"Ðộng vi binh, tĩnh vi dân".
Ðộng ở đây là:
"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên"
(Chinh Phụ Ngâm - Ðoàn Thị Ðiểm)
Ðộng ở đây là tiếng đại bác ì ầm. Ðộng ở đây là thanh âm gầm mây, thét gió của các loại chiến đấu cơ. Tuy nhiên, trong thế giới của suy tưởng chính trị, chữ "động" được hiểu một cách bao quát hơn, tinh vi và uyển chuyển hơn. Hiện tình Việt Nam đã dẫn đến nhận định rằng: hình thái "động" xoáy tim gan nhất, mênh mông và bi thảm nhất chính là nỗi lòng phẫn hận của người dân đối với chế độ CSVN độc tài toàn trị, thối nát toàn diện. Như vậy, "động" từ nòng súng đã được thay thế bằng "động" từ mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và quần chúng nhân dân. Việt Nam vẫn đang rất "động".
Tổ QUốC còn đó, DANH Dự còn đây. TRáCH NHIệM bao giờ cũng là lời nguyền sắt son. Chúng ta, những chi thể của QÐVNCH phải làm gì để sông không trách núi không phiền? Tìm lại quân phục cũ, vũ khí xưa ư? Bình thản giải khuây bên ly rượu chén trà trong niềm hy vọng "tuổi trẻ" sẽ "tiếp bước cha anh" ư? Câu trả lời cho các thắc mắc vừa nêu dường như đang nằm đâu đó, dọc theo con đường "Từ CHIếN TRƯ ờNG ÐếN CHíNH TRƯờNG".
Hiện tình quốc tế và quốc nội không cho phép chúng ta mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam thông qua giải pháp "vi binh". Mặt khác, Việt Nam ngày nay không là một quốc gia ở trạng thái "tĩnh" để chúng ta có thể "tĩnh vi dân". Như vậy người quân nhân QÐVNCH không còn chọn lựa nào khác hơn là quyết định từ giã chiến trường để tiến vào chính trường nhằm đấu tranh cho nhân dân có được một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng.
Chính trường là nơi thư hùng của các loại đòn phép chính trị. Hành động chính trị được ngụy trang dưới muôn hình vạn trạng. Trong thế giới muôn hình vạn trạng kia chỉ có một chọn lựa trước hai ước mơ: vinh thân phì gia hay cách mạng xã hội. Người lính VNCH sẽ đi theo ước mơ nào? Trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tìm về cội nguồn tâm lý của quân đội. Thuở xa xưa, từ đời sống của bộ lạc đến làng xã, chúng ta thường thấy rất nhiều nhân vật chỉ biết sống cho lý tưởng trừ gian diệt bạo. Họ là những hiệp sĩ đầu tiên của xã hội loài người. Nguyễn Trãi diễn tả hào khí của những bậc hiệp sĩ kia bằng lời lẽ hào hùng như sau:
"Lấy chí nhân mà thay cường bạo,
Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn."
Tinh thần hiệp sĩ là khuynh hướng sống, là tâm lý hướng thượng tự nhiên trong mỗi con người. Theo đà phát triển của nhân văn, giới hiệp sĩ lùi vào quá khứ, quân đội thành hình, vai trò người lính được xã hội đón nhận. Giống như hiệp sĩ, người lính can trường, người lính sẵn sàng chết cho lẽ phải, người lính kính già yêu trẻ, người lính rất thân mến đối với lương dân, rất cứng rắn đối với phường "sâu dân mọt nước". Người lính ngày nay chính là hậu thân của chàng hịêp sĩ ngày xưa.
