Nhân vật chí

Phạm Tưởng sưu tập (tt, khởi đăng từ NgD số 151)

NHÂN VẬT CHỐNG CỘNG SỐ 5: NGÔ ÐÌNH DIỆM (1901-63)

Tình cờ, có một chi tiết mà ít ai để ý, là trong đoạn hồi ký "Tôi Quí Tạ Thu Thâu" của cụ Trần Văn Ân (cụ mất mấy tháng trước tại Pháp, thọ cả 100 tuổi) mới đăng trên tờ Thời Luận ngày 20 tháng 10, 2002, trang 4, có câu:

"Cũng trong tháng Tám 1945, Nguyễn Văn Sâm ra Huế lãnh chức khâm sai Nam Bộ, về tới Nha Trang bị Việt Minh bắt giam lại mấy ngày. Ngô Ðình Diệm, Vũ Ðình Dy, Trần Văn Ân (có thêm bác sĩ Lê Toàn và bí thư Nguyễn Văn Tệ, đều là những vị thân Nhật, NgD chua thêm) ngồi chiếc xe Ford PI (Palais Imperial), được thủ tướng Trần Trọng Kim mời tham khảo ý kiến về một chính phủ mới, bị Việt Minh bao vây, cả nhóm ngủ tại Nha Trang. Và phải cả buổi thương thuyết (do quân đội Nhật can thiệp, nt) mới được vá vỏ xe để trở về Sài Gòn.

Việc này coi vậy mà vô cùng quan trọng. Nó chứng tỏ triều đình Huế và nội các Trần Trọng Kim không phải là ù lì. Họ đã gửi xe hơi (xe Ford của Palais Imperial) vào đón ba ông Ngô Ðình Diệm, Vũ Ðình Dy, Trần Văn Ân - là những người tích cực làm chính trị thời đó, là những người được Nhật yểm trợ hết mình - để tham khảo. Nếu đi thoát, thì nhất định họ sẽ yêu cầu Nhật bắt nhốt cộng sản và duy trì an ninh trật tự. Hai tuần lễ sau, quân đồng minh sẽ vào. Chính quyền sẽ vững và thuộc quyền người quốc gia.

Tiếc rằng khi bị làm khó dễ, vì chỉ là những chính trị gia xa lông, không ông nào tìm cách len lỏi thoát về Huế để giúp ông Bảo Ðại và cụ Trần Trọng Kim lấy quyết định sáng suốt thay vì giao chính quyền cho cộng sản.

Ðành tự an ủi là vận nước xui nên thế, thì chịu thế.

Ðồng thời cũng rõ ràng là khi đó ông Diệm ở Sài Gòn. Và những tin của Võ Văn Hải (sau là chánh văn phòng của tổng thống Diệm) nói, khi Nhật đầu hàng, ông Diệm đang ở Sài Gòn vội vã về Huế, cùng với ông ta và đồng chí trẻ tuổi tên Bảo, đến Nha Trang bị Việt Minh bắt giữ, nhờ kỹ sư Ðặng Phục Thông và một trung úy Nhật can thiệp, được tiếp tục hành trình nhưng lại bị Việt Minh bắt tại Sông Cầu; tin của Stanley Karnow nói Diệm bị bắt vào tháng 9, khi từ Sài Gòn ra Huế; lời khai của giám mục Ngô Ðình Thục với Nha Cảnh Sát Và Liêm Phóng (Pháp) vào tháng 11-1945 rằng ông Diệm bị bắt cóc tại miền Trung; tin của linh mục Antonin Drapier viết cho trưởng đoàn Truyền Giáo Hải Ngoại ngày 28-12-45 là Diệm trốn trong nhà tu Redemptorists ở Huế rồi bị bắt đều có vẻ sai.

