NHÂN VậT QUốC GIA
NHÂN VậT Số 1: BẢO ÐạI (1913-97)
Chuyện bên lề: Năm 1932, mười chín tuổi, Bảo Ðại ở Pháp về nước chấp chính. Bỏ quỳ lạy, bỏ tam cung lục viện, giải tán nội các già nua, lập nội các trẻ trung tân học, tuyển hoàng hậu (nhà Nguyễn vốn không phong hoàng hậu) người Nam, Công giáo gốc (Catholic), có vẻ ông cũng muốn làm một cái gì. Nhưng thực dân có bao giờ để cái đó xảy ra. Cuối cùng, ông đành chấp nhận thực tế, thu mình vào vai trò tế tự và được thực dân đánh bóng thổi phồng về cái đức ăn chơi. Nhưng chỉ cần biết lương nhà vua do chính phủ Ðông Pháp cấp phát, thì thực ông có muốn ăn chơi chắc cũng chỉ có hạn.
Bản quốc thiều Ðăng Ðàn Cung của triều đại ông có câu: "Kìa non vàng bể bạc, có sách trời muôn đời đã định phận", nhái lời tuyên ngôn độc lập "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư" của Lý Thường Kiệt, để nhắc lại cái thiên mệnh của ông, nhưng tiếc rằng cái Nam đế không còn hấp dẫn! Lớp người trẻ tân học đã chán chế độ phong kiến vua chúa, chán sự thối nát của các quan lại người mình, nên muốn rằng thà để người Pháp trực trị còn hơn, đến mức chống đối cả việc Bảo Ðại và Phạm Quỳnh tính chuyện điều đình với Pháp trở lại Hiệp Ước 1884 (nghĩa là đòi lại quyền hành cho chính phủ Nam triều ở Trung và Bắc Kỳ, Pháp chỉ đóng vai trò bảo hộ thực sự, không xâm phạm vào nội bộ)! Những người trí giả đành phải chấp nhận thực tế, tìm cách dựa vào người Pháp để xây dựng đất nước. Ðiển hình như các ông Nguyễn Văn Vĩnh ở ngoài Bắc, Huỳnh Thúc Kháng ở Trung và Nguyễn Phan Long ở trong Nam.
Lấy công tâm mà nói, thì dù là bị trị, nhưng thực ra đây là khoảng thời gian hiếm có, đời sống tương đối yên hàn mà hàng mấy thế kỷ chưa hề biết đến. Và tư cách người dân cũng được tôn trọng hơn là về sau này, khi nước nhà được gọi là độc lập và do chính người Việt Nam cai trị!
Tiếc rằng đế quốc thần quyền cũng như thế quyền, thay vì làm thiên chức rao giảng là cứu vớt linh hồn và khai hóa dân trí thì họ lại phá hoại truyền thống, giam hãm kềm kẹp dân ta. Tôn giáo mới không cho thờ cúng tổ tiên, cấm đoán nghi lễ cổ truyền (điều mà họ không giám làm ở nơi khác), coi người ngoài đạo họ là ma quỷ. Nhà nước cai trị không muốn cho người bản xứ cơ hội tự lực tự cường mà chỉ lo khai thác tài nguyên, bắt đóng góp sưu thuế qua sự tiếp tay của nhóm người cộng sự bản xứ.
Trong Nam áp dụng chế độ trực trị, nhân viên người Pháp xuống đến tận cấp quận. Chỉ cấp xã là chưa bị trực tiếp nhòm ngó. Ở Trung và Bắc Kỳ, người Pháp chỉ ở cấp tỉnh và thành phố. Công việc phủ huyện và làng xã đều do người bản xứ thừa hành, cả đời người dân chưa biết mặt mũi người Pháp ra sao.
Thành ra các xã thôn có vẻ cố ý bị bỏ quên, gần như hoàn toàn không được tiếp thu một chút lợi ích nào của nền văn minh tiến bộ. Nhưng, lại chính nhờ thế mà dân ta còn duy trì được phần nào những phong tục tập quán tốt đẹp, tổ chức xã thôn tự trị của ông cha.
Dù sao, Bảo Ðại là người duy nhất biết luôn luôn đứng trên cương vị ngang hàng để tranh đấu đòi hỏi với tổng thống, quốc trưởng, thủ tướng Mỹ, Anh, Pháp, Tàu mà không hề làm mất quốc thể. Những điều ông đơn phương mang về cho Việt Nam không tốn kém một giọt máu, là những điều Hồ Chí Minh lao tâm khổ trí chưa có nổi và Ngô Ðình Diệm chỉ nhờ Mỹ mới được tọa hưởng kỳ thành. Dĩ nhiên là vì do ông, dù sao, cũng là vua hay cựu hoàng của một nước. Ðiều đáng khen là ông giữ tư cách, không nguyên thủ một quốc gia nào giám coi thường.
