Kể từ khởi thủy, sự thành công của Ðảng Cộng Sản Việt Nam phần lớn nhờ vào cách tuyển mộ và sử dụng tay sai.
Ba nguyên nhân chính có thể giải thích lý do nào Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng Sản lại sính sử dụng tay sai làm công cụ phục vụ cho chiến lược trường và đoản kỳ.
* Thứ nhất, làm tay sai là bản chất của Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh.
Nối chí cha nên Nguyễn Tất Thành nuôi tham vọng làm quan phụ mẫu chi dân của triều đình Huế, nhưng đành vỡ mộng vì không đủ điều kiện "tập ấm" tại trường dành riêng cho con em của giới quan lại.
Năm 1911, vừa đặt chân lên Marseille, Pháp Quốc, Nguyễn Tất Thành vội vã nộp đơn xin học Trường Thuộc Ðịa là nơi chuyên đào tạo viên chức cai trị cho Ðế Quốc Pháp tại hải ngoại, nhưng bị bác vì không hội đủ điều kiện.
Năm 1923, Nguyễn ái Quốc sang Mạc Tư Khoa xin làm tay sai cho Ðệ Tam Quốc Tế và được nhận vào Trường Phương Ðông. Sau đó được phục vụ trong Bộ Phương Ðông của Ðệ Tam Quốc Tế. Hồ làm việc trong Phái bộ Borodine của Liên Xô tại Trung Quốc dưới bí danh Lý Thụy.
Vai trò tay sai thể hiện qua phát biểu của Hồ Chí Minh cũng như nhận xét từ nhiều lăng kính khác nhau.
Vào năm 1926, tại Hương Cảng, Hồ Chí Minh đã giảng dạy cho nhóm đệ tử đầu tiên "Ðệ Tam Quốc Tế là một đảng cộng sản thế giới. Các đảng cộng sản ở các nước, như là chi bộ, đều phải tuân theo kế hoạch và qui tắc chung. Việc gì chưa có lệnh và kế hoạch của Ðệ Tam Quốc Tế thì các đảng không được làm". (Trích Tuyển tập HCM.)
Hồ Chí Minh phát biểu tại Ðại Hội III năm 1960 "Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của lực lượng hòa bình xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại. Chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Ðông Nam á và trên thế giới".
Trong di chúc, Hồ Chí Minh viết "nhận lệnh của Ðệ Tam Quốc Tế, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ".
Vũ Thư Hiên trong tác phẩm Ðêm Giữa Ban Ngày đã tìm cách chạy tội cho Hồ Chí Minh, nhưng vô tình khắc họa rõ vai trò tay sai "Ông Hồ không hề có ý định làm Cải cách ruộng đất trong kháng chiến chống Pháp... Ông bắt buộc phải làm... khi bị Mao nhắc nhở".
Nhân kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh năm 2000, Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu phát biểu "Mùa xuân năm 1930, theo chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản, Người đã chủ trì hội nghị thống nhất 3 tổ chức cộng sản ở Ðông Dương thành Ðảng Cộng Sản Việt Nam".
Triết gia nổi tiếng ở Pháp, Jean-Francois Revel cho rằng: "Hồ Chí Minh là một trong những người thực hiện cứng rắn nhất phương pháp mà chủ nghĩa cộng sản đã dùng trong suốt thế kỷ 20".
Trong cuốn Ðệ Tam Quốc Tế và Phương Ðông, A. Reznikov nhận xét "Hồ Chí Minh được công nhận là cán bộ ưu tú nhất của Quốc Tế 3, nắm vững chủ thuyết Lenine nên được cử làm đại diện cho tổ chức này ở Ðông Nam á".
* Thứ hai, chủ nghĩa Marx-Lenine từng bành trướng khắp nơi trên thế giới thông qua những tay sai đắc lực như Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Fidel Castro, Pol Pot...
* Thứ ba, nhờ đám tay sai nên các lãnh tụ cộng sản có thể phủi tay với tội ác để đóng vai thánh thiện.
Chủ nghĩa cộng sản phát triển và duy trì đều dựa vào sự cuồng tín và bạo lực. Do đó, Hồ tuyển chọn tay sai nhắm vào các thành phần xã hội có khả năng hoàn thành mục tiêu chiến lược của chủ nghĩa cộng sản: trí thức và côn đồ.
Trí thức bổ khuyết cho sự thiếu học; côn đồ sẽ thực hiện chủ trương hiếu sát của lãnh đạo. Trên cao chót vót, lãnh tụ như tấm gương trí tuệ khoác áo nhân từ.
Hồ Chí Minh đã dựa vào yếu điểm háo danh và ưa hưởng thụ lại ngại chống đối [vì sợ phí phạm công lao dùi mài kinh sử] để tuyển chọn tay sai.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, triết gia Trần Ðức Thảo, giáo sư Tạ Quang Bửu... chuyên theo dõi diễn tiến tư tưởng khắp thế giới để báo cáo lên lãnh đạo vốn thiếu khả năng chuyên môn do tầm hiểu biết hạn hẹp. Họ thường được Ðảng Cộng Sản Việt Nam phong cho nhiều danh hiệu rất kêu nhưng không có thực quyền. Mọi quyết định tối hậu đều do đảng ủy cơ quan đưa ra.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt Trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam và toàn bộ gánh hát thường sống an nhàn, ung dung trên đất Bắc, trong khi quyền quyết định và điều hành cuộc chiến tại miền Nam nằm trong tay cán bộ cộng sản cao cấp như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng...