Tuy nhiên không phải bất kỳ người lính nào cũng đầy ắp hiệp sĩ tính. Mối liên hệ giữa người lính và tính hiệp sĩ hoàn toàn tùy thuộc vào môi trường văn hóa của xã hội. Trong trường hợp cường quyền kiểu CSVN nhồi sọ xã hội bằng Marxism phản nhân tính thì người lính CS không thể không bị tha hóa. Lính CS không còn là hiệp sĩ nữa. Lính CS không còn là lính nữa. Lính CS trở thành công cụ bảo vệ đảng CS. Trong khi đó, lịch sử và kinh nghiệm sống đã chứng minh: xã hội Nam VN trước 1975 tuy không là một xã hội dân chủ hoàn hảo, nhưng không thể chối cãi rằng xã hội đó là một xã hội tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền. Xã hội đó là một xã hội có nền giáo dục nhân bản và khai phóng. Giáo dục ở đây bao gồm giáo dục học đường lẫn giáo dục truyền thông đại chúng. Chế độ Ðệ I cũng như Ðệ II Cộng Hòa không hề nhồi sọ xã hội, không hề nhồi sọ quân đội bằng bất kỳ tà thuyết ngụy nghĩa nào. Các sự kiện trình bày ở trên đã giải thích tại sao thông thường người lính QÐVNCH có rất nhiều tính hiệp sĩ. Với tâm tình hiệp sĩ như vậy và trước cảnh sống lầm than của đồng bào tại quê nhà, người lính QÐVNCH không thể không dấn thân vào hành động chính trị. Thế nhưng chính trị nào? Chính trị xôi thịt hay chính trị là công cụ của cách mạng? Hỏi tức là trả lời. Người lính hiệp sĩ bao giờ cũng quyết tâm đấu tranh cho một VN tự do dân chủ. Người lính hiệp sĩ bao giờ cũng xem chính trị là công cụ của cách mạng.
Vấn đề không là sự hoài nghi về tính hiệp sĩ và lòng yêu nước của người lính. Vấn đề chính là dấu hỏi: liệu chừng người lính QÐVNCH có gặp khó khăn nào chăng trên con đường di chuyển từ Từ CHIếN TRƯờNG ÐếN CHíNH TRƯờNG? Con đường đó dài, ngắn bao xa? Con đường đó là đường lên núi hay đường xuống biển?
Kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ đã trả lời những thắc mắc vừa nêu một cách gẫy gọn và chính xác: chính trị là "thức kinh luân", quân sự được tượng trưng bởi binh giáp. Con đường từ chiến trường (binh giáp) đến chính trường (kinh luân) chỉ chạy từ lồng ngực (hung trung) lên vừng trán (tâm thượng). Hoàn cảnh này, người lính hịêp sĩ sử dụng năng lực chính trị tiềm ẩn trong khối óc. Hoàn cảnh kia, người lính hiệp sĩ sử dụng năng lực quân sự bằng binh giáp dấu trong ngực áo. Quân sự hay chính trị, chiến trường hay chính trường, tất cả đều được điều động từ bộ óc và bàn tay của một con người:
"Kinh luân khởi tâm thượng
Binh giáp tàng hung trung
Vũ trụ chi nhân gian phân sự
Nam nhi đáo thử thị hào hùng"
(Nguyễn Công Trứ - Vịnh Kẻ Sĩ)
Làm thế nào có thể minh chứng rằng "kinh luân" và "binh giáp" thực sự là hai năng lực trong tự thân mỗi kẻ sĩ, kẻ sĩ thời Nguyễn Công Trứ cũng như kẻ sĩ Thế Kỷ thứ 21 tại hải ngoại? Ðể trả lời câu hỏi vừa nêu bài viết này kính mời bạn đọc hãy tìm hiểu mối liên hệ thống nhất giữa chiến trường và chính trường trong đời sống của mỗi người lính QÐVNCH.
