Nhân Vật Chí
(tt, loạt bài khởi dăng NgD 151)

Phạm Tưởng sưu tập

Nhân Vật Chống Cộng Số 5:
NGÔ ÐÌNH DIỆM (1901-63)

Giai đoạn thiếu dân chủ nhất là dưới triều đại Ngô Ðình. Nếu tội nặng nhất của cộng sản là làm tinh thần toàn dân sa đọa, thì tội nặng nhất của Ngô Ðình Diệm là làm tan biến hết chút sĩ khí cuối cùng còn lại nơi những người dân chi công bộc.

Tôi nghe nói chỉ có hai người được xưng hô lễ độ là "thống tướng" Lê Văn Tỵ và "phó tổng thống" Nguyễn Ngọc Thơ. Thêm một vị tự khoe, giấy trắng mực đen, trong hồi ký, là "trung tướng" Trần Văn Ðôn. Ngoại giả đều được coi như con ăn đầy tớ trong nhà. Cho nên có những giai thoại: Về một ông bộ trưởng giáo sư thạc sĩ vào triều kiến, khi ra phải đi giật lùi đến nỗi bể cái thống. Về một ông bộ trưởng giáo sư thạc sĩ khác xuống tóc "phản đối", xin xuất ngoại mà khiến "ông cố" chép miệng thở dài: Giá đừng xin đổi thêm ngoại tệ thì tốt hơn. Về ông tổng trưởng ngoại giao năng nổ: Tổng thống bảo tôi quét cầu tiêu, tôi cũng tuân lịnh liền. Về tổng đoàn trưởng thanh niên bế "cậu Trác", được cậu tè một bãi đẫm áo, hí hửng chạy đi khoe khắp Dinh: "Cậu" tè ướt áo "moi" đây này. Rồi ổng mang áo đó về lập bàn thờ, tối ngày nhang khói (hình như có chạy được, hiện nay vẫn còn, để làm... quốc bảo phục hồi tinh thần Ngô Ðình Diệm). Về "bà cố" than phiền: Kiếm một con bẹc giê khó hơn kiếm mười thằng bộ trưởng. Chả biết thật hư, nhưng những phương diện quốc gia mà hớn hở được "anh thượng, chú thượng" mi mi tau tau thì làm sao đủ liêm sỉ cho đất nước khá nổi, còn nói gì đến dân chủ tự do.

Giá thử ngay từ đầu mà những người cộng tác với gia đình nhà Ngô đòi hỏi sự xưng hô, đối xử cho nghiêm chỉnh, thì chắc họ cũng biết dừng lại, nể trọng cộng sự viên. Hoặc anh em ông Diệm biết khiêm nhượng mà cấm đoán những trò ti tiện của đám gia nô, làm gì thể chế dân chủ chẳng bắt rễ tại Việt Nam, mà tình trạng đã có phần sáng sủa, không đến nỗi như ngày nay.

Nhưng, như trên đã nói, sự tham nhũng của ông Diệm lên đến cùng cực. Nó không phải là nhà cửa, đất đai, tiền bạc, địa vị. Vì tất cả đều đã là của riêng ông. Ông muốn làm gì với chúng, muốn ban phát cho ai tùy ý. Ðiều ông muốn là mọi người phải coi ông là một vì thiên tử chỉ chịu có mệnh trời; toàn dân phải hoan hô đón rước ông, phải hát bài suy tôn ông, phải đứng lên chào kính hình ảnh ông; quốc hội, nhà nước phải quỳ lạy... Ðức Thái Từ, mẹ ông; anh ông, một tham quan lại nhũng, được mang tên đặt cho con đường quan trọng nhất thủ đô! Tất cả mọi người làm việc cho nhà nước chỉ được ông coi là đám con ăn đầy tớ. Ông "mi mi tau tau" với họ. Một phụ tá đắc lực của ông đã phải đặt cho cái địa vị ông một cách vô cùng chính xác. Hoàng đế, chưa đủ. Tổng thống, chưa đủ. Ông phải là một... Tổng Ðế!!!