Anh chàng Karnow gà mờ, sai, không là chuyện lạ, nhưng còn Võ Văn Hải và hai vị tu hành nói sai tất có lý do. Lý do gì, thú thật tôi không biết. Có lẽ để tung hỏa mù. Nhưng giản dị là vào thời gian đó, ông Ngô Ðình Khôi và con là Ngô Ðình Huân bị cộng sản bắt và thảm sát tại Huế, thì bộ ông Diệm động dại hay sao mà tự đâm đầu về miền Trung, nơi quen mặt biết tên ông, làm gì?

Vậy, ông Diệm nếu có bị bắt, có lẽ cũng không vào khoảng tháng 6, 1946 như hai tác giả cuốn Giám Mục Lê Hữu Từ Và Phát Diệm viết, vì Hồ Chí Minh đi Pháp từ ngày 25-5 đến 21-10-46 mới về, giám mục Từ không thể gặp để xin cho ông Diệm được, lại cũng không thể bị bắt sau đó, vì quá trễ. Nghĩa là ông Diệm phải bị bắt khoảng cuối năm 1945, đầu năm 1946 và trước ngày 25-5-46. Lúc này miền Trung (gần như toàn vùng do cộng sản kiểm soát) tạm coi hơi êm, ông Diệm mới giám mò về, mà rồi không bị giết. Và có lẽ giám mục Từ đã xin với ông Hồ nhân dịp ông này về Phát Diệm thăm ông (cố vấn tôn giáo), ngày 25-1-46.

Ðiều này vẫn có phần hơi khó hiểu, nhưng một phần lại cũng có những bằng chứng khả tín như nêu trên và có thể coi như hợp lý.

Hợp lý là rất có thể khi nghe tin cụ Kim giải tán nội các, ông Diệm từ Nam vội ra Huế, tính thế chân (nghĩa là ông không giận Bảo Ðại?), chẳng may giữa đường, tới Nha Trang, bị cộng sản địa phương phát hiện, rồi được giải cứu, trở về Nam, nhưng phải ẩn thân vì tích thân Nhật, phản Pháp (Pháp đã trở lại Nam Bộ). Khi thấy miền Trung êm êm, ông Diệm tính lẻn về Huế (vùng cộng sản kiểm soát), đến Sông Cầu (Tuy Hòa) không may lại bị cộng sản tìm thấy, và lần này bị bắt, giải ra Bắc. Sau, nhân dịp nào đó gặp Hồ Chí Minh, giám mục Lê Hữu Từ, cố vấn chính phủ, xin tha cho ông khỏi giam cầm (nhưng vẫn bị quản thúc). Nếu vậy, thì khi về làm tổng thống, ông Diệm đối xử với giám mục Từ xem ra không được tốt đẹp gì.

Còn khó hợp lý là, đối với cộng sản, so ra tội ông Diệm có kém gì hai ông Quỳnh Khôi, sao hai ông này bị họ thảm sát, mà lại tha ông Diệm. Phải chăng vì ông không có gì đáng gọi là nguy hiểm đối với họ chăng (lúc này cộng sản mở chiến dịch tàn sát các người quốc gia mọi cấp rất kịch liệt)?

Và, có những trớ trêu của lịch sử vì, riêng trong giai đoạn này, căn cứ vào cá tính ông Diệm - một kẻ thừa hành trung thành, đắc lực nhưng lại là một người lãnh đạo thiển cận, chuyên quyền - thì quả thật ông là người có thể xoay chuyển cả cục diện Việt Nam. Nếu may, ông về Huế sớm được, trước khi Bảo Ðại từ chối lời đề nghị của Nhật, thì chắc chắn cộng sản không thể "cướp" nổi chính quyền, mà cha con ông Khôi và ông Quỳnh đã không bị thảm sát. Ðàng khác, chẳng may mà ông cùng bị chung một số phận với các phần tử nạn nhân cộng sản, thì vào năm 1954, với một thủ tướng khác, dù ngay cả Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Việt Nam cũng lại có một số phận bớt bi thảm hơn biết là bao nhiêu.

Khi xung đột Pháp-Cộng xảy ra, nhờ "nhà chung", ông Diệm lẩn được, ở lại Hà Nội.

