Ngôn ngữ truyền thông

Ðại Dương

Ngôn ngữ truyền thông là một đề tài được vài người đề cập tới nhân Ðại Hội Truyền Thông Hải Ngoại. Nhà văn Nguyễn Minh Cần, cựu Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội, gởi bài phát biểu cho Ðại Hội Truyền Thông Việt Nam Hải Ngoại "Nên xét lại ngôn từ, lời lẽ, tức là cách nói, cách viết, cách dùng từ ngữ làm sao cho thích hợp được với các đối tượng công việc truyền thông của chúng ta, nhất là với đồng bào trong nước... các cơ quan truyền thông ở hải ngoại không cố gắng dùng những từ ngữ thích hợp với đồng bào trong nước, làm cho người ta khó tiếp thụ ý kiến của mình. Ngay cả tên địa danh cũng vậy, nhiều tác giả vẫn dùng á căn đình nên đồng bào trong nước chẳng hiểu đó là đâu".

Ðồng thời, nhà báo Tạ Xuân Vinh, sinh tại Bến Tre, vượt biên năm 1979, hiện nay đang sống tại thành phố Stuttgart, Cộng Hòa Liên Bang Ðức phát biểu tại Ðại Hội "Về kỹ thuật, để được người trong nước tiếp nhận dễ dàng, các trang web của chúng ta nên sửa đổi lại cách dùng từ và trang trí. Sẽ là điều đáng tiếc, nếu các trang web công phu của chúng ta chỉ được người hải ngoại tìm đến, trong khi độc giả quốc nội thì cảm thấy khó chịu, hay khó hiểu khi vào xem".

Là người Việt Nam đương nhiên khi đọc, nghe tiếng Việt phải hiểu, vì sự đồng cảm bẩm sinh, mặc dù có gặp tiếng địa phương, tiếng lóng... Huống chi ngôn ngữ truyền thông chịu ảnh hưởng của văn viết, văn chương học đường nên đã tự động loại bỏ khá nhiều tiếng địa phương. Như vậy, ngôn ngữ được dùng trong ngành truyền thông đã mang bản chất chuẩn xác của tiếng Việt.

Chúng ta ai cũng hiểu cái cùi dìa, cái thìa, cái muỗng, cái xỉ đều là một, tuy có ngập ngừng khi nghe lần đầu. Cái cốc, cái ly cũng là một thứ.

Sau năm 1975, đa số người miền Bắc vào Nam đều sử dụng ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa với hàng đống danh từ dao to búa lớn, khuôn sáo, khẩu hiệu không thích hợp trong sinh hoạt thường nhật.

Khi tiếp xúc với người miền Nam phi-xã-hội-chủ-nghĩa, mới thay đổi dần để ngôn ngữ mềm mại và uyển chuyển hơn. Nhiều người lùng sục mua tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp, nhạc vàng để thưởng thức. Họ hiểu một cách dễ dàng và thích thú với loại ngôn ngữ nhẹ nhàng, mang Việt hồn.

Ngôn ngữ có nhiều cách diễn đạt khác nhau và ai cũng dễ dàng cảm nhận khi đọc hoặc nghe tiếng mẹ đẻ.

Ðừng sợ người khác không hiểu tiếng Việt mà nên lo mình thiếu-khả-năng truyền đạt bằng loại ngôn ngữ trong sáng, văn vẻ, ý nhị, nhẹ nhàng, xúc tích và chính xác.

Hàng không mẫu hạm diễn tả trọn vẹn chức năng của chiến hạm hơn là tàu sân bay. Nhà bảo sanh, nhà hộ sinh nghe văn vẻ hơn xưởng đẻ. Nhóm chữ "thao thức" hình dung trạng thái không an giấc vì mãi suy tư về một vấn đề nan giải, trong khi đó, "trăn trở"ý mô tả tình cảnh một người bệnh nặng đang khó ngủ.

"Tôi đi Sài Gòn" nghe nhẹ nhàng hơn "Tôi đi thành phố Hồ Chí Minh". Nhóm chữ "thành phố" được hiểu ngầm làm cho câu văn bớt nặng nề.

Vì thế, không nên phân biệt ngôn ngữ quốc nội/hải ngoại một cách máy móc, mà chỉ cần diễn đạt ý tưởng bằng tiếng Việt trong sáng, sẽ làm mọi người cảm nhận dễ dàng.

Có chăng, cần lọc bỏ ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa đang như cây tầm gởi bám vào tiếng Việt. Khi Hồ Chí Minh gắn học thuyết Marx-Lenine vào lịch sử dân tộc cũng là lúc văn chương xã hội chủ nghĩa bám vào tiếng Việt để phát triển. Nhằm khu trục triệt để "Việt hồn" hầu dễ dàng tiếp nhận học thuyết Mácxít nên đảng Cộng sản Việt Nam đã nâng công tác văn hóa, tư tưởng lên hàng đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.


%% Trở lại mục lục