Dĩ nhiên vẫn có người bênh ông Diệm. Trước hết là những người được hưởng ân sủng hoặc có dính dấp đến chế độ của ông. Nhưng cũng có nhiều người chỉ giản dị là kẻ đồng đạo. Phần lớn họ chỉ bênh theo cảm tính, dù trước cả những sự kiện vô cùng cụ thể. Thí dụ ba điểm họ thường hãnh diện nêu lên hơn cả là:

1. Ông Diệm là người chống cộng.

Ðây là một sai lầm căn bản. Chống là một thái độ, một hành vi thụ động, đỡ đòn địch thủ. Lý do chính của thái độ đó là vì ông Diệm đã chỉ ở tầm vóc tự nguyện làm thừa sai cho Vatican và Hoa Kỳ để tiêu diệt kẻ nằm vùng và biến Miền Nam Việt Nam thành con đê ngăn chặn làn sóng cộng sản xâm nhập.

(Với Việt Nam, việc chính là triệt tiêu chủ thuyết cộng sản tận cỗi rễ. Nghĩa là phải làm ngược lại điều cộng sản làm, là thực thi tự do dân chủ, làm cho nước giầu dân mạnh, trái với sự độc tài chuyên chính, ngu dân bần cùng hóa của cộng sản.)

Còn chống cộng, hay đúng hơn diệt cộng, theo kiểu ông Diệm, là tiêu diệt đến người cộng sản cuối cùng tại giang sơn của ông, bằng bất kỳ phương cách nào, và kiểm soát để cộng sản từ Bắc khỏi xâm nhập Miền Nam, một việc không thể nào thực hiện nổi chưa kể hoàn toàn phản dân chủ, tự do, không tôn trọng quyền tư tưởng của người khác.

Một khi chưa chỉ vạch cụ thể được cái sai trái của cộng sản, khiến người lầm đường lạc lối tự nhìn ra sự tai hại, thì khó lòng bắt buộc người ta chối bỏ nó. Huống chi chính mình, về thực tế, lại sử dụng ngay những phương pháp của cộng sản: phe phái, độc tài, tàn bạo, tham nhũng,... Một đàng thì cộng sản còn ở đàng xa, không ai thấy cái xấu, trong khi chúng hứa hẹn đủ điều. Một đàng chính mình lại làm đủ thứ mình lên án kết tội, và người dân thấy ngay trước mắt rằng sự tố cáo của cộng sản là chính xác, thì làm sao có thể giác ngộ được ai, làm sao diệt được cộng sản? Vả thực ra, một khi đã đấu thầu việc chống cộng thì có bao giờ muốn tận diệt cộng sản. Giản dị là vì sự tồn tại của cộng sản lại chính là lý do cho sự tồn tại của chính mình!

2. Ông Diệm mang được hàng triệu người Bắc di cư và tạo nên những vùng định cư trù phú ở Miền Nam.

Bản thân ông Diệm làm gì trong công việc này?

Với tầm hiểu hạn chế của một người tây phương, đại tá Landsdale, cố vấn của ông Diệm, cho rằng nếu có mấy trăm ngàn người công giáo di cư vào Nam làm hậu thuẫn, thì vị thế buổi đầu của ông Diệm vững hơn. Ông đại tá này không nghĩ đến việc đó sẽ làm suy yếu giáo hội công giáo Miền Bắc, và công giáo là một tôn giáo của thiểu số ở Việt Nam.

Hoàng Bá Vinh cam đoan thừa sức đem những người đó vào cho ông Diệm, bao nhiêu cũng có. Vậy mà khi gặp khó khăn với các giáo phái, ông Diệm liền tính chuyện chạy làng. Hoàng Bá Vinh đã phải bảo ông, đại khái: Cụ bảo tôi đưa giáo dân vào cho cụ. Tôi đưa họ vào đây, nay cụ bỏ rơi họ đâu có được. Nếu cụ bỏ đi, tôi sẽ cho họ nằm vạ ra phi đạo xem cụ có đi được không?

Cho nên ông Diệm đành ở lại. Thế thì là ông có công hay có tội đối với người đồng đạo?

