Là thường dân Việt thì, cũng gần như cả 80 triệu người, bất quá học hành chỉ thông mặt chữ, nghề ngỗng táp nham độ nhật qua ngày, tất nhiên tôi chẳng biết triết học, chính trị là gì.
Mà rồi trời làm một cuộc lăng nhăng, trôi giạt đến Hoa Kỳ, hết lo đói lo rét, hết bị hà hiếp bóc lột, lại có dư thì giờ, bèn giải trí bằng sách vở, báo chí. Nhưng thú thực ít lâu nay đọc tạp chí NgD thấy có rất nhiều điều khó hiểu, đâm ra thắc mắc. Cho nên tôi mạo muội viết ít hàng, theo sự suy nghĩ thô thiển của một thường dân, mong rằng sẽ được chỉ giáo.
Cái điều mà cụ Tran Tuan Son, trong mục Vấn Ðề Hôm Nay, NgD155, nhắc lại chuyện ông giáo sư Ðại Học Văn Khoa luận về "nên, rồi không nên, rồi lại nên chúc tết", giới bình dân chúng tôi quen gọi là cái trò lý sự cùn, trắng nói là đen, đen nói là trắng. Hình như người có học thì gọi đó là cái trò ngụy biện, quỷ biện. Ðúng như điều cụ Son đã luận: Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo cũng như lại đã nhắc khéo rằng cụ Khổng phán: Không dụng lý, vì lý (thì) vô cùng.
Chẳng có gì là lạ, đó chỉ là cái trò đấu võ mồm khi trà dư tửu hậu, để mà chơi. Thiên lý vạn lý, cái nào cũng có cái... lý của nó, nghĩa là cái nào cũng... phải cả (nhưng thế lại cũng đồng nghĩa là cái nào cũng... trái cả). Vậy thì mọi việc cứ mặc xác đó, ai muốn làm gì thì làm, vì đều là việc phải tuốt. Hay chẳng vạ gì mà làm cho tốn sức vì mọi việc đều trái hết.
Có điều cụ Son quên một việc vô cùng quan trọng là có lý với ai. Cùng một phe, cùng một quyền lợi, cùng một hoàn cảnh thì cùng đồng tình chấp nhận một sự hợp lý nào đó. Khác phe, khác quyền lợi, khác hoàn cảnh thì lại không chấp nhận sự đó là hợp lý mà cái ngược lại mới là... hợp lý! Thế cho nên thiên hạ mới có câu: Chân lý bên này dãy Pyrénées thì là nghịch lý ở dãy bên kia.
May mà cụ Son có chua thêm rằng đây chỉ nói về "những cái lý không viết hoa". Thế có nghĩa là với cái LÝ viết hoa thì khác. Có lẽ nó sẽ không tào lao, nghiêng ngả mà lại có một giá trị vững chắc chăng; hoặc tuyệt đối, vượt không gian, vượt thời gian không chừng?
Chính vì thế, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi cụ Son lại hài ra bốn trường hợp cụ thể. Hẳn nhiên là để chứng tỏ mỗi sự việc đều có cái lý của nó.
Cứ tạm cho đó là những... cái lý không viết hoa. Thì rõ ràng chúng không hề ngả nghiêng, mà là có lý với bên này lại không có lý với bên kia, theo chính lời giải thích của cụ Son.
Ðệ Nhất, Ðệ Nhị Cộng Hòa có lý của mình trong việc thiết lập dây chuyền lắp ráp và sản xuất đạn dược, vũ khí; lập quỹ Tiết Kiệm Quân Ðội. Ðồng minh Mỹ lại có lý của họ để mà bác cả hai việc.
Hai việc này, tôi cũng có nghe phong thanh.
Theo cụ Son, ta có lý, là muốn đi lần đến tự túc. Còn lý của Mỹ, cũng theo lý luận của cụ Son, là ta mà tiến tới tự túc một phần về khí tài, thì có nghĩa là Mỹ sẽ phải giảm bớt viện trợ, tức ít ảnh hưởng đi; ta mà tiến tới tự túc một phần về tiền bạc, cũng có nghĩa là Mỹ sẽ phải giảm bớt viện trợ, ít ảnh hưởng đi, tức khó sai bảo được ta. Thế cho nên Mỹ cứ nhất quyết bắt ta phải sống nhờ Mỹ, chết nhờ Mỹ, mà không được tự lực cánh sinh.