Trước khi bước vào chiến trường, bài học vỡ lòng do quân trường dành cho mỗi người lính là thời kỳ huấn nhục. Bài học huấn nhục cưỡng bách người lính phải tập làm quen và chịu đựng mọi tình huống bị lăng nhục nặng nề và bị hành xác khắc nghiệt. Nhờ môn huấn nhục này, người lính VNCH vẫn giữ được tinh thần bất khuất trước vô số cực hình trong thời gian bị tù khổ sai dưới chế độ CS. Chính nhờ môn huấn nhục này, người lính VNCH vẫn duy trì được thái độ trầm tĩnh cần thiết trước những chìm nổi trong cuộc đấu tranh chính trị chống CSVN hiện nay. Như vậy, tinh thần bất khuất và thái độ trầm tĩnh là hai phẩm chất quan trọng của chiến sĩ quân sự cũng như của cán bộ chính trị. Ðó là điểm hội ngộ đầu tiên giữa chiến trường và chính trường.
Trên chiến trường, tiên liệu là yếu tố quyết định thắng bại cho mỗi trận đánh. Nếu tiên liệu sai lầm người lính phải trả giá bằng máu, máu của đồng đội và của chính mình. Lệnh hành quân là tác phẩm trí tuệ rất quen thuộc đối với người lính VNCH.
Trong lệnh hành quân có đủ loại tiên liệu. Từ tiên liệu tiếp vận đến tiên liệu quân số, tiên liệu thời tiết, địa hình, địa vật, tiên liệu tình báo trận liệt, phản ứng của địch trước mỗi thế công của ta. Chiến trường là môi trường cung cấp cho mỗi người lính QÐVNCH những bài học cụ thể nhất, tinh vi nhất về kỹ thuật và nghệ thuật tiên liệu. Ngày nay, cuộc chiến chống CS độc tài vẫn chưa tàn. Cuộc chiến này di chuyển từ chiến trường đến chính trường. Trên chiến trường, hỏa lực quân sự là công cụ chiến đấu. Trên chính trường, truyền thông đại chúng và áp lực chính trị quốc tế là công cụ chiến đấu. Trên đấu trường quân sự, tiên liệu địch tình là trọng yếu. Trên đấu trường chính trị, tiên liệu phản ứng của công luận và tiên liệu thời điểm lịch sử chuyển mình là yếu tố then chốt. Nhìn chung, tuy khác nhau về phương pháp đấu tranh nhưng dầu là quân sự hay chính trị, khả năng tiên liệu vẫn đóng vai trò chủ chốt. Như vậy khả năng tiên liệu là người bạn thân mến của chiến sĩ quân sự cũng như của cán bộ chính trị. Ðó là điểm hội ngộ thứ hai giữa chiến trường và chính trường.
Ðể có thể có được khả năng tiên liệu như đã trình bày ở trên, người lính phải trải qua thời gian dài ở các quân trường và nhất là trải qua những cuộc hành quân vào sinh ra tử. Tử khí trên trận địa đã cung cấp cho người lính khả năng đánh hơi. Ðánh hơi những ổ phục kích của địch quân, đánh hơi những biến chuyển của chiến sự. Bên cạnh giác quan thứ sáu nằm đằng sau hai chữ "đánh hơi", người lính còn được giáo dục và đào tạo về tham mưu, về quản trị, về kỹ thuật ngân hàng quân đội (Kỹ Thương Ngân Hàng), về quân tiếp vụ .v..v... Giác quan thứ sáu, đi kèm với những hiểu biết phong phú đối với nhiều lãnh vực khác nhau, đã biến người lính thành những nhân sự đa năng và đa hiệu. Trên cao điểm của đa năng hiệu: quân sự, chính trị và kinh tế trở thành ba mặt trong đời sống linh động của một người lính. Ðó là điểm hội ngộ thứ ba giữa chiến trường và chính trường.