Còn việc di cư, thì Mỹ huy động đủ mọi phương tiện, tiền bạc để đưa đón, với sự tiếp tay nồng nhiệt của bao nhiêu quốc gia. Các linh mục nhiệt thành lãnh đạo giáo dân. Giáo dân toàn là hậu duệ của những người từng theo doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đi khai khẩn đất đai. Có tàu bè đưa đi, có cha cố hướng dẫn, có đất đai mầu mỡ. Các linh mục đều muốn có giáo xứ trù phú. Các giáo dân đều là những người cần cù chăm chỉ. Nay bỗng dưng được giúp đỡ cơm gạo tiền bạc, cấp phát đất đai. Tất cả những yếu tố đó tạo nên thành quả.

Phần ông Diệm đóng góp cái gì? Ai trong trường hợp đó mà không có một thành quả tương tự hoặc gấp bội nữa, nếu không bớt xén tiền viện trợ của Tổng Ủy Di Cư. Thì sao lại cứ nhất định đó là công lao của Ngô Ðình Diệm?

Chưa kể kế hoạch của ông Diệm là đưa giáo dân đến định cư tại những địa điểm dầu sóng ngọn gió để lãnh đủ bão táp cộng sản.

3. Còn ông Diệm, Mỹ không đem quân được vào Việt Nam.

Hãy theo dõi một số dữ kiện:

18-8-61, ông Diệm loan báo tình trạng tổ quốc lâm nguy. 13-10, ông sai Nguyễn Ðình Thuần, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm bộ trưởng Phủ Tổng Thống, xin Mỹ gửi đơn vị tác chiến, xin Ðài Loan gửi 1 sư đoàn (Mỹ từ chối). 15-10, ông ban bố sắc lệnh SL209TTP đặt toàn lãnh thổ trong tình trạng khẩn cấp. 7-12, ông gửi thư cho tổng thống Kennedy, trình bày tình trạng bi đát, kêu gọi giúp đỡ.

8-2-62, Mỹ thiết lập... Bộ Tư Lịnh MAC-V tại Việt Nam! Và vào giữa năm, số "cố vấn" đang từ 700 tăng lên... 12,000.

8-5-63 xảy ra vụ Phật Giáo ở đài phát thanh Huế. Ngày 22, tổng thống Kennedy tuyên bố sẵn sàng rút quân Mỹ về ngay ngày hôm sau nếu có sự yêu cầu của VNCH và hi vọng tình thế cho phép rút một số vào cuối năm. Ông Diệm không yêu cầu.

(Trong Plausible Denial của Mark Lane, ông L. Fletcher Prouty, đại tá không quân trong Ðệ Nhị Thế Chiến, từng phục vụ 30 năm trong ngành tình báo, và từ 1955 đến 1963 là trưởng nhóm Hoạt Ðộng Ðặc Biệt thuộc Ban Tham Mưu Liên Quân, xác nhận là: Sau khi gửi tướng Victor Krulak và Joseph Mendenhall thuộc bộ ngoại giao, rồi tướng Maxwell Taylor và bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara qua Việt Nam điều nghiên việc Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam, tổng thống Kennedy không chỉ muốn rút quân đội mà là rút tất cả người Mỹ, kể cả viên chức CIA, đã ban hành chỉ thị National Security Action Memorandum 263 (NSAM 263) và ngày 2-10 tuyên bố 1,000 quân nhân Mỹ ở Việt Nam với tính cách cố vấn sẽ được hồi hương vào cuối năm 1963. Kenneth O'Donnell, từng là cố vấn của Kennedy, trong O'Donnell and Powers, Johnny, We Hardly Knew Ye, cũng viết là Kennedy sửa soạn đưa tất cả người Mỹ ở Việt Nam về, nếu thắng, sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1964).

Ông Diệm bị lật đổ. Chỉ bốn ngày sau khi Kennedy bị ám sát, tổng thống Johnson lại tái xác nhận việc rút 1,000 quân vào cuối 1963 của chỉ thị NSAM 263 bằng chỉ thị NSAM 273 ngày 26-11-1963.

Qua bao nhiêu xáo trộn, các tướng lãnh ai cũng giữ quân ở nhà để tranh giành quyền bính, tình hình quá nguy ngập, ngày 17-3-1964 mới có chỉ thị NSAM 288 về khả năng mang đơn vị chiến đấu bảo vệ khu vực Sài Gòn và ngày 25-5 thảo quyết định đệ trình quốc hội (và được chuẩn y) về việc quân đội Mỹ tham dự chiến đấu (the United States is prepared, upon request of the Government of South Vietnam or the Government of Laos, to use all measures, including the commitment of armed forces to assist the government in the defense of its independence and territorial integrity against agression or subversion supported, controlled or directed from any Communist country).

