định kiến cá nhân.

Triết gia Jean Paul Sartre, triết gia Bertrand Russel và nhiều học giả danh tiếng Âu Mỹ đã viếng thăm Liên Xô rồi tán tụng đời sống tốt đẹp xã hội chủ nghĩa. Nhận xét của họ, gần như chuẩn mực trong nhiều thập niên, chỉ tan thành mây khói khi Ðế quốc Liên Xô tan rã vào 1991.

Người bình dân chưa hẳn thiếu-viễn-kiến hơn các nhà khoa bảng cao ngạo, xa rời thực tế.

Thiển nghĩ, chỉ nên coi tác phẩm chính trị như tài liệu tham khảo, dùng để so sánh, đối chiếu với các nguồn khác và thực tiễn lịch sử, thay vì tôn thờ như thánh thư.

Việc Hoa Kỳ bị buộc tội phản bội vì đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa cần được xét trên nhiều khía cạnh lịch sử và hành động, kể từ khi người Mỹ nhúng tay cho đến lúc rút chân khỏi cuộc chiến Việt Nam.

Sau khi đẩy lùi Hồng quân Trung Hoa tới sông áp Lục và chế ngự chiến thuật biển người (được coi như vô địch thời đó), Hoa Thịnh Ðốn chủ trương chia hai bán đảo Triều Tiên tại vĩ tuyến 38 nên không chấp thuận kế hoạch tiến đánh Hoa Lục, bèn cất chức Tướng Douglas Mac Arthur. Hoa Kỳ chỉ chủ trương chận bước tiến của cộng sản tại vĩ tuyến 38.

Hoa Kỳ sợ Trung Cộng tràn xuống Ðông Nam á bằng cách liên kết với Cộng sản Việt Nam, nhất là ở vào giai đoạn Hồ Chí Minh ngả về phía Bắc Kinh, nên lợi dụng Hiệp Ðịnh Genève 1954 để biến miền Nam thành tiền đồn ngăn chặn bước tiến của cộng sản.

Trên phương diện chiến lược toàn cầu, việc Hoa Kỳ lập vòng đai bao vây Trung Cộng vào thời điểm đó hoàn toàn đúng. Bao vây nhưng tránh trực chiến với Trung Cộng. Sự hiện diện của quân Mỹ với vũ khí tối tân tại vĩ tuyến 38 ở Ðại Hàn và xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu phía Nam vĩ tuyến 17 ở Việt Nam buộc Bình Nhưỡng và Hà Nội phải ngả vào vòng tay Liên Xô để nhận lãnh vũ khí tối tân. Bắc Triều Tiên và Bắc Việt trở thành trái độn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Trong nhiều thập niên, Bình Nhưỡng và Hà Nội là chư hầu của Liên Xô, nên đôi lúc cà khịa với Bắc Kinh.

Bối cảnh lịch sử nước ta lại càng rối rắm. Thực dân Pháp thua phải chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam theo Hiệp Ðịnh Genève 1954. Người Việt quốc gia đứng trước một di sản rách nát.

Về chính trị, chấp nhận Tổng tuyển cử như qui định của Hiệp Ðịnh Genève tức là cầm chắc phần thua: (1) Huyền thoại Hồ Chí Minh khống chế dư luận. ít người biết hoặc tin vào vai trò tay sai đắc lực cho Ðệ Tam Quốc Tế của Hồ Chí Minh. (2) Bị đẩy vào hoàn cảnh phải hợp tác với Thực dân Pháp để chống cộng sản, khiến cho tư thế quốc gia của chính phủ và các nhà chính trị suy yếu, lép vế trước ứng viên Hồ Chí Minh. (3) Huyền thoại Ðiện Biên Phủ đã nâng cao uy tín của đảng Cộng sản. Mấy ai biết rõ trận Ðiện Biên Phủ do các viên tướng của Hồng Quân Trung Hoa trực tiếp chỉ huy. (4) Các chính đảng, giáo phái chia rẽ trong tình trạng sứ quân hùng cứ tại Sài Gòn và Lục Tỉnh.

Về quân sự, Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam ít về quân số, kém về huấn luyện, thiếu cấp chỉ huy (khi sĩ quan Pháp ra đi), tổ chức luộm thuộm và rời rạc, vũ khí trang bị thô sơ, kinh nghiệm trận mạc còn ít. Thực tế, Quân Ðội Quốc gia vào giai đoạn đó chưa đủ sức đương đầu trong trận chiến qui mô với phía Cộng sản.