Cuối 1947 đầu 48, ông ba lần qua Hong Kong gặp Bảo Ðại về một giải pháp cho Việt Nam. Nhưng, cũng như các đảng phái quốc gia tại hải ngoại, ông không đồng ý với những điều kiện do Pháp đưa ra.

Tóm lại, ông Diệm có bị bắt, bị giữ khoảng 6 tháng, rồi được thả, nhưng đều chỉ loanh quanh ở Hà Nội. Việc ông nhiều lần nói với các phóng viên ngoại quốc là bị mang lên Việt Bắc, được mời tham chính nhưng từ chối, cũng như việc đốp chát với Hồ Chí Minh chỉ là chuyện cương cho ra vẻ gian nan, hào hùng của một nhà chính trị xa lông mà thôi. Chúng ta cũng dễ dàng thông cảm.

*

Năm 1950, nhân dịp Năm Thánh và có lẽ theo sự cố vấn của Giáo Hội, ông Diệm qua vận động Mỹ. Dĩ nhiên việc này không hề là chuyện đấu tranh gian khổ, công lao to lớn gì, nhưng cũng là chuyện hợp lý của loại chính trị gia khách thính như ông: Không cộng tác được với Pháp, với Bảo Ðại, thì tìm đường đến thẳng với kẻ cầm trịch, chi tiền.

Ông Diệm có hai điểm tựa vững chắc: thế lực của Giáo Hội và chính tích mấy tháng thượng thư Bộ Lại, có nghĩa ông là một giáo dân sáng giá, có Vatican hậu thuẫn, và cũng nghĩa là ông có mấy triệu giáo dân sẵn sàng yểm trợ. Tuy nhiên đây lại cũng chính là hai nhược điểm chết người của ông. Chúng khiến ông là kẻ tin vào thiên mệnh, bảo thủ, độc đoán, thiển cận. Là một giáo dân cuồng tín, là một quan lại khệnh khạng, ông không thể là người cách mạng, là điều mà tình thế đòi hỏi; ông không thể có cái nhìn phóng khoáng, chấp nhận ý kiến của người khác; ông không thể chia xẻ quyền bính với bất cứ ai; ông không tin vào sức mạnh của nhân dân, ông nhìn đâu cũng toàn thấy người thiếu... đạo đức.

Suốt thời gian 1945-1954, ông Diệm không có một hoạt động nào đáng kể ngoài mấy việc vận động xa lông. Ðáng lẽ nay bỗng được mang về lãnh đạo đất nước, ông phải nghĩ rằng chính những người kháng chiến, những đảng phái quốc gia, những giáo phái Cao Ðài, Hòa Hảo, Công Giáo Bến Tre-Bùi Chu-Phát Diệm và ngay cả Bình Xuyên đã chống Pháp chống Cộng để còn lại một nửa đất nước. Thì ông cần phải ngồi lại cùng mọi thành phần đó để xây dựng Miền Nam. Thế nhưng bản tính của ông quá xa lạ với việc chia xẻ quyền bính. Ông nại cớ tập trung quyền hành về trung ương để dẹp hết.

(Trừ các đảng phái, tôn giáo bị ông Diệm đàn áp, dân chúng dễ dàng chấp nhận nhà nước, hăng hái xây dựng, nên mấy năm đầu Miền Nam tạm khả quan. Khổ nỗi một khi chiếc ghế đã vững, ông Diệm và đám gia nô ngày càng lộng quyền, khiến lòng dân ngày càng bất mãn).

Khởi thủy Miền Nam, Miền Bắc, và luôn cả Miền Trung, ai biết ông Ngô Ðình Diệm là người nào? Ông thôi làm quan cho triều đình Huế từ năm 1933, hai mươi mốt năm sau (1954) được về làm thủ tướng là do tự vận động (hay có sự tiếp tay của Tòa Thánh Vatican) với Mỹ, với Bảo Ðại. Cho giỏi lắm thì nói có cỡ một triệu người di cư từ Miền Bắc bỏ nhà bỏ cửa vào Miền Nam rồi theo ông Diệm cũng đã là lộng ngôn rồi.

