I. BELLUM JUSTISSIMUM
Cái thắc mắc "Tại sao người ta không ưa Mỹ?" càng ngày càng ám ảnh nhiều người vì cái việc không ưa này là nguyên nhân của cuộc chiến đang có chiều hướng lan rộng chưa biết đến đâu. Có người chua chát, nêu vấn đề là cuộc chiến này có phải là một cuộc chiến chính đáng nhất không (bellum justissimum) hay cũng chỉ là một cuộc chiến gây ra cho một lý do thầm kín nào đó (a just war or just a war?).
Ðã có lần tôi gợi ý rằng cuộc chiến hiện tại là hậu quả của cuộc xung đột tôn giáo giữa Do Thái giáo, Ki tô giáo và Hồi giáo, được kích thích bởi nhu cầu dầu khí (Dầu Khí Chính Trị Học, NgD151, trg A20) cộng với lợi nhuận trong việc sản xuất và buôn bán vũ khí (Từ Dầu Khí đến Vũ Khí. NgD 153), nhưng tôi chưa có dịp đào sâu vấn đề xung đột tôn giáo trong vùng dầu sôi lửa bỏng này. Hôm nay tôi định bàn đến vấn đề này.
*
Sau đệ nhất thế chiến, ba quốc gia Trung Ðông thu hồi được độc lập: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và A Phú Hãn; trước khi đệ nhị thế chiến bùng nổ, thêm bốn quốc gia Ả Rập nữa: Ả Rập Saudi, Yemen, Iraq và Ai Cập; khi Pháp phải bỏ vùng này lại thêm được Syria và Lebanon. Vào tháng 3.1945, Liên Ðoàn ả Rập thành lập, với Ai Cập, Iraq, Syria, Lebanon, ả Rập Saudi, Yemen và cả Transjordan (đổi lại là Jordan từ tháng 3.1946). Sau đó Liên Ðoàn tiếp nhận thêm một số quốc gia mới vãn hồi độc lập: Libya (1951), Sudan, Tunisia và Morocco (1956), Mauritania (1960), Kuwait (1961), Algeria (1962), Nam Yemen (1967), và các quốc gia vùng Vịnh (1971).
Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, các quốc gia Trung Ðông và Trung á, trước kia bị Xa Hoàng thôn tính vào tk XIX và ở lại trong Liên Bang Xô Viết Nga trong tk XX, nay được trả độc lập: Armenia và Georgia trước kia thuộc các đế quốc Hồi giáo Thổ hay Ba Tư sau theo Ki tô giáo; và năm nước Trung á là Azerbaijan, Tajikistan, Kazakstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Turmenistan; tất cả đều nói tiếng hay các thổ ngữ Thổ và/hay Ba Tư và chịu ảnh hưởng văn hóa và tôn giáo của hai đế quốc này.
Tất cả các nước bị TT Bush sắp vào loại khủng bố hay đểu (rogue) như Iraq, Iran, Syria, Lybia, Sudan đều là những nước Hồi giáo, và không có lấy một quốc gia của thế giới Hồi giáo thoát khỏi ảnh hưởng của phe Hồi giáo cơ bản (fundamentalist) quá khích đang là mối đe dọa trầm trọng cho các quốc gia Hồi giáo đồng minh hay có cảm tình với HK như Hồi Quốc, Ai Cập, Ả Rập Saudi, và đang theo đuổi một cuộc chiến không có chiến trường (hay tất cả mọi nơi là chiến trường) với Tây phương, đặc biệt là HK. Hơn nữa phân biệt Hồi giáo quá khích và Hồi giáo không quá khích là chỉ trên lý thuyết, thực tế thì nào biết đâu ai vào với ai. Phân biệt Hồi giáo quá khích và Hồi giáo không quá khích là chỉ trên lý thuyết, thực tế thì nào biết đâu ai vào với ai? Vì vậy, dù muốn dù không, đã đến lúc HK phải ra tay, nhất là sau biến cố 9.11, tìm cho ra và bằng mọi giá vô hiệu hóa những địch thủ nguy hiểm này, nguy hiểm trong hiện tại và cả trong tương lai, không những cho HK mà cho cả Tây phương, thậm chí cho cả nhân loại.
Ðã đơn phương nhận lãnh thi hành một sứ mạng cao cả như vậy - mà không một ai khác có khả năng nhận được - tại sao HK và TT Bush của HK lại bị gần như cả thế giới không ưa, có khi ghét, lại có khi nguyền rủa nữa?
Một nguyên nhân đã được ngoại trưởng Henry Kissinger cho biết thẳng thừng: Mỹ không có bạn hay thù cố định, chỉ có quyền lợi (White House Years, Boston: Little, Brown and Co., 1979).
Tất nhiên không thể chỉ có một nguyên nhân, nhưng theo thiển ý, nguyên nhân gần là vì TT Bush cương quyết thi hành chính sách toàn cầu hóa (globalization) và Mỹ hóa (Americanization), từ đó biến thế giới của thiên niên kỷ XXI thành Hành tinh Mỹ (the American Planet) trong đó mọi người sống theo kiểu Mỹ (the American way of life) và có cơ hội thực hiện Giấc mơ Mỹ (the American Dream). Tóm lại là đem hệ thống Mỹ xuất cảng khắp thế giới. Chính sách này rõ rệt là cạnh tranh với một chính sách toàn cầu hóa khác: Hồi hóa (Islamization).