Riêng với tôi, thiết tưởng, ví thử trong một xã, một anh nhà giầu phải cáng đáng đủ mọi chuyện, thì chỉ mong cho phe nào, nhóm nào tiếp tay đỡ cho phần nào quí phần đó, chứ lẽ nào lại bắt toàn thể mọi người cứ bó chân bó tay, ăn không ngồi rồi, ngửa miệng chờ sung để cho... dễ sai bảo chăng? Mỹ phải bao giàn khắp thế giới. Thế ở các nơi khác họ cũng có bắt như thế không? Và nếu có bắt thì thiên hạ có chịu không? Hay chỉ riêng có Miền Nam Việt Nam mà thôi? Mà sao có thể giám chắc là Mỹ bắt ta như vậy? Ta chỉ suy diễn hay có nắm được những bằng cớ nào cụ thể? ít nhất họ cũng phải nêu ra cái lý của họ, chứ chẳng lẽ nói trắng trợn, ngắn gọn là không muốn ta tự túc, tự cường?
Còn dưới đây là hai cái LÝ viết hoa:
Câu trả lời của ông tướng Tổng Cục Trưởng trong Ðại Hội Chiến Tranh Chính Trị Toàn Quân lần I là... chí LÝ. Lý thuyết, học thuyết, chủ thuyết,... là cái lý nói để mà chơi. Cộng sản thắng không phải bằng lý thuyết cộng sản. Mà bằng hứa hẹn độc lập, tự do, thống nhất, dân chủ, nghĩa là lường gạt bằng lý tưởng quốc gia. Rồi sau đó bằng đàn áp tàn bạo dã man.
Cái thiên lý, nhân lý, pháp lý, tức cái LÝ tự nhiên của trời đất, của lương tri, cũng như nhân tạo của xã hội, của luật pháp là con người ai cũng yêu nước, thương nòi, yêu tự do công bằng. Nó chẳng cần một lý thuyết nào. Và nó sẽ thắng, nếu nó trở thành hiện thực. Còn việc ông Ngô Ðình Nhu tự cao về cái việc mang chủ thuyết cần lao nhân vị suông ra đối đầu chủ thuyết cộng sản chỉ là cái ấu trĩ của một khoa bảng tháp ngà mà thôi. Vì thế mà ta thua.
Vụ bàn về Hiệp Ðịnh Ba Lê trong Ðại Hội Chiến Tranh Chính Trị năm 1973 thì điều ông đại tá trả lời cũng là đúng LÝ: Trong một cuộc điều đình thì cái... LÝ đương nhiên là phải có sự tương nhượng. Nhưng thực tế thì nhà nước ta làm gì được điều đình. Ðó chỉ là sự thỏa thuận (tương nhượng) giữa Mỹ và Bắc Việt thôi. Nghĩa là cái LÝ của kẻ khỏe!
Fifty-fifty (50/50) chỉ là một cách nói, khó lòng mà ấn định được cái tỉ lệ phần trăm. Có điều, sĩ quan trẻ, mà lại là sĩ quan... chiến tranh chính trị, cần gì phải khóc. Biết được sự thiệt hại của quốc gia dân tộc. Biết được nguy cơ sẽ tới. Sao không báo cáo cùng quốc dân đồng bào để cùng tìm phương tháo gỡ? Khóc xong thì phải làm cái chi, chứ khóc rồi thôi thì nào giải quyết được gì?
*
Cả 80 triệu thường dân Việt, khi bắt đầu có chút tí trí khôn, thì ai cũng đều hiểu rằng mình sinh ra là để chịu mọi đọa đày, chỉ có bổn phận mà không hề có quyền lợi. Kẻ cầm quyền ác ít thì mình đỡ khổ. Họ ác nhiều thì mình cũng đành phải gồng mình chịu. Chứ biết làm gì hơn? Pháp, Nhật, Cộng Sản, Cộng Hòa, chưa nhà nước nào hết đàn áp người dân. Họ cai trị tùy hứng, ban hành sắc lịnh, nghị quyết tùy tiện, trong khi luôn mồm nói khai hóa, giải phóng, dân chủ, tự do. Mong ước duy nhất là làm sao đất nước được yên ổn, luật lệ phân minh, người cầm quyền đừng đổi trắng thay đen là đủ để mình vui vẻ chấp nhận thân phận dân đen kéo cày. Chớ có bao giờ giám nghĩ đến chuyện viển vông rộng rãi hay hẹp hòi như ông Tran Tu kêu gọi.