Quần chúng Miền Nam có chấp nhận ông Diệm thì cũng như họ đã chấp nhận ông Xuân, ông Long, ông Hữu, ông Tâm, ông Lộc. Nghĩa là không chấp nhận cũng chẳng được và ông nào cũng chẳng ăn nhập gì đến họ. Chưa kể ông Diệm lại là người Trung lạ hoắc. Nam Kỳ là một thuộc địa, tách rời triều đình Huế, tách rời Bắc Kỳ từ lâu rồi. Còn những đoàn thể chính trị chống Pháp, chống Cộng thì đều không chấp nhận ông Diệm cả. Nên mới có những vụ Cao Thiên Hòa Bình (Cao Ðài, Thiên Chúa Giáo Lê Hữu Từ-Hoàng Quỳnh, Hòa Hảo, Bình Xuyên) ở Miền Nam, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt ở miền Trung, việc nhóm Caravelle, việc binh chủng Dù, việc phi công Nguyễn Văn Cử-Phạm Phú Quốc. Ngay như những người trong nội các của ông, tính cho đến ngày ông tự phong tổng thống, hầu như toàn bộ nếu không trực diện trở thành chống đối để bị bắt bớ giam cầm thì cũng bỏ ông.

*

Ông Ngô Ðình Diệm là người có một vị trí đặc biệt. Ông không cần trung thành với bất cứ triều đại, đất nước, đế quốc nào, kể cả Giáo Hội La Mã, ngoại trừ với chính ông, gia đình ông và, may ra, Thiên Chúa.

Cha ông, từ chức thông ngôn, nhờ đi diệt cần vương, leo lên đến hàm thượng thư.

Anh ông, chức tổng đốc tỉnh lớn. Ông, chức tuần vũ tỉnh nhỏ. Ba mươi hai tuổi, chỉ sau gần chín năm hoạn lộ, ông phá mọi kỷ lục, lãnh chức lại bộ thượng thư, tương đương với thủ tướng nội các, đến mức người đời phải trầm trồ:

"Vây cánh Ngô Ðình ghê gớm thật
Mềm lưng dẻo gối chóng lên cao."

Thế mà gán cho ông chống Pháp thì hóa ra là suy tôn thực dân tiến bộ, đến mức trọng dụng tối đa cả một gia đình, dù chống đối họ! Hoặc là các ông Thành Thái, Duy Tân, Khải Ðịnh, Bảo Ðại lắm quyền hành, muốn tuyển dụng ai Pháp cũng đành chịu? Dĩ nhiên chỉ những ai muốn khôi hài đen mới nói hoặc nghĩ như vậy!

Lệ thường, khi một nhân viên nhà nước bị cho nghỉ việc, ngoại trừ phạm lỗi lầm quá ư nặng nề không kể, còn luôn luôn được dùng biện pháp đệ đơn từ nhiệm thay vì lãnh giấy sa thải. Thì một thượng thư bị cách, thu hồi cả mề đay kim khánh, rồi lâu sau mới vớt vát cho lại hàm tuần vũ cũ, sao có thể gọi là treo ấn từ quan? (Ông Nguyễn Văn Tâm sau này cũng có đơn từ nhiệm đàng hoàng, nhưng có ai tin rằng ông ta thực tâm muốn rửa tay gác kiếm đâu). Vậy mà mang gán cho ông Diệm, người có đủ mọi bằng chứng tham quyền cố vị, là qui ẩn, thì cũng lạ đời.

Suốt từ khi nhậm chức cho đến cả khi đã làm tổng thống, ông vẫn khoái trong nhà kêu bằng "anh Thượng", dù chỉ còn hàm tuần vũ, thì rõ ông có bao giờ muốn bỏ chức thượng thư đâu!