Ðức tính trầm tĩnh, khả năng tiên liệu và đa năng hiệu sẽ vô nghĩa nếu người lính không có quyết tâm phối hợp hành động. Nói đến phối hợp không thể không nói đến kỷ luật. Kinh nghịêm sống cho chúng ta thấy: những đơn vị hàng ngày chạm mặt với tử thần là những đơn vị thiện chiến và kỷ luật. QÐVNCH là quân đội trưởng thành trên chiến trường. Ðó là lý do căn bản giải thích tại sao QÐVNCH có kỷ luật. Thêm vào đó là quân kỷ cứng rắn, quân luật nghiêm minh, cộng với những thao tác thường nhật về cơ bản thao diễn đã âm thầm hun đúc cho người lính QÐVNCH một tinh thần kỷ luật có tính tự giác cao độ. Nói rõ hơn, môn học về quân kỷ và quân luật mang kỷ luật đến với người lính qua cửa ngõ tinh thần. Môn thao tác về cơ bản thao diễn biến tinh thần tôn trọng kỷ luật của người lính thành một loại phản ứng tâm lý có tính phản xạ. Chính tinh thần kỷ luật này giúp cho các đơn vị quân đội vừa hoạt động độc lập vừa giữ lòng tương kính và phối hợp. Những phiên họp tham mưu của QÐVNCH từ cấp tiểu đoàn trở lên là những hình ảnh cụ thể và sinh động về tinh thần dân chủ đa nguyên. Mỗi đại đội là một nguyên. Tiểu đoàn trưởng là người có nhiệm vụ vừa bảo vệ tính độc lập của mỗi nguyên vừa tạo điều kiện để các nguyên phối hợp chiến đấu trong tình chiến hữu. Công việc tổ chức và điều hành của quân đội VNCH trước 1975 đã cho chúng ta thấy: ngay ở ngưỡng cửa của binh nghiệp, người Chuẩn Úy Trung Ðội Trưởng phải trải qua một khóa học căn bản về kỹ thuật và nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy. Thế rồi theo đà phát triển của quân vụ, các sĩ quan đều lần lượt phải tiếp tục trau dồi môn lãnh đạo chỉ huy ở các lớp trung cấp và cao cấp. Chính kỹ thuật và nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy đã giúp cho quân đội VNCH gìn giữ được sự cân bằng hợp lý giữa đa nguyên và kết hợp. áp dụng tinh thần dân chủ đa nguyên nhưng nhất nguyên vừa kể, trong thư dành cho Ðại Hội Toàn Quân, Tướng Lê Minh Ðảo đã đề nghị toàn quân kết hợp "trên căn bản đồng thuận về mục tiêu, lập trường, đường lối đấu tranh, phương pháp hành động." Thêm vào đó, Tướng Ðảo nhấn mạnh: "Các đơn vị, lực lượng, tổng hội, liên hội, khu hội, hội đoàn ở các châu, các quốc gia, các tiểu bang vẫn độc lập trong các sinh hoạt của tổ chức mình. Các đơn vị, lực lượng này chỉ đề cử người hoặc bầu cử đại diện cho tổ chức của mình tham gia vào Ðại Hội Ðồng của tập thể chiến sĩ VNCH Hải Ngoại". (Nguyên văn thư đề ngày 17/3/03 của Tướng Lê Minh Ðảo). Ðề nghị vừa kể của Tướng Ðảo nêu bật hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất: Mỗi đơn vị, mỗi tổ chức trong đại gia đình toàn quân là một nguyên độc lập. Yếu tố thứ hai: là các nguyên độc lập kết hợp với nhau do đồng thuận về đối tượng phục vụ và phương pháp hành động.