Dĩ nhiên tôi cũng vậy. Khi còn trong nước thì đâu có giám nghĩ ngợi gì, mà cho rằng chẳng nên trách móc, oán thù ai. Kẻ dân dã thì đói ăn vụng, túng làm liều. Trách móc họ làm gì? Còn nếu có quyền thế của kẻ thống trị, thì vào tay mình chắc cũng rứa hoặc có khi còn ác ôn hơn không chừng. Sao lại đi oán thù họ?
Ra được ngoài này, thì hơi khác. Nhưng cũng phải thưa rằng, với cái quan niệm chấp nhận số phần dân Việt, tôi cho rằng việc gì đã qua thì cho qua luôn. Nếu có phán đoán những người thống trị, những người nhăm nhe thống trị thì bất quá cũng chỉ nghĩ như tác giả Hoàng Hôn trong Mùa Thu Cuối Lối (Tủ sách Người Dân, 1994, trang 294): [N]gười dân bình thường, khi nhận định về quí vị nguyên thủ, trước hết cần xét trong bối cảnh đó, với những điều kiện đó, nhân vật đó đã đạt được những gì và bằng phương thức nào ít tốn kém nhất, ngay thẳng nhất - cho chính ổng đã, rồi may ra cho dân chúng, nếu có - mà không cần và cũng không thể nào như các ông trí thức, khoa bảng, chuyên viên, sử gia cần biết cặn kẽ dòng dõi, hoàn cảnh tâm sinh xã của mấy ổng, tỉ như Nguyễn Sinh Cung có khổ dâm, Ngô Ðình Diệm có lại cái, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu con cái nhà ai, học hành chăm chỉ hay lêu lổng,...
Ðàng này lời kêu gọi của ông Tran Tu, không biết do thành tâm hay hậu ý, lại khác hẳn, mà hệ quả chắc chắn là dẫn dắt những người nhẹ dạ tới những việc làm vô cùng nguy hại.
Trước hết, ông Tran Tu kêu gọi không nên hẹp hòi và nêu lên lời Phật dạy: bỏ dao xuống là thành Phật và hối đầu thị ngạn. Nhưng ông Tran Tu vô tình hay cố tình lại cũng quên điều quan trọng là có phải bất kỳ trường hợp nào cũng có thể rộng rãi được đâu và có phải chỉ cần hành động buông dao là đủ thành Phật rồi chăng?
Có những trường hợp không thể nào rộng rãi được cũng như không chỉ buông dao suông là đã thành Phật, nếu đều không thành tâm hối lỗi. Hơn nữa, ông Tran Tu cũng đã làm ngược lại chính điều ông rao giảng. Là ông không hề có rộng rãi, phóng khoáng, công bằng mà, trái lại, vô cùng hẹp hòi, võ đoán, lên án thiên hạ thật khắt khe:
Về hai ông ÐVH và NGK, ông Tran Tu cho rằng riêng ông chả giám phê phán. Còn những người phê phán họ thìông cho rằng: cẩu thả, chưa thấy hành động gì của hai người, mà chỉ là những lời nói vu vơ nghe của người này lập lại cho người khác, tam sao thất bổn, đã vội vã nói cho sướng miệng.
Bên nhà, tôi không hề nghe đến tên, biết một chút gì về hai ông ÐVH, NGK. Sang bên này, tôi có theo dõi, đọc trong sách báo những lời tuyên ngôn tuyên cáo của chính hai ông nói, bài vở của hai ông viết, cũng như của các người phê phán hai ông. Tôi thấy phần đông những người phê phán hai ông đều căn cứ vào những hoạt động, những tuyên ngôn tuyên cáo, những bài viết của chính hai ông đó. Sao ông Tran Tu lại có thể nói trùm lấp, ngược với sự thực hiển nhiên như thế nhỉ?