Ông là người có ảo tưởng về quyền bính, lại không muốn chia xẻ với ai. Ông tưởng Bảo Ðại có thể thỏa mãn tham vọng của ông. Ông không muốn chia xẻ với Phạm Quỳnh. Ông làm quan thầy Pháp quan ngại, mà lại chưa đủ tầm vóc so với nhà học giả đông tây. (Ngay khi hồi hương chấp chánh vào tháng Chín 1932, Bảo Ðại đã triệu ngay Phạm Quỳnh vào Huế, trong khi Ngô Ðình Diệm phải chờ đến nửa năm sau, tháng Ba 1933, mới được ngó đến). Do đó, ông trở thành phương tiện để người Pháp răn đe tất cả những ai muốn nhấp nhổm. Qua ông, các ông Bảo Ðại, Phạm Quỳnh nhận được bài học và biết thu mình vào đúng vị trí do quan thầy ấn định.

Sau khi bị về vườn, ông quay ra ủng hộ giải pháp kỳ ngoại hầu Cường Ðể, người dòng hoàng tử Cảnh, cùng tôn giáo với ông, mong dựa vào Nhật để lấy lại ngai vàng. Ông ôm ảo tưởng phục vụ Giáo Hội, phục hận Pháp, Bảo Ðại, Phạm Quỳnh.

Ông càng tỏ là không hiểu gì về người Nhật, mới mất công chầu chực ở Tư Lịnh Bộ Nhật Bản tại Sài Gòn sau khi họ đảo chính Pháp ngày 9-3-1945!

Ông không kháng chiến như người quốc gia, không theo Việt Minh cộng sản là điều dễ hiểu. Vì ông không làm cách mạng. Vì Việt Minh thảm sát anh ông và cháu ông.

Nếu thật ông bị Việt Minh bắt (?) mà không giết, có lẽ là vì họ còn bận về nhiều người quốc gia khác nguy hiểm hơn ông.

Ông có mặt trong những chuyến họp bàn về giải pháp Bảo Ðại ở Hong Kong nhưng rồi, cũng vì ảo tưởng, ông không tham chính mà, nhân "năm thánh 1950", ông xuất ngoại, "lê gót nơi quê người", đi ở ẩn tại tu viện Maryknoll bên Mỹ. Cho đến khi được toà thánh La Mã, hồng y Spellman cùng Phong Trào Cộng Hòa Bình Dân Thiên Chúa Giáo Pháp (MPR) và chính phủ Hoa Kỳ đem ông vô chính trường.

Ông dễ nản. Gặp khó, ông bỏ cuộc. Năm 1933, ông "từ nhiệm"; năm 1945, ông lui vào bóng tối; năm 1949, ông đi ở ẩn; năm 1954, ông đòi ra đi,... Nhưng khi ghế vững, ông là người sống trong ảo tưởng, tự cho là được thiên sủng, có thiên mệnh. Ông trộn lộn Công giáo với đạo Khổng để tự coi ông là quốc gia, quốc gia là ông. Người Mỹ ép ông lập thể chế cộng hòa, hẳn làm ông buồn lòng không ít.

Ai khen ông không tham nhũng thối nát là giáng cấp ông. Ðất nước là của riêng ông, ông muốn gì được nấy, còn thối nát tham nhũng để làm gì? Ðiều ông muốn tham nhũng thối nát là nhân dân phải "tín nhiệm" ông hơn Hồ Chí Minh. Nên trong cuộc trưng cầu dân ý 23-10-1955, ông phải được 98.2% số phiếu (mặc dù cố vấn Landsdale của ông, trước khi về Mỹ lánh mặt, đã căn dặn không muốn bỗng nhiên được tin ông thắng 99.99%); nhà nước của ông phải lậy sống "thái từ"; cộng sự viên của ông phải là con ăn đầy tớ; và thiên hạ phải suy tôn, hoan hô, đón rước, phủ phục, tung hô ông cho đáng vì thiên tử. Tuy nhiên, những điều này, đôi khi cũng chưa đạt mức để được vừa ý ông cho lắm.