Nhóm trí thức trong Mặt Trận như Dương Quỳnh Hoa, Trương Như Tảng, Lữ Phương ... dù sống ở Hà Nội hoặc bưng biền cũng đều được hưởng thụ hàng hóa mua từ vùng "địch", là loại xa xí phẩm đối với cuộc sống thiếu thốn của dân chúng, kể cả đảng viên cấp thấp.
Sự ưu đãi về danh phận và vật chất đã khiến cho những trí thức hám danh cam tâm làm công cụ cho Ðảng Cộng Sản.
Họ không ngần ngại bẻ cong ngòi bút để bóp méo sự thật nhằm ca tụng Hồ Chí Minh như thánh sống; công lao Ðảng Cộng Sản như trời bể đối với đất nước dân tộc.
Thi sĩ Tố Hữu, Xuân Diệu là những vết nhơ nhất trong số trí thức hám danh và vong thân.
Giáo sư Lê Văn Thới, tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn,... từng được đào tạo và sinh hoạt dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã cam tâm làm công cụ cho Ðảng Cộng Sản.
Hồ và Ðảng Cộng Sản sử dụng trí thức như công cụ để chống đỡ các cuộc tấn công trên mặt trận tư tưởng ý thức hệ xuất phát từ trong nước cũng như ngoại quốc. Mối dây liên hệ trong giới trí thức đã làm nhẹ phần nào sự công kích từ bên ngoài. Nhờ trí thức mà chủ nghĩa cộng sản lan tràn khắp ngõ ngách, nhất là đối với các dân tộc chậm tiến.
Mặc dù vậy, Hồ Chí Minh cũng tiến hành nhiều cuộc thanh trừng trí thức khốc liệt và rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc.
Khẩu hiệu "trí phú, địa, hào đào tận gốc, bốc tận rễ" đã được Hồ và Ðảng Cộng Sản thực hiện triệt để, như vụ án Nhân Văn Giai Phẩm; chiến dịch truy quét văn hóa phản động sau khi cưỡng chiếm miền Nam.
Ðảng Cộng Sản loại bỏ trí thức tư sản, ngoại trừ, thành phần đầu hàng giai cấp [công nông] và chịu cải tạo để được mang danh hiệu trí thức xã hội chủ nghĩa. Hồ đã tìm cách lưu-manh-hóa giới trí thức hầu biến thành công cụ cần thiết cho Ðảng Cộng Sản.
Tuy vậy, đội ngũ trí thức vẫn mờ nhạt bên cạnh tầng lớp lãnh đạo ít học trong nhiều thập niên. Mãi đến Ðại Hội VII năm 1991, vị trí của trí thức xã hội chủ nghĩa mới được xác lập "Giai cấp công nhân nếu không có đội ngũ trí thức của mình và nếu bản thân công-nông không được nâng cao kiến thức, không dần dần được trí thức hóa thì không thể xây dựng được CNXH".
Hồ Chí Minh thu nhận đám côn đồ, lưu manh để thực hiện chuyên chính vô sản.
Bộ trưởng nội vụ Trần Quốc Hoàn xuất thân vô lại ở đất Bắc mới đủ dòng máu lạnh thực hiện chu đáo và trọn vẹn việc đàn áp dân chúng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Và đủ bản chất lưu manh để dắt gái cho "Bác Hồ".
Tổng Bí Thư Ðỗ Mười hành nghề hoạn lợn mới đủ hận thù tiêu diệt tư sản và tịch thu tài sản công dân kể cả những người buôn thúng bán bưng tại miền Bắc cũng như sau khi cộng sản chiếm lĩnh toàn bộ nước Việt.
Chủ tịch nhà nước Lê Ðức Anh nguyên cặp rằng công nhân cạo mủ ở đồn điền cao su mới đủ tàn nhẫn trong cuộc chiến nồi da nấu thịt và khi xâm lăng Cao Miên.
Tuyển chọn bọn thất học dễ nhồi sọ để biến thành cuồng tín. Với bản chất lưu manh, bọn họ dễ dàng tiếp thu và áp dụng kinh nghiệm giảo hoạt của Hồ Chí Minh.
Thành phần tiểu tư sản thành thì vốn thích sống tự do, có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn minh của nhân loại nên khó chấp nhận sự gò bó theo giáo điều. Do đó, Ðảng Cộng Sản liệt họ vào hàng ngũ kẻ thù của giai cấp.
Côn đồ, trí thức hám danh là hai thành phần trong xã hội được Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng Sản chú tâm tuyển dụng để phục vụ cho mưu đồ gieo rắc hạt nhân cuồng tín và thực hiện chuyên chính vô sản.