Khối lượng du học sinh đến từ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng đông nên người Việt hải ngoại cần nhận thức rõ ràng và tìm phương thức ứng xử khả dĩ hợp lý.
Số liệu của Viện Giáo Dục Quốc Tế (Institute of International Education- IIE) cho biết có hơn 2,500 sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ trong niên khóa 2001-2002 so với 1,210 của niên khóa 97-98, tức là tăng khoảng 115%. Không kể những người đi tu nghiệp bằng học bổng hoặc do lời mời trực tiếp của phía Mỹ. (Theo Việt Mercury 12-06-03.)
Nhóm chữ "du học sinh" bao gồm sinh viên du học và tu nghiệp dài hoặc ngắn hạn. Sinh viên du học tập trung nhiều nhất tại California với hơn 1,300 người. Ðứng hàng thứ hai là Maryland khoảng 300. (Theo thống kê của IIE.)
Sinh viên du học thuộc nhiều thành phần khác nhau: con em cán bộ, đảng viên; con em các gia đình khá giả thường nhờ sự bảo lãnh của thân nhân đang cư ngụ tại Hoa Kỳ.
Lê Minh Hải thuộc văn phòng dịch vụ di trú RMI cho biết "một số sinh viên sang du học chỉ vài tháng đã tìm cách chuyển diện (như lấy vợ, lấy chồng) hoặc bỏ học hoàn toàn, sống bất hợp pháp và đợi sự khoan hồng về di trú" (Trích Việt Mercury tiên dẫn.)
Sự hiện diện ngày càng đông của du học sinh đã tạo thêm tính chất đa dạng và phức tạp trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Với chủ trương quảng bá nền văn minh, nếp sống Mỹ nên chính phủ Hoa Kỳ tài trợ học bổng cho nhiều quốc gia trên thế giới. Người Mỹ muốn gieo hạt giống dài hạn. Thành công hoặc thất bại cũng không ảnh hưởng nhiều đến đường lối chính sách của Hoa Kỳ và cuộc sống của người Mỹ.
Vì lợi nhuận và chủ trương tự do học thuật nên các trường học ở Mỹ tìm cách thu hút du học sinh ngoại quốc. Ðược hay chăng, cũng chẳng ảnh hưởng đến đường lối giáo dục học đường. Nếu có, chỉ liên quan chút ít tới uy tín kinh doanh.
Nhưng, người Việt tị nạn cộng sản vốn mang tư duy và hoài bão cố hương nên mục đích và phương pháp tất nhiên phải khác nhau. Do đó, gây ảnh hưởng đối với du học sinh trở thành bổn phận và trách nhiệm của người Việt tị nạn cộng sản. Thành công, hy vọng xác suất mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam rất lớn. Thất bại, chế độ cộng sản hoặc tư bản man dại tiếp tục ngự trị và tàn phá quê hương và đồng bào quốc nội khó thoát khỏi cuộc sống lầm than.
Cộng đồng người Việt hải ngoại còn phải đương đầu với tham vọng khống chế của Hà Nội mà luật pháp sở tại chưa chắc đã quan tâm bảo vệ hữu hiệu.
Chúng ta cũng đừng quên, vì nhiều lý do, du học sinh phải chịu sự khống chế hoặc ảnh hưởng của Tòa Ðại sứ, lãnh sự cộng sản. Nếu họ có nhận một loại nhiệm vụ nào thì cũng chẳng đáng trách. Chúng ta chẳng những không để bị ảnh hưởng mà còn có bổn phận tác động ngược.
Trước năm 1945 cũng như trước năm 1975, một số du học sinh đã theo hoặc ủng hộ chế độ cộng sản lúc du học cũng như khi về nước. Như vậy, tác động của cơ sở ngoại giao và cộng đồng người Việt lên du học sinh rất quan trọng.
Chớ nên tưởng rằng hễ được học hành ở Tây Phương là du học sinh sẽ mang tư tưởng tự do dân chủ, lối sống cởi mở đem áp dụng tại Việt Nam.
Người Việt tị nạn cộng sản "cần phải đón nhận và cởi mở với du học sinh vì cũng là người Việt... căm thù và bất đồng chính kiến chỉ làm cho cộng đồng thêm chia rẽ" như ý kiến của nữ sinh viên Nhật Nguyễn sinh ra và lớn lên tại Mỹ, vừa tốt nghiệp UC San Diego.
Người Việt, nhất là lớp trẻ, dưới chế độ xã hôi chủ nghĩa chưa bao giờ được phép hoặc có cơ hội tự do bày tỏ bất đồng chính kiến. Vì thế, chúng ta nên tạo điều kiện để họ tham gia sinh hoạt dân chủ thực sự, qua các cuộc tranh luận công khai hoặc đàm đạo riêng tư. Du học sinh cần được chứng kiến thái độ tôn trọng quyền tự do phát biểu của mỗi người. Chẳng nên chụp mũ những ai phát biểu không hợp quan điểm của mình là cực đoan.
Khi tranh luận hoặc đàm đạo, nên dùng dữ kiện thuyết phục nhau thay cho những lời chỉ trích thiếu-chứng-cớ, võ đoán.
