Cuộc tiếp xúc giữa phái đoàn liên ngành do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Ðình Bin và 2 "nhóm" người Việt tại Ngân Hàng Thế Giới (NHTG) và Ðại Học Johns Hopkins (JHU) trong 2 ngày 13, 14-06-03 đã diễn ra nhiều chuyện mập mờ.
Nguyễn Ðình Bin không thể tụ tập người Việt hải ngoại để tuyên truyền nên phải mượn tay NHTG và JHU. Sợ người Việt tị nạn cộng sản đàm tiếu nên những kẻ muốn đón tiếp phái đoàn đành núp bóng hai cơ quan này.
Phái đoàn liên ngành do Nguyễn Ðình Bin cầm đầu mang chủ đích chiêu dụ người Việt hải ngoại nên chuẩn bị khá chu đáo, được sự tăng cường của Ðại sứ Nguyễn Tâm Chiến và Tùy viên chính trị Nguyễn Bá Hùng. GS Nguyễn Q. Khải trả lời phỏng vấn của đài á Châu Tự Do vào 24-06 "cá nhân tôi nhận thấy phần lớn những lời giải đáp của ông Bin và phái đoàn liên ngành tương đối thỏa đáng". Quả là một cách quảng bá cho sự thành công của phái đoàn!
Trong khi tự xưng là "hai nhóm người Việt hải ngoại tại Washington, DC" lại thiếu-chuẩn-bị để "đối thoại".
Những câu hỏi liên quan đến kinh tế chỉ lập lại số liệu và lập luận của các cơ quan tài chính quốc tế, các nhà đầu tư ngoại quốc, cũng như nhận xét của viên chức chính phủ Hà Nội.
Theo Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Vũ Tiến Lộc trên nhật báo Nhân Dân 24-03-03: "Sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn yếu và có nhiều điểm đáng lo ngại... các sản phẩm hàng đầu có giá thành cao hơn khu vực Ðông Nam á từ 20-30%".
Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và (?) vừa nhận xét: "Tuy có nhẹ hơn trước, nhưng sự phân biệt đối với DN tư nhân vẫn còn... dân phải đi vay lãi cao [để kinh doanh] nên không xoay xở được".
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trương Tấn Sang, nhận xét về lĩnh vực quốc doanh: "nhiều doanh nghiệp nhà nước yếu kém, thua lỗ triền miên, mất hết vốn vẫn chưa được xử lý. Do vậy, vốn đầu tư của Nhà nước cho khu vực DNNN vừa ít lại vừa bị phân tán, nên kém hiệu quả... tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng và nợ khó trả rất nặng nề ngày càng tăng; công nghệ quá cũ kỹ, lạc hậu" ( Nhân Dân 30-03-02).
Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh trong bài Ðẩy mạnh cải cách để tăng trưởng trong hội nhập kinh tế quốc tế trên Nhân Dân ngày 10-01-03 viết "sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2002 vẫn chủ yếu do tăng vốn đầu tư và tăng thêm lao động [nước ngoài] đem lại. Các nhân tố khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động và hiệu quả còn rất hạn chế. Năng lực cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng mở rộng... năm 2001 là 21 điểm thì năm 2002 đã đến 32 điểm. Ðầu tư dự án nước ngoài có những biểu hiện đáng lo ngại không thể xem thường: số dự án tăng 32%, nhưng số vốn cam kết giảm 48%".
Báo Ðầu Tư 13-06, cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ Thương Mại, ghi nhận "kinh tế tư nhân chỉ tiếp cận được khoảng 1% tổng vốn vay tín dụng ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ tín dụng, mặc dù Chính phủ nhiều lần cam kết tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nghị định của Chính phủ ra từ năm 2001 nhưng vẫn đóng cửa với doanh nghiệp tư nhân".
Không hiếm các câu hỏi thiếu nghiên cứu chu đáo.