Tuy vậy, mãi ngày 8-3-1965 (16 tháng sau), Mỹ mới đổ 1,500 thủy quân lục chiến ở Chu Lai.

Thiết lập bộ tư lịnh với 12,000 cố vấn và đổ bộ 1,500 binh sĩ, cứ so sánh sẽ thấy rõ ràng Việt Nam đã bị xâm phạm chủ quyền nhiều dưới thời Diệm hay thời sau Diệm. Tình thế khác, đáp ứng khác. Với hơn 20,000 cố vấn, hơn 300,000 binh sĩ Trung Cộng ở Miền Bắc, thì Mỹ phải tăng quân ở miền Nam, đâu có phải vấn đề có ông Diệm thì Mỹ không đổ quân.

*

* *

Rút lại, cũng như ông Hồ, dựa trên những điều khách quan, ai cũng có thể thấy; và cũng chỉ hạn định vào những sự kiện cá nhân, không mấy liên quan đến công việc chính trị - có những kẻ thật tầm thường, mà vì gặp thời thế quá ư đặc biệt, đã được coi như những nhân vật quan trọng, quá cả cái mức mà những thức giả có thể quan niệm nổi: đó là ông Ngô Ðình Diệm.

Ông Diệm mập lùn, tóc rậm, mắt trắng dã của kẻ thù dai, má phính, mày râu nhẵn nhụi, quần áo chải chuốt, đi đứng lạch bạch, lắm mồm, nói năng thiếu mạch lạc, mi mi tau tau với người cộng tác.

Thân sinh ông Diệm du học ngoại quốc về làm thông ngôn, chức phận trong triều cao sang; bản thân ông Diệm coi như học hành đậu đạt đến nơi đến chốn (đối với thời bấy giờ), có thần thế, làm quan ngay sau khi tốt nghiệp, hoạn lộ thênh thang.

Ông Diệm nhiều lắm là lo cho nước An Nam (?) hay nước Ðại Pháp có biên cương, rồi hết nằm ở tu viện này tới tu viện khác, im thin thít như thịt nấu đông, mà cũng có người lôi ra giao cho Miền Nam.

Thân sinh ông Diệm là thông ngôn, ông Diệm lại không theo cá nhân chủ nghĩa tây phương, coi nặng tình gia đình mà bao bọc anh em, toàn nói chuyện thành tín nhưng suốt đời làm chuyện phản trắc, vong ân bội nghĩa. Ông hết lòng kính Chúa, luôn luôn cầu ơn trên phù hộ, thì Chúa lại bỏ ông chết thảm!

Ông Diệm tự biết mọi người chán ghét (ít nhất ba lần, nếu không quá ngu: như nhóm Caravelle, nhóm dù, nhóm dội bom), nhìn thấy sự nghiệp tan tành, rồi chết tức tưởi, chôn giấm chôn giúi, chưa biết chút xương tàn sẽ lưu lạc tới những nơi nào. Liệu còn đủ cơ phận trong ngày phán xét chung? Trong khi đó Giáo Hội của ông thì vẫn còn vững như bàn thạch.

Ông Diệm ở phía thế giới tự do, chính phủ các nước ủng hộ không để ông có toàn quyền hành động, mà ông lại cũng đi tiêu diệt mọi đảng phái quốc gia cùng chiến tuyến, là tự chặt chân chặt tay, nên đúng như lời Nguyễn Tường Tam trăn trối: Sự bắt bớ và xử tội (tất cả) các phần tử đối lập (quốc gia) là một tội nặng, sẽ làm cho mất nước về tay cộng sản.

Một người tầm thường có thể là một nhân viên gương mẫu của một cơ sở mà lại là kẻ làm hại quốc gia dân tộc (nhân viên Nazi thời Ðức Quốc Xã); một công dân quốc gia tốt lại có thể hại cho thế giới, loài người (phi công Thần Phong của Nhật Bản); một công dân quốc tế tốt lại có thể hại cho gia đình, quốc gia, dân tộc, nhân loại (người cộng sản đệ tam).