Dinesh DSouza nhận định về phản ứng của Hồi giáo trước ý đồ này:
Không có những lợi tức về dầu, thế giới Hồi giáo sẽ thấy mình ở vị thế của Phi Châu Sahara-hạ (sub-Saharan) (180).
Thế giới Hồi giáo trực diện với một đe dọa ghê gớm từ HK. Không phải là đe dọa của lực lượng Mỹ hay của sự Mỹ hỗ trợ cho Do thái. Do Thái là điều bực mình nhưng nó không đe dọa sự sống còn của xã hội Hồi giáo. Ngược lại, Mỹ tiêu biểu cho một ý niệm hoàn toàn có khả năng biến cải thế giới Hồi giáo bằng cách chiếm được trái tim của những người Hồi giáo. Ý niệm Mỹ [có khả năng] lật đổ là ý niệm nhào nặn chính đời sống của bạn, tạo ra chính vận mệnh của bạn, theo một con đường soi sáng không phải bằng những quyền hành ngoại tại nhưng bằng chính cái nội ngã của bạn. Cái ý niệm Mỹ này khiến tính bất khả xâm phạm của cái nhà Hồi giáo, cũng như quyền hành của xã hội Hồi giáo, lâm nguy: Nó ban quyền cho phụ nữ và nhi đồng để đòi lại các quyền của họ chống lại gia chủ nam phái. Nó cũng soi mòn những tôn ti trật tự chính trị và tôn giáo.
Trong tất cả các ý niệm Mỹ, tiếng nói bên trong là nguy hiểm hơn cả vì nó cạnh tranh với lời của Allah như là một nguồn gốc của sự trung tín tinh thần. Như thế, đúng như Bin Laden cảnh giác, Hồi giáo trực diện với mối đe dọa lớn nhất kể từ thời của Muhammad (Whats so Great about America, 181).
Hãy cứ tin rằng chính sách của TT Bush là do hảo tâm, nhã ý của ông như ông đã từng tuyên bố (xin xem bài Thân Phận Kurd của tôi, NgD153), có thể là đáng khen, đáng phục nhưng cũng đáng ghét. Ðáng ghét là vì ông muốn, và muốn bắt, mọi người phải sướng như người Mỹ, nhưng người Mỹ có thực sự sướng không? Xã hội Mỹ và cách sống Mỹ đã thực là đáng làm gương mẫu chưa? Mark Malloch Brown, giám đốc chương trình phát triển con người của LHQ, vừa công bố phúc trình năm 2003 theo đó HK được xếp hạng 7 về phẩm chất đời sống, đứng sau Na Uy, Iceland, Úc, Hòa Lan, v.v. nhưng vẫn đứng trên... CSVN.
Cựu Thủ tướng Sudan, Sadeh al Mahdi, tóm tắt phản ứng của người Hồi giáo khi phải tiếp xúc với Tây phương:
Ngày nay lạc hậu và bị tước đoạt, chúng ta đối diện với một khổng lồ kinh tế và quân sự với những liêm sỉ luân lý và tinh thần của một con rệp. Ðó là một tiếp xúc không thích thú. (The Concept of an Islamic State, trg 119 trong The Challenge of Islam do A. Ganhar chủ biên, Islamic Council of Europe, London xuất bản 1978).
Cái ác cảm đối với Mỹ cũng giống như cái bực mình của thế hệ già bị cháu chắt mươi, mười hai tuổi cứ đòi lôi cổ ra dạy sử dụng máy điện toán và chê là dốt vì giảng mãi mà không làm sao hiểu nổi. Ông bà già có thể mắng lại rằng: Từ khi chưa đẻ thằng bố mày tao đã biết gảy bàn tính rồi. Tất nhiên mấy ông nhóc ngày nay (và cả bố các ông ấy) không thèm biết bàn tính là cái gì. Thế giới này đã có thời hiển hách, huy hoàng, oanh liệt, hàng chục thiên niên kỷ trước khi cậu bé Mỹ ra đời. Tuy bây giờ đã già quá rồi, nhưng bị mấy ông oắt tì chê thì cũng bực. Bực nhưng dốt hơn, cãi không lại, yếu hơn, đánh không nổi, thì chỉ còn có cách là chửi, nếu không thì chỉ có nước... cắn trộm, lịch sự thì gọi là khủng bố. Cả thế giới đang thất điên bát đảo vì nạn cắn trộm này.
**
Tất cả các tôn giáo còn tồn tại đến ngày nay đều xuất phát từ đông phương, cũng như các triết học và các phát minh khoa học - kỹ thuật ấn loát, thuốc súng, địa bàn, số không, toán học, thiên văn, địa lý, hàng hải, hành chính, chính trị, y học, nghệ thuật sành, sứ, thủy tinh, luyện kim, dệt vải, thêu lụa, vân vân. Tất cả những thứ hoàn mỹ này, từ tinh thần đến vật chất Ðông phương đã có từ lâu, trong khi Tây phương đang còn chìm đắm trong đêm tối của thời kỳ Ảm ạm (Dark Ages), ngu dốt, nghèo khổ, giống thú nhiều hơn là giống người, một du khách Hồi giáo mô tả như thế.