Bùi Dân Chi chỉ trích chính sách dùng người của Hà Nội "tôi nghe một tin là muốn làm hiệu trưởng các trường đại học, các trường trung học, phải là đảng viên... nhưng mà cái tin đó có thực hay không thì tôi không có nắm vững".
Phạm Ðức Trung Kiên đề nghị "sửa chữa lại hay khang trang nghĩa trang của các người trong quân đội miền Nam trước đây". Thực tế, hầu hết nghĩa trang Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, kể cả nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, đều bị giải tỏa. Số người có tiền và điều kiện bốc mộ rất ít. Ða số mồ mả đã bị san bằng.
GS Lê Xuân Khoa phát biểu "Mục tiêu tối hậu của các cuộc gặp gỡ là để hai bên hiểu biết về nhau nhiều hơn, cộng đồng bên ngoài hiểu được tình hình ở trong nước và trong nước hiểu được nhiều hơn tình cảm của cộng đồng ở bên ngoài... để cùng nhau tiến tới thực hiện sứ mệnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước... Hay là nói theo những mục tiêu rất cụ thể mà các nhà lãnh đạo ở trong nước đã đề ra, đó là làm sao cho dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ðấy là những điều chúng tôi mong đợi".
Lê Xuân Khoa tự đồng hóa và đại diện cộng đồng [người Việt hải ngoại"] để "đối thoại" với phái đoàn liên ngành là thái độ thiếu-lương-thiện.
BS Tôn Thất Chiểu phát biểu "Tôi có một thỉnh nguyện là hai bên bàn với nhau không có cực đoan. Ở đây [cộng đồng người Việt hải ngoại?] cũng có nhiều người cực đoan".
Chủ nghĩa Marx-Lenine đã bị khoảng 500 triệu người trên địa cầu, kể cả dân chúng Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội, đã dứt khoát từ bỏ. Ðảng viên Cộng sản Việt Nam vẫn khư khư tôn thờ để tiến lên chủ nghĩa xã hội mới đúng là cực đoan.
Dân tộc VN đã trải qua bao nhiêu thảm họa dưới chế độ xã hội chủ nghĩa như Cải cách Ruộng Ðất, Cải tạo Công Thương nghiệp, Giải phóng Miền Nam, Tiến lên chủ nghĩa xã hội không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản... mà có kẻ còn tin vào sự lãnh đạo của đảng CSVN thì mới đúng là cực đoan.
Tại Hội nghị thành lập đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03-02-1930, Hồ Chí Minh tuyên bố "Ðảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng".
Nội dung đó xuất hiện thường trực trong các Nghị quyết Ðại hội với cấu trúc ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt tại Ðại hội IV năm 1976 "khẳng định con đường cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là con đường phát triển đất nước phồn vinh, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân... chỉ rõ đường lối kinh tế đẩy mạnh công nghiệp hóa xhcn".
Thực tế, qua bao thế hệ lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta vẫn thuộc vào hàng nghèo đói, lạc hậu nhất thế giới.
Dân chúng mất tin tưởng như Thông cáo của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa tháng 1-03 đã phải chua chát thừa nhận "mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân tuy đã được chăm lo củng cố và phát triển, nhưng chưa thật bền chặt và đang đứng trước những thách thức mới: lòng tin vào Ðảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa thật vững chắc".
Ðồng bào quốc nội tuy bị kìm kẹp vẫn bộc lộ thái độ không-tin-tưởng vào đảng Cộng sản, mà những kẻ ngoài vòng cương tỏa lại tôn sùng. Thế có cực đoan không chứ?
Sự tiếp đãi ân cần, thái độ vo ve, thiếu-lương thiện của vài người Việt hải ngoại đã làm sống lại bệnh kiêu ngạo cộng sản qua phát biểu của nhân viên phái đoàn Nguyễn Ðình Bin...
Nguyễn Ðình Bin chỉ trích Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam và Nghị quyết công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là "xúc phạm không thể chấp nhận được... người Việt hải ngoại góp phần ngăn chặn hai hiện tượng rất là tiêu cực đó".