Như vậy, ông Diệm là tội đồ của gia đình, của cơ sở phục vụ, của đất nước, của thế giới, của loài người.

Không có ông, anh em ông không chết, những người trong cơ cấu nhà nước không thành kẻ xấu, đất nước không tan hoang, thế giới không mất đi những nhân tài, loài người không bị những thiệt hại, mà trái lại được đóng góp nhiều hơn, phong phú hơn.

Riêng đối với Việt Nam, ở giai đoạn đó, bất cứ người nào khác ngồi vào chỗ ông Diệm cũng không thể tệ mạt như vậy.

Những sự kiện nêu ra trên đây, dù có nhiều phần chính xác, dễ kiểm chứng, nhưng vẫn chắc chắn có kẻ bực mình và thù ghét. Những kẻ đó là ai? Nếu họ là những người theo ông để mưu cầu lợi lộc, rồi bây giờ phải bám lấy "tinh thần Ngô Ðình Diệm" để bào chữa quá khứ, dối mình dối người, cố bám lấy cái gì còn bám được, thì là họ có bản lĩnh chính trị (hiểu theo nghĩa thời nay), đáng... kính phục. Nhưng nếu họ bám lấy chỉ vì cảm tính, chỉ vì vốn cùng một chủ thuyết, một tín ngưỡng, thì họ thật đáng thương.

Tinh thần Ngô Ðình Diệm là gì? Là phong kiến ngồi trên xuồng cho sĩ quan cấp tá đẩy, quân lính ngâm nước dàn chào. Là ăn cháo đá bát như cách cư xử với ân nhân Trần Văn Lý, Tạ Chương Phùng, Nguyễn Tấn Quê, Nguyễn Bảo Toàn,... Là phản bội lý tưởng; nhân danh chống cộng, nhưng đến khi quyền bính lung lay thì tính chuyện bắt tay. Là chống Chúa; khi Chúa phán bị tát má trái giơ má phải, thì lại đòi được trả thù khi bị giết!

Ông Diệm không làm mất chủ quyền đất nước? Mỹ đòi ông thôi dùng anh em: ông Thục, vợ chồng ông Nhu, ông Cẩn, (ông Luyện). Ông không chịu. Bảo vệ quốc quyền hay... gia quyền?

Ông không cho người Mỹ đem quân vào Việt Nam? Xin xem lại những dữ kiện ở phần 3, ở trên.

Cố vấn và binh sĩ, ai xâm phạm chủ quyền hơn ai? Dốt lịch sử, bị phạt xuống "lâm bô" luyện ngục. Ăn gian lịch sử, bị phạt chết xuống hỏa ngục đời đời. Sự phán định cũng xin để tùy nghi.

Hãy tự hỏi: Bám lấy giáo điều, cá nhân ông Diệm, thì là đảng viên, tín hữu trung kiên. Nhưng có là một người con bất hiếu (bỏ thờ phượng ông cha), một người dân Việt xấu (để quyền lợi đế quốc, giáo hội trước quyền lợi đất nước), và một con người xấu (lịch sử xưa và nay vẫn ghi rõ những sự thiệt hại, đổ nát, chết chóc mà nhân loại phải chịu do những chuyện cuồng tín gây nên) chăng?

Nếu ông Ngô Ðình Diệm không tự cho mình có "thiên mệnh", không theo Mỹ (và có thể cả Vatican) xúi, lo việc đắp đập be bờ, lúi húi giành độc quyền chống cộng mà lại là người yêu nước, cùng ngồi lại với các đảng phái, các giáo phái, các thành phần quốc gia lo việc xây dựng dân chủ tự do tại Miền Nam, thì hẳn thừa sức khiến Miền Nam thực sự phồn vinh rồi bắc tiến để giải cứu đồng bào khỏi ách cộng sản như họ hằng mong đợi.

Nói vậy thôi, chứ con người là sản phẩm của tiên thiên và hoàn cảnh. Bản chất ông là như thế, ông được uốn nắn trở thành như thế, và vận hạn chẳng may khiến đất nước lọt vào tay ông, thì phải rán mà chịu, vả cũng là chuyện đã qua rồi.

*

* *


%% Xin xem tiếp phần sau