Các tôn giáo Ðông phương như Ấn Ðộ giáo, Khổng giáo, Ðạo giáo, Thần giáo... phần lớn có tính cách địa phương, trừ có Phật giáo là một tôn giáo đại đồng nhưng có giáo lý (lập trường) đứng ngoài và đứng trên mọi tranh chấp.
Còn lại là Do Thái giáo, Ki tô giáo và Hồi giáo. Cả ba tôn giáo này có cùng một ông tổ là Shem (nên đều là Semite, xem chú thích của bài Dầu Khí Chính Trị Học của tôi, NgD151). Shem sinh ra Abraham; Abraham lấy Sarah, không có con nối dõi tông đường, lấy Hagar; Hagar sinh được Ismail thì Sarah lại cũng sinh được Isaac nên bắt Abraham đuổi Hagar và Ismail đi. Ismail đến ở nơi bây giờ là Mecca, con cháu về sau thành Ả Rập theo Hồi giáo, còn Isaac ở lại Palestine thành dân Hi Bá Lai và Do Thái, sau theo Do Thái giáo và Ki tô giáo. Như vậy họ đều là anh em thúc bá. Ba tôn giáo này cùng tin rằng có một chân lý duy nhất và chân lý do Thượng Ðế ban cho (thiên khải). Cả ba tôn giáo đều thống nhất trong tín điều căn bản này. Nhưng Do Thái giáo tin rằng Thượng Ðế chỉ ban chân lý ấy cho người Do Thái là giống người được Chúa chọn mà thôi, vì thế Do Thái giáo không thể là một tôn giáo đại đồng. Ngược lại, Ki tô giáo và Hồi giáo tin rằng Thượng Ðế ban cái chân lý độc đáo ấy cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi trong mọi thời đại, và mọi người phải chấp nhận chân lý ấy. Thế nhưng cái chân lý ấy thế nào thì mỗi một trong hai tôn giáo này lại diễn dịch một cách khác, không bên nào nhượng bộ bên nào, bên nọ gọi bên kia là phản đạo (apostate), là dị giáo (infidel). Ðối với người Hồi giáo thì chân lý của họ phải là hơn cả vì, suy luận theo kiểu phàm phu tục tử thì Do Thái giáo có thể coi như bản nháp sơ khởi, rồi Ki tô giáo như bản nháp thứ nhì, và Hồi giáo như bản văn nhất định (final), tất nhiên là càng ngày càng hoàn hảo hơn. Dĩ nhiên quan điểm này không được hai tôn giáo kia chấp nhận. Cãi nhau không xong nên mới có những trận thánh chiến mà người Hồi giáo gọi là Jihad (tiếng Ả Rập thực ra chỉ có nghĩa là nỗ lực); jihad đầu tiên xẩy ra năm 618 khi đích thân Muhammad dẫn quân tàn phá và hôi của ốc đảo Khaiba của Do Thái. Từ đó jihad trở thành một định chế hay, đúng hơn, là một giáo luật của Hồi giáo nên sẽ còn mãi mãi. Người Ki tô giáo tổ chức các thánh chiến mà họ gọi là Thập Tự Chinh (crusade) để tái chiếm thánh địa Jerusalem vào tk XI, XII, đồng thời để diệt Hồi giáo.
Cả hai tôn giáo tin rằng ai chết trong thánh chiến sẽ trở thành các thánh tuẫn giáo (tiếng Ả Rập là shehid) và lên thẳng thiên đàng, tuy rằng thiên đàng của hai bên khác nhau. Lên thiên đàng Ki tô giáo cứ thấy thiên nhan Chúa là có hạnh phúc vĩnh cửu; vào thiên đàng Hồi giáo thì có vô số trinh nữ mắt đen (mắt phải đen và to) đẹp tuyệt vời tha hồ chọn và hưởng, chưa kể các thứ khác rất khan hiếm ở sa mạc, như nước tràn trề, cỏ hoa tươi tốt. Rất tiếc là không ai có thể xác quyết được thiên đàng nào là có thật, hay cả hai đều có thật, hay cả hai đều không có thật. Dù sao ý niệm thiên đàng này cũng nuôi dưỡng tinh thần hiếu chiến và quyết tử.
Từ ngày 9-11 đến nay, cuộc thánh chiến vẫn còn tiếp diễn. Thiên đàng Hồi giáo chắc bị nạn thánh mãn vì có thêm rất nhiều thánh mới. Thiên đàng Ki tô giáo thì thánh số không tăng bao nhiêu, vì số lính Mỹ và đồng minh tử trận không đáng kể và nhiều người cũng không tin là đi bắn giết mà lại thành thánh trực chỉ thiên đàng được. Có khi họ còn không tin rằng chết như thế là ái quốc và ái quốc thực ra chỉ là ích kỷ.
***