Còn điều ông Tran Tu hạch những người phê phán là hãy xem lại mình xem đã thập toàn chưa mà đi chê trách người ta, thì thật là ngô nghê. Phần lớn những người phê phán hai ông đó chỉ là người dân thường. Còn hai ông đó là những người có tham vọng trở thành những khuôn mặt công cộng (public figures). Muốn thế thì phải chấp nhận mọi soi mói. Và mỗi người dân cần soi mói đủ thứ để loan báo cho toàn dân biết ai là kẻ ngay, ai là kẻ gian, để tránh cho đất nước khỏi lại rơi vào tay những kẻ lường gạt, phản bội, gian ác. Còn phần phán đoán ra sao là tùy người, căn cứ vào luận điệu của cả hai bên. Chứ sao ông Tran Tu lại hạch hỏi như thế? Bộ báo chí Mỹ thì thấy "hành động" của ông Clinton và cô Lewinsky? Mà cho là họ có... thấy, nhưng chính quí vị thì đã "bủa xua lắc lắc" cậu Bill, đã "ôm hôn thắm thiết" mợ Monica chưa? Nếu chưa thì cũng chỉ là nghe vu vơ, tam sao thất bản qua báo chí thôi, đã chắc gì là có hai nhân vật Clinton, Lewinsky nhỉ?
Nhận tội với quốc gia dân tộc thì cần gì phải có người đại diện. Như thủ tướng Nhật, thủ tướng Ðức nhận lỗi và xin dân tộc này dân tộc nọ tha thứ, có đòi phải có ai đại diện không? Rõ vớ vẩn!
Nói rằng bây giờ người cộng sản "phản tỉnh" chống lại "chế độ" cộng sản là đủ rồi là một cách nói vu vơ. Họ có chống lại chủ nghĩa (cộng sản), họ có chống lại lãnh tụ (Hồ Chí Minh), họ có ăn năn về tội ác của chính họ hay họ chỉ chống những "đồng chí" của họ hiện đang ăn trên ngồi trốc, trong khi họ bị cho về vườn? Khi còn nắm quyền hành, thí dụ Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn, Trần Ðộ, vv..., họ còn ác ôn côn đồ hơn bất kỳ đồng chí nào là khác.
Về việc truy điệu Trần Ðộ, ông Tran Tu cho rằng những người làm chính trị có những suy nghĩ khác chúng ta, có dụng ý sâu xa, muôn đường muôn ngả (miễn là có lợi cho quốc gia). Nói thế có nghĩa là người làm chính trị muốn làm gì thì làm, chúng ta làm sao hiểu được mà phê phán. Thế thì hết chuyện nói rồi. Chỉ còn việc để các ông/bà làm chính trị tha hồ múa gậy vườn hoang thôi. Rồi làm sao biết được việc nào các ông/bà ấy làm lợi, việc nào có hại cho quốc gia? Có chính trị gia yêu nước, có chính trị gia phản quốc, có chính trị gia kẻ cướp, có chính trị gia tay sai. Gần 60 năm rồi, chưa đủ để chúng ta thấy cái hiểm nguy của sự để mặc họ múa may hay sao? Thế mà nay ông Tran Tu lại vẫn còn bảo chúng ta đừng thóc mách, phê phán thì khó hiểu quá!
*
Những "lý sự cùn: cái gì cũng có lý" mà ông giáo sư Ðại Học Văn Khoa nào đó diễn giảng để chứng minh, tôi đoán, khoa ngụy biện cho sinh viên của ông do tác giả Tran Tuan Son viện dẫn, thì dốt đến như bọn cộng sản cũng vẫn dùng hoài hoài, và luôn luôn rất nhiều tính cách thuyết phục, đối với những người ngu ngơ. Tôi chỉ xin đan cử tí ti thôi: Chả hạn họ nói lý tưởng vĩ đại, cao cả của người cộng sản là hạnh phúc của nhân loại. Trong nhân loại đã có cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái ta. Nhân loại là cái lớn. Cha mẹ anh em vợ chồng con cái là cái nhỏ. Ta không thể vì cái nhỏ mà bỏ nghĩa lớn. Chuyện vợ chồng là nhu cầu sinh lý, cũng như cái ăn, cái ngủ. Giải quyết rồi là xong. Lỡ có con, thì bóp mũi cho chết tốt, tội gì mất công nuôi nấng. Hoặc cha mẹ hú hí với nhau, lỡ đẻ ra mà không chịu bóp mũi thì phải nuôi, mắc mớ gì mà con cái phải yêu thương phụng dưỡng họ. Thế là thảnh thơi đấu tố, rẫy bỏ cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái.