Về xã hội, Nam Triều không có khả năng lấp lỗ hổng quyền lực do Pháp để lại do thể chế quân chủ không còn hợp thời. 1 triệu người Bắc di cư cần phải ổn định, nhưng ngân khố trống rỗng.

Sự can dự trực tiếp của Hoa Kỳ khiến Bắc Kinh và Hà Nội không dám tiến hành chiến tranh khi Tổng tuyển cử năm 1956 đã không diễn ra như đòi hỏi của Hiệp Ðịnh Genève 1954. Kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên còn mới khiến họ không thể mạo hiểm đối đầu với Mỹ đang sôi sục khí thế chống cộng.

Bối cảnh chính trị không mấy sáng sủa. Nhưng khát vọng của đa số dân chúng phía Nam vĩ tuyến 17 là muốn được sống trong thể chế tự do dân chủ.

Có thể nói chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ và chiến lược quốc dân Việt Nam trong giai đoạn đó phù hợp với nhau nên mới kết tình đồng minh. Quyền lợi của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đan kết hỗ tương ắt trách nhiệm và nghĩa vụ cũng liên quan mật thiết với nhau.

Thực tế, nếu Hoa Kỳ không nhúng tay vào thì Việt Nam đã thống nhất từ 1956 và có thể rơi vào trường hợp như Bắc Triều Tiên. Chí ít, gần nửa dân tộc Việt Nam đã sống tương đối dễ thở hơn suốt hơn 25 năm.

Quan hệ đồng minh trên trường quốc tế không theo qui luật bất biến, mà thay đổi tùy thuộc bối cảnh lịch sử, buộc các quốc gia liên hệ phải điều chỉnh đường lối, chính sách cho phù hợp với mục tiêu chiến lược, quyền lợi của đối tác.

Hoa Kỳ chủ trương xây dựng một quốc gia đồng minh bảo đảm quyền tự do dân chủ (đó cũng là khát vọng của đa số người Việt Nam) nhằm làm phản diện với độc tài cộng sản.

Nhưng chính phủ Ngô Ðình Diệm sau mấy năm cai trị đã biến đổi dần sang độc tài gia đình trị. Các chính đảng, giáo phái bị loại khỏi sinh hoạt để dành độc quyền cho đảng Cần Lao.

Hoa Thịnh Ðốn khuyến cáo mở rộng chính quyền trên căn bản tham gia rộng rãi hơn cho nhiều thành phần xã hội; loại bỏ vợ chồng Ngô Ðình Nhu đang gây phẫn nộ đối với dư luận trong và ngoài nước, đã không được nghe theo.

Vì thế, dư luận Mỹ lên án Hoa Thịnh Ðốn ủng hộ chính quyền độc tài, bèn chống lại quyết liệt.

Cũng vậy, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu áp dụng nhiều thủ đoạn để độc diễn trong cuộc bầu cử 1972, bất chấp khuyến cáo của Hoa Thịnh Ðốn.

Hành Pháp, Lập Pháp, Dư Luận Mỹ lên án gay gắt việc lạm dụng tiền viện trợ, tình trạng tham nhũng và kêu gọi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tìm biện pháp chấm dứt.

Ðáp lại, Tổng thống Thiệu thăng cấp cho Tướng Nguyễn Văn Toàn và phong làm Tư lệnh Vùng III khi dư luận trong nước tố cáo Toàn tham nhũng và có hành vi bất xứng. Tướng Ðặng Văn Quang được đưa về giữ chức Cố vấn Quân sự tại dinh Ðộc Lập khi bị báo chí Mỹ tố cáo cầm đầu đường dây buôn lậu ma túy. (Quang bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ khi đi tị nạn năm 1975).

Ngược lại, khi bị Hoa Kỳ chê trách tình trạng tham nhũng, chính phủ Phác Chính Hy đã xử tử 7 tướng lãnh liên quan và áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hành vi của quân nhân và công chức Ðại Hàn.

Tổng thống Chung Ðô Hoan đã tấn công vào khuôn viên Ðại học Quang Du làm thiệt mạng khoảng 2,400 sinh viên khiến phong trào phản chiến phải tan rã.

Ðại Hàn tiếp tục tồn tại và phát triển, trong khi Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, đã biện minh cho phương pháp "độc tài sáng suốt" đôi khi cũng tốt hơn "dân chủ nửa mùa".

Vụ buôn lậu biệt danh "còi hụ Long An" năm 1974 dính dáng đến Ðệ nhất phu nhân. Vụ xuất cảng vỏ đạn đại bác liên quan đến một Bộ trưởng trong chính quyền Thiệu.