Ông là người có nhiều điều kiện nhất để làm vị quốc phụ. Ông có thể chia quyền hành với người miền Nam, những người sinh trưởng trên miền đất mà ông cai trị, để chứng tỏ thiện chí, an lòng người thức giả. Ông có thể thu dùng người kháng chiến để cộng sản hết đất dung thân. Ông có thể thực thi dân chủ, cho bầu bán tự do để người dân tin tưởng. Ông có thể rút lui sau một nhiệm kỳ để đối lập kiểm soát nhà nước.

Nhưng dĩ nhiên ông không thể có tầm vóc để làm được những việc trên. Nghe giọng ông rưng rưng muốn khóc trên đài phát thanh ngày 12-11-60 tuyên bố giải tán "chính phủ", kêu gọi tướng lãnh thành lập chính phủ lâm thời, rồi nhìn nét mặt hớn hở kiêu hãnh của ông hôm 13-11-60, sau khi dẹp được đảo chánh, các đoàn thể gia nô kéo vào dinh hoan hô ủng hộ mà thương hại cho hai chữ thành tín mà ông vốn tự cho là biểu tượng.

Ảo tưởng đưa ông tới mức muốn có quyền hành riêng cho ông, vượt cả giới hạn mà quan thày ấn định. Ông giám tính cả đến chuyện phản bội luôn lý do hiện diện của chính ông. Lúc nghe ông Nhu xúi dại, để định bắt tay với cộng sản, đó chính là lúc ông đã tự kết thúc vai trò của chính mình rồi.

Ở một quốc gia nô lệ, ông đắc lực trong vai tuần vũ thừa hành. Ở một quốc gia độc lập, ông hoàn toàn xứng đáng với chân chánh tổng. Người Mỹ đẩy ông lên chức nguyên thủ quốc gia là làm trầm trọng thêm căn bịnh ảo tưởng của ông, khiến ông tạo điều kiện cho cộng sản tái hoạt động, làm mất cơ hội giải phóng miền Bắc của quốc gia dân tộc, và kéo theo cái chết của mấy người em, chấm dứt một... danh gia vọng tộc:

"Một nhà được bốn... yêng hùng:
Diệm ngu, Nhu ác, Cẩn khùng, Thục tham"

Gán cho ông tham vọng công giáo hóa Việt Nam, đàn áp Phật giáo là cường điệu. Việc ông nâng đỡ người Công giáo, dùng người trong gia đình cũng chỉ bình thường như bất cứ ai. Ông cũng chẳng có ác tâm quá đáng với các tôn giáo khác. Nhưng trở thành mối đe dọa đối với quyền bính của ông thì lại là một chuyện khác. Và Phật giáo đã đụng tới cái điều bất khả nhượng bộ đó của ông!

*

Ông Diệm không phải là người khôn. Ông chỉ có thể là một kẻ thừa hành trung thành và mẫn cán. Nếu có một minh chúa, ông sẽ là một người trung quân ái quốc đáng khen. Bằng chứng là chính tích của ông thời Pháp thuộc. Ðưa ông lên vai trò lãnh đạo là một sai lầm to lớn. Ông sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu không có ông Nhu. Mà ông lại có rất nhiều nhược điểm, đến chính ông Nhu cũng phải phát mệt vì ông. Ông ngoan đạo kiểu đàn bà con nít. Ông tin vào cái thiên mệnh của mình như một người thời trung cổ. Ông nhìn đâu cũng thấy tội lỗi, không ai đạo đức, nắm được lẽ phải bằng ông. Ông ham quyền bính quá độ. Ông đòi hỏi mọi người hoàn toàn tuân phục ông. Ông coi đất nước là của riêng, ông có toàn quyền thi ân bố đức. Mọi người đều là... xích tử, gia nhân.