Tiếp lời, Ủy viên Thường trực Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Nguyễn Tiến Võ, trực tiếp giao nhiệm vụ cho những người đối thoại "Tôi muốn chính các vị có ý kiến thuyết phục [người Việt hải ngoại] hơn là anh em ở trong nước".
Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP-HCM, LS Trần Văn Tạo chê bai "Tôi có mặt ngay từ đầu cuộc chiến ở Sài Gòn, cũng là người đi giảng dạy lúc bấy giờ... Tôi cũng nghĩ trong lòng không biết tại làm sao mà các anh ở ngoài giận dai vậy?
Các anh giận dai quá".
Ðảng Cộng sản Việt Nam với chủ trương hận thù giai cấp đã giận địa chủ đến độ xử tội bằng cực hình thời Trung Cổ, tịch thu tài sản, truy nguyên lý lịch 3 đời làm thiệt mạng khoảng 300 ngàn người. Ðảng viên Cộng sản Dương Thu Hương đã mô tả giai đoạn đen tối đó trong Thiên Ðường Mù.
Giận Ðạo Cao Ðài không chịu qui phục Việt Minh nên Ðảng Cộng sản đã ra lệnh tàn sát như thú nhận của đảng viên cộng sản cao cấp Nguyễn Hộ.
Muốn độc quyền lãnh đạo nên đảng Cộng sản trút giận lên các tôn giáo không chịu khuất phục bằng cách bách hại tu sĩ, tịch thu tài sản Giáo hội, cấm hoạt động như trường hợp Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo...
Ðảng Cộng sản đã tước đoạt tài sản, bỏ tù các nhà tư sản vì họ bị liệt kê vào danh sách kẻ thù giai cấp.
Quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị tù đày, tịch thu tài sản, bức bách đi vùng kinh tế mới vì họ đã kiên trì chống Cộng suốt 20 năm.
Những người không chấp nhận chủ nghĩa xã hội đã vượt biên tìm tự do nơi xứ lạ đã bị Thủ tướng Phạm Văn Ðồng và bộ máy tuyên truyền nhục mạ "lũ đĩ điếm, cặn bã xã hội".
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đảng Cộng sản chưa bao giờ có ý định phục hồi danh dự, trả lại tài sản, chấm dứt phân biệt đối xử cho nạn nhân hoặc thân nhân của họ trong các thảm họa Cải cách Ruộng Ðất, Cải tạo Công Thương nghiệp, Hợp tác hóa, Bách hại tôn giáo, Tập trung cải tạo, Bỏ nước ra đi...
Thế thì, ai giận dai hơn ai?
Những lời nói của Nguyễn Ðình Bin được chế biến, trau chuốt lại theo đúng đường lối chính sách của đảng Cộng sản và được loan tải rộng rãi trên hệ thống truyền thông quốc doanh cho người Việt Nam trong và ngoài nước biết.
Trong khi đó, những câu "đối thoại" của 2 "nhóm" người Việt hải ngoại rất ít người biết tới.
Thái độ thiếu-lương-thiện, sự tiếp đãi, đưa tiễn ân cần của vài người Việt hải ngoại đã tạo điều kiện cho phái đoàn Nguyễn Ðình Bin thiết lập đầu cầu tuyên truyền trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản biểu thị trong lời kết của Trưởng đoàn "Chúng tôi hy vọng gặp lại quý vị trong vòng 1 năm hay 6 tháng nữa".
Tiếp tục mô hình "đối thoại" kiểu này để tạo diễn đàn tuyên truyền cho Ủy ban Người Việt nước ngoài hoặc tìm một phương thức "đối thoại" tương xứng hơn về thế và lực?
Không nên đối thoại chỉ để đối thoại mà cần những cuộc đối thoại mang lại kết quả cụ thể trên từng vấn đề.
Muốn đối thoại nghiêm chỉnh cần phải có chủ trương, nội dung và phương pháp rõ ràng, được chuẩn bị chu đáo mới hy vọng xoay chuyển tình thế