Chính phủ Diệm cũng như Thiệu đã không tìm cách dập tắt lại còn đổ xăng vào dư luận đang cháy của đồng minh Hoa Kỳ, khiến cho Lập Pháp đưa ra các Ðạo Luật trói tay Hành Pháp; Báo Chí thêm dữ kiện khuấy động phong trào phản chiến.

Ðệ nhị Việt Nam Cộng Hòa kết tội Hoa Kỳ không tôn trọng cam kết do 5 đời Tổng thống đưa ra.

Quyền lực chính trị của nước Mỹ không nằm trong tay Tổng thống, mà tổng hợp từ Hành Pháp, Lập Pháp và Báo Chí (được gọi là Ðệ tứ quyền).

Theo Hồi Ký của các chính trị gia Việt Nam thì Sài Gòn chỉ biết Hành Pháp của Mỹ; chẳng có kế hoạch "vận động hành lang Quốc Hội - lobby"; không tìm cách thuyết phục truyền thông Hoa Kỳ cũng như quốc tế.

Dân chúng Mỹ lúc đầu ủng hộ kế hoạch chống cộng tại Việt Nam. Nhưng sự bất mãn tăng dần khi tiền viện trợ của người thọ thuế chui vào túi tham nhũng; thanh niên Mỹ đi chiến đấu và chết thay ở mảnh đất xa xôi, trong khi thanh niên tại đó lại trốn quân dịch, tham gia phong trào chống chiến tranh.

Khi bất mãn đã được đong đầy thì chẳng có vị Tổng thống Mỹ nào dám đi ngược lại nguyện vọng của dân chúng. Rút chân ra khỏi cuộc chiến Việt Nam là chuyện tất yếu.

Các Tổng thống Mỹ đang chữa cháy cho Việt Nam nhưng khi thấy nhà mình bị bén lửa dĩ nhiên phải dành ưu tiên cho quốc gia.

Luật sư Richard Nixon đã thắng các đối thủ bồ câu trong bối cảnh phản chiến rầm rộ nhờ kế hoạch rút quân khỏi Việt Nam tương đối hợp lý [đối với người Mỹ]: Ràng buộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) vào một bản Hiệp Ước quốc tế; và tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa với Chương trình Chuyển giao Trách nhiệm mà thuật ngữ báo chí gọi là Việtnam-hóa chiến tranh.

Chính quyền Thiệu không chia sẻ tình cảnh khó khăn của đồng minh hầu kịp thời điều chỉnh chiến lược tương hợp.

Ngược lại, chính phủ Sài Gòn (1) chống lại kế hoạch đàm phán nên bị dư luận thế giới kết án hiếu chiến. Ðối phương khai thác lợi thế "yêu chuộng hòa bình" để thu hút sự ủng hộ của dư luận thế giới và dân chúng trong khi ngấm ngầm tăng cường sức mạnh quân sự. (2) Không một căn cứ quân sự, cơ sở dân sự nào được Mỹ chuyển giao mà không bị làm thật cấp tốc khiến cho chương trình chuyển giao thiếu-hữu-hiệu và bị dư luận chỉ trích kịch liệt.

Vụ Watergate là nhát dao chí mạng đâm vào nhóm còn mang thiện chí muốn giúp cho Việt Nam Cộng Hòa đứng vững và tồn tại.

Trong bối cảnh đó, công dân Mỹ khó chấp nhận việc tiếp tục duy trì viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa. Chẳng có Tổng thống dân cử nào dám đi ngược lại nguyện vọng của toàn dân.

Rút khỏi Việt Nam mà vẫn giữ vững Việt Nam Cộng Hòa là một kế hoạch chi tiết, nhưng đã thất bại vì tình hình nước Mỹ lúc bấy giờ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền; cũng như chính phủ Sài Gòn không có kế hoạch chu đáo để nhận lãnh nhiệm vụ chính yếu, ngoại trừ lời kêu gào viện trợ.

Ðã coi như bằng hữu, đồng minh sao cứ nặng lời thóa mạ. Liệu có ai muốn giao du với loại bạn bè như thế hay không?

Quan hệ bằng hữu, đồng minh cần đặt trên nền tảng hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau mới mong được bền chặt.

Xin được dẫn chứng lời một nhà ngoại giao kỳ cựu Nhật Bản "Nước Nhật không cần Hệ thống Phòng thủ Hỏa tiễn, nhưng đồng minh Hoa Kỳ cần, nên chúng ta ủng hộ".

* Bài góp ý của thân hữu H.Q. CHÂU đăng trên số 155 tháng 7-2003


%% Trở lại mục lục