Mỗi khi gặp khó khăn, ông đầu hàng, chạy trốn. Trong các vụ Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Chánh Thi, Phạm Phú Quốc, Dương Văn Minh,... ông đều không biết ứng xử ra sao. Khi đắc thế, ông không phân biệt nổi lẽ phải trái. Ông cho rằng không ai được quyền phê phán chỉ trích ông, nên các điều nhóm Caravelle, đơn vị Dù, hai phi công Cử-Quốc làm đều là những việc hỗn hào cần trừng trị, mà không hề có giá trị mở mắt cho ông biết lòng dân đã không còn chấp nhận ông nữa. Ngay đến cả vụ Phật Giáo, nói rằng ông kỳ thị thực ra là điều không đúng. Tất nhiên ông có cảm tình với Công Giáo. Nhưng ông cũng chẳng hề chèn ép Phật Giáo. Nếu có những điều bất công, phần đông là do các cha cố hoặc các cấp thừa hành thiển cận mà ra. Ông chỉ không có cái tầm vóc nhìn ra những sự việc sai trái đó mà thôi. Lý do chính yếu khiến phản ứng của ông mù quáng vẫn chỉ là cái nhược điểm độc tài chuyên chế của ông mà ra. Phật Giáo đã động chạm đến cái điểm nhạy cảm nhất của ông Diệm, là thách thức uy quyền của ông ta. Ðiều này là việc không thể tha thứ được đối với ông. Và đó là điểm dẫn ông đến cái chết.

Ông Diệm không hề biết lòng dân đã chán ngán ông đến cực độ. Ông không hề biết đám con ăn đầy tớ của ông chẳng có kẻ nào thực sự có khả năng và giám sống chết vì ông. Trái lại là đàng khác. Toàn những hạng như Nguyễn Văn Y, tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia, chỉ biết nhắm mắt vâng lời, không giám băn khoăn, không giám thưa thốt, không giám lý đến nhân luân, luật pháp. Nhìn thấy bút phê của ông bảo "giải quyết", chẳng biết giải quyết là thế nào, mà hùng hục mang người đi thủ tiêu. Như Nguyễn Ðình Thuần, bộ trưởng Quốc Phòng kiêm bộ trưởng Phủ Tổng Thống, thấy ông ở thế nguy liền trốn biệt. Ngay đến cả những kẻ mang đầy huyền thoại và đáng lý phải biết những âm mưu động trời, như giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị Trần Kim Tuyến, giám đốc Nha An Ninh Quân Ðội Ðỗ Mậu, thì cố vấn Ngô Ðình Nhu cũng đành thở dài, nhún vai mà rằng: "Ðồ vô tích sự. Việc của lũ mi là trước khi việc xảy ra, không phải là lúc việc đã xảy ra rồi" khi hai vị này nhớn nhác chạy vào Dinh sau sự biến.

Nói của đáng tội cũng chẳng phải lỗi ở họ. Ông Nhu chỉ dùng cơ quan của họ làm bình phong cho ông thi hành thủ đoạn. Thành công, ông rung đùi tự đắc. Thất bại, họ chịu giơ đầu búa rìu dư luận. Ông đâu có cho họ quyền tự quyết đoán, có sáng kiến, mà chỉ phải tuân hành. Thế cho nên anh em ông bị chính đàn con ăn đầy tớ đó phản bội khi không còn quyền lực.

Hai ông vẫn ngu ngơ đến giây phút cuối cùng. Và rồi phải vào tá túc nơi nhà một... Hoa Kiều, mà không kiếm ra nổi nhà một đồng đạo, một đồng bào ruột thịt nào giám cưu mang lúc nguy nan!

Ngoài tội "tham nhũng" quá đáng kể trên, tội nặng nhất của ông Diệm, và cả của ông Nhu, là, do mục hạ vô nhân, đã làm tiêu tan luôn một chút liêm sỉ còn lại của những cộng sự viên, của nhân viên nhà nước thần phục "tinh thần Ngô Ðình Diệm" cụ cụ con con, đi giật lùi trước mặt họ, để ăn ké. Và, từ đó, lan ra nơi người Việt Miền Nam phải sống dưới chế độ của một cá nhân tự cho mình là ông trời con!!!

(còn tiếp)


%% Trở lại mục lục