Chúng ta, nhất là giới trẻ, không nên nhìn cuộc chiến Việt Nam chỉ qua lăng kính của Mỹ và Cộng sản mà quên những suy nghĩ, hành động của hơn 20 triệu người sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa từng là nạn nhân của Cộng sản. Tốt nhất, nên nhìn qua 3 lăng kính để đối chiếu hầu biết rõ nguyên nhân chiến tranh mà tránh cho tương lai.
Giáo sư Nguyễn Thúy Anh của trường Madison nhận xét "Ngày Giáng Sinh ở Mỹ là một lễ hội vui nhứt trong năm nhưng tại Hà Nội lại là ngày giỗ của nhiều gia đình có người thân chết vì bom B-52". Ðừng quên còn rất nhiều nạn nhân tại Miền Nam vĩ tuyến bị 17 chết vì các hoạt động khủng bố và chiến tranh của Cộng sản.
Hà Nội đã mở màn trận đánh Tết Mậu Thân sau khi tuyên bố ngưng chiến nhân dịp lễ cổ truyền của dân tộc. Ai đã làm cho bao nhiêu người Việt Nam thiệt mạng trong các dịp Tết cổ truyền? Cái chết của dân chúng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa CS đáng nói hơn sự thiệt mạng của đồng bào tại Việt Nam Cộng Hòa?
Lịch sử không nên quên và càng không thể bỏ sót hoặc bóp méo. Dân tộc nào quên lịch sử sẽ bị lập lại.
Du học sinh Nguyễn Hiền Trang đang theo học Connecticut College phát biểu "Lớp trẻ lớn lên không biết về chiến tranh mà chỉ muốn xây dựng tương lai cho chính mình".
Vì không am tường nguyên nhân chiến tranh nên thanh niên miền Bắc mới thề sinh Bắc tử Nam. Ðuổi Mỹ hay rước Mỹ, tiêu diệt chủ nghĩa tư bản hay thiết lập nền kinh tế tư bản man dại cũng chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhân loại không phút nào quên thảm họa do chủ nghĩa Quốc Xã gây ra cũng chỉ muốn nhắc nhở thế hệ trẻ phải tránh vết xe cũ.
Tuổi trẻ Việt Nam trong cũng như ngoài nước cần can đảm mổ xẻ nguyên nhân cuộc chiến do thế hệ trước gây ra hầu rút bài học cần thiết trong việc xây dựng quốc gia phồn thịnh và hạnh phúc.
Vì thiếu hoặc bị bóp méo thông tin, bị cấm đoán triệt để nên thế hệ trẻ tại Việt Nam không có cơ hội tìm hiểu chu đáo về cuộc chiến tệ hại nhất của dân tộc từng kéo dài suốt nửa thế kỷ.
Môi trường tự do thông tin tại hải ngoại là điều kiện tốt để duyệt lại tư duy hằng có về nguyên nhân chiến tranh, về sự hiện hữu và cần thiết của chế độ xã hội chủ nghĩa trên quê hương.
Người Việt và sinh viên hải ngoại nên cung cấp thông tin trung trực để du học sinh tìm lấy câu giải đáp cho con đường đúng đắn mà đất nước và dân tộc phải theo. Vuốt ve tự ái của du học sinh, né tránh đề tài chính trị sẽ không giúp ích gì cho sự mở mang kiến thức đa dạng của họ.
Khi gặp gỡ chính thức với Hà Nội, rất nhiều chính trị gia, doanh nhân vẫn nêu những vấn đề chính trị một cách công khai và thẳng thắn hầu thay đổi thể chế. Tại sao là những người bị ảnh hưởng trực hoặc gián tiếp vì chế độ chính trị tại Việt Nam lại không muốn bàn cãi? Thế thì làm sao tìm được chế độ thích hợp cho dân tộc? Hay phó mặc số phận đất nước, dân tộc cho đảng Cộng sản và ngoại nhân quyết định?
Chúng ta đang sống trong các chế độ dân chủ ổn định nên không thấy nhu cầu thay đổi thể chế. Nhưng, khi bàn đến vấn đề Việt Nam, tìm kiếm thể chế hợp lý lại là ưu tiên hàng đầu.
Thế hệ trẻ có trách nhiệm tìm kiếm và xây dựng thể chế hợp lý để Việt Nam có điều kiện phát triển theo đà tiến của thế giới và mang lại hạnh phúc cho dân tộc.
Sự từng trải và kinh nghiệm của thế hệ già sẽ là những bài học cần thiết đối với lớp trẻ.
Vì thế, không nên phủ định ý kiến của kẻ khác mà cần so sánh đối chiếu trước khi chọn lựa phương án hợp lý nhất. Sự hiện diện của du học sinh, cán bộ công tác tại hải ngoại sẽ quyện với nhau trong sinh hoạt của cộng đồng. Mỗi thành phần đều tìm cách ảnh hưởng lẫn nhau.
Thực tế, không thể loại trừ lẫn nhau bằng bạo lực mà cần thuyết phục bằng lẽ phải và các phương tiện có khả năng tạo áp lực.