Ðại Hội Toàn Quân 2003 đang chuẩn bị để toàn quân có thể phục hoạt trên tinh thần và phương pháp của dân chủ đa nguyên với sự ghi chú đa nguyên nhưng kết hợp. Kết hợp này được Ủy Ban Phối Hợp Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại gọi là Ðại Hội Ðồng của Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại. Hai yếu tố trong đề nghị của Tướng Ðảo chính là lời minh xác rằng: ngày xưa, trên chiến trường VN, tương quan giữa các đơn vị, các binh chủng trong quân lực VNCH là tương quan đa nguyên nhưng thượng tôn quân kỷ. Ngày nay, trên chính trường chống CSVN độc tài, tương quan giữa các đơn vị và tổ chức trong Ðại Hội Toàn Quân 2003 là tương quan đa nguyên và kết hợp. Như vậy, tinh thần dân chủ đa nguyên hiển nhiên là điểm hội ngộ thứ tư giữa chiến trường và chính trường.
Ngoài bốn điểm hội ngộ được trình bày khái quát ở trên, mối tương quan giữa "binh giáp" và "kinh luân", giữa chiến trường và chính trường trong mỗi người lính VNCH còn vô số những điểm hội ngộ khác. Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của một tiểu luận, bài viết này chỉ nêu ra bốn hội ngộ trọng yếu với chủ ý minh chứng rằng: đối với người lính VNCH, con đường từ chiến trường đến chính trường chỉ là hình thức thay đổi môi trường đấu tranh và rằng: người lính VNCH thực sự có khả năng ứng phó với mọi tình huống trong môi trường đấu tranh mới, đấu tranh chính trị.
Muốn hiểu rõ hơn điều được gọi là "khả năng ứng phó" vừa kể, một lần nữa chúng ta lại phải quay về với tư tưởng Nguyễn Công Trứ:
Kinh luân khởi tâm thượng
Binh giáp tàng hung trung.
Không phải mọi người sanh ra đều có sẵn "kinh luân" và "binh giáp". Có người không có cả "kinh luân" lẫn "binh giáp". Có người chỉ có kinh luân nhưng không có binh giáp. Có người chỉ có binh giáp mà không có kinh luân. Riêng người lính VNCH có cả kinh luân lẫn binh giáp. Sở dĩ người lính có được hiểu biết hai mặt như vậy là vì chiến tranh VN là trận chiến muôn mặt. Người lính được các quân trường đào tạo để có khả năng ứng xử trong muôn mặt, thêm vào đó, người lính còn thâu thập được vô số kinh nghiệm về biến động xã hội do chiến tranh du kích gây ra, vô số kinh nghiệm về những tráo trở của các thế lực ngoại viện.
Giá trị cao cấp hơn hẳn trí kinh luân lẫn tài binh giáp chính là quả tim hiệp sĩ trong lồng ngực của mỗi người lính VNCH. Quả tim đó đốc thúc người lính:
- Tạ ơn những chiến hữu đã hy sinh cho dân chủ và tự do của dân tộc, đã gục ngã để mỗi chúng ta được tiếp tục tồn tại trên đất tự do, tiếp tục đấu tranh cho VN dân chủ nhân quyền.
- Tạ ơn đồng bào và quê hương VN đã tôi luyện người lính thành những người lính hiệp sĩ bền tâm phục vụ đất nước.
- Tạ ơn cộng đồng quốc tế đã tạo điều kiện và giúp đỡ cộng đồng VN thành hình trên khắp thế giới. Mỗi cộng đồng Việt, trong đó có người lính VNCH, sẽ không ngừng nỗ lực làm rạng danh đất nước VN.
Ðàng sau những lời tạ ơn kính cẩn kia là tiếng nói dõng dạc và rõ ràng của lương tri và ái quốc: lời tạ ơn thành khẩn nhất phải là hành động cùng nhau đoàn kết và tích cực đấu tranh cho VN dân chủ và thịnh vượng. Ðại Hội Toàn Quân 2003 chính là cơ hội tốt đẹp nhất để mỗi người lính VNCH biến ước mơ tạ ơn thành hành động đấu tranh cụ thể, biến lòng thương nhớ Quê Mẹ thành mối tương quan đa nguyên và kết hợp giữa lính với lính và giữa lính với đồng bào thân yêu, đồng bào hải ngoại cũng như đồng bào quốc nội ./.