Ðó là cái lý không viết hoa, nghe cũng hợp tai chứ. Nhưng còn cái LÝ của trời đất, cái LÝ của thiên nhiên, cái LÝ của lương tri, cái LÝ vượt không gian, thời gian của vạn vật. Con chim mái vẫn ấp trứng đến phờ phạc cả người. Con chim đực vẫn kiếm mồi nuôi vợ nuôi con. Con gà mái vẫn xù lông chống trả chú quạ khoang bảo vệ đàn con. Con chó, con hổ vẫn không bỏ mặc để con chết đói.
Còn cái việc cứ "nhân nghĩa hão: không lẽ lại hẹp hòi" kiểu ông Tran Tu thì rồi có thể sẽ có cái lập luận như sau: Này, các ông các bà sao giám lên án kết tội Bác Hồ. Cái quan định luận hả? Cũng chưa được. Làm sao các ông các bà có đủ yếu tố để biết là Bác muốn gì. Bác là "người làm chính trị". Bác từ đầu đến cuối đều tuyên bố cực kỳ yêu nước, cực kỳ thương dân. Công việc Bác đang làm dở dang, thì Bác đã phải đi gặp cụ Mác cụ Lê. Chứ nếu... trời để Bác sống thêm, biết đâu Việt Nam chả là rồng là phượng? Ðã ai bắt được tay, day được búi Bác làm chuyện có hại cho quốc gia dân tộc chưa? Hay "chỉ là những lời nói vu vơ, nghe người này rồi lập lại cho người khác, tam sao thất bổn" vân vân và vân vân...
Rốt cục, thì chuyện Bác ngay mới đây mà còn chỉ là vu vơ, thì những chuyện Nguyễn ánh, Quang Trung, Lê Lợi, Trần Thủ Ðộ, Lý Công Uẩn, Lê Hoàn, Ðinh Bộ Lĩnh,... đều là "tam sao thất bổn" cả, lý đến làm gì, bỏ sọt rác cả cho rồi.
Sang thế kỷ 21 rồi. Ðã 60 năm kinh nghiệm cộng sản. Mà vẫn còn những vị rao giảng lý sự cùn, nhân nghĩa hão, mà lại cũng vẫn còn những vị nghe theo, chả trách cộng sản vẫn an nhiên tự tại. Thời điểm 1945, báo về nguy cơ cộng sản quốc tế, thiên hạ bảo đó là những điều vu vơ, những việc ở một Liên Xô lạ hoắc. Thời điểm 1954, báo về nguy cơ cộng sản Bắc Việt, thiên hạ bảo đó là những điều vu vơ, những việc ở một Miền Bắc một xa xôi. Bây giờ 2003, nói về tai họa cộng sản "phản tỉnh" dối trá, phản trắc, những người... tị nạn bảo rằng hẹp hòi, cần suy nghĩ lại, phải thấy... hành động đã.
Chờ thấy được hành động của cộng sản thì mọi người đều đã... thấm thía rồi. Tiếc thay, khỏi vòng, thiên hạ lại cong đuôi, và quên ngay tức khắc.
Các vị lý sự cùn và nhân nghĩa hão nghĩ gì về câu viết của Hồ Hữu Tường, (trong Hồn Bướm Mơ Hoa): "Người có trí lẽ nào nghị luận theo kẻ chờ việc xong mới rõ trắng đen, chờ người chết đậy nắp quan tài mới biết hay dở.
Gần 30 năm ở ngoài này rồi mà vẫn chỉ nhất định không chịu trưởng thành một tí nào, thì biết làm sao?
Amen!!!