Những người "Khổng tử viết" như Trần Trọng Kim, tây hơn cả Tây như Nguyễn Văn Xuân, văn nghệ văn gừng như Phạm Duy, gặp ông, đều cảm mến. Cao ngạo và nhiều tuổi đời như De Lattre de Tassigny, gặp ông, rồi cũng vui vẻ làm phụ tá cho ông, còn với hầu hết, Bảo Ðại mang hình ảnh một kẻ ăn chơi đàng điếm. Dĩ chí kết tội ông là Việt gian bán nước. Kẻ thù của ông đã đành. Lại cả kẻ không biết gì về ông nữa.
Ðiều này chẳng có gì lạ: Pháp muốn bôi bác để người dân Việt Nam đừng ngưỡng vọng gì vào ông. Cộng sản gán ông tội Việt gian bán nước để loại trừ một đối thủ nguy hiểm còn được cảm tình nơi những người bảo thủ. Thời xung đột Việt Minh-Pháp, ở các bến đò, cán bộ giả làm xẩm, ò e lải nhải: "Không ai ngu bằng thằng Bảo Ðại, Không ai dại bằng thằng Nguyễn Hải Thần". Dân quân du kích, theo chỉ thị thượng cấp, lấy rơm vặn người nộm Bảo Ðại phì nộn đặt trước cửa chợ, ai muốn vào thì đàn ông vén quần, đàn bà tốc váy... tè vào mặt. Trào Ngô Ðình cũng lại mang người nộm Bảo Ðại kè kè gái, rượu, bạc bị mang đi hỏa táng.
Trong khi đó, ông phốp pháp, "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao".
Ông biết mình biết người, cam phận làm vua nô lệ, bị bao vây tứ bề, bị cả thực dân, cộng sản lẫn bầy tôi gán cho đủ mọi tội lỗi xấu xa, đành thu mình vào với nỗi cô đơn.
Thời Pháp, ông chẳng dại mà cũng chẳng ai dại gì xúi ông làm bậy. Gương Duy Tân và Trần Cao Vân, Thái Phiên còn nóng hổi. Những thượng thư trẻ, tân học, cỡ Phạm Quỳnh, Ngô Ðình Diệm chỉ là của Pháp đặt vào để kiểm soát. Thời 1945, vừa thấy chút khó khăn, các vị khoa bảng đã bỏ rơi. Từ 1949, chẳng một ai thực lòng giúp đỡ. Người thì đi tìm ở nơi quyền lực hơn ông. Người thì đòi hỏi những điều ông không cung cấp nổi. Ở hoàn cảnh như vậy, ông khó có thể làm gì hơn.
Những Lý Lệ Hà, Mộng Ðiệp, Jenny Woong, Phi ánh,... chưa ai lợi dụng sự sủng ái để tác yêu tác quái. Phải chăng đó cũng là một hình thức biết tề gia? Cho rằng quyền hành còn trong tay người Pháp nên không được phép tung hoành thì, e là trái lại, Pháp còn muốn ông càng có nhiều điều tệ mạt hơn nữa, để cho dân càng chán.
*
Hồi năm 1939, ông Bảo Ðại cùng các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng vận động đòi trở lại Hiệp Ước 1884, nghĩa là đòi lại quyền hạn của triều đình Huế đối với Trung Kỳ và Bắc Kỳ vào dịp kỷ niệm 150 năm cách mạng Pháp, thì quốc dân phản đối. Nhưng năm 1947, "một số báo ở Saigon đăng những bài ủng hộ cựu hoàng Bảo Ðại, biểu tình lớn ở Huế ủng hộ cựu hoàng Bảo Ðại, biểu tình lớn ở Hà Nội ủng hộ cựu hoàng Bảo Ðại, biểu tình ở Saigon ủng hộ cựu hoàng Bảo Ðại, 24 đại diện các đảng phái và đoàn thể sang Hong Kong gặp cựu hoàng Bảo Ðại" và "cựu hoàng Bảo Ðại trả lời các đại diện đảng phái và đoàn thể ưng thuận về nguyên tắc lập một chính phủ lâm thời để điều đình với Pháp" rồi "4-6-1954 ký kết Hiệp ước Việt Pháp kiện toàn độc lập, giữa các thủ tướng Bửu Lộc và Laniel".
Vậy thì ông Bảo Ðại lại cũng không thiển cận, không bán nước, chuộc lại những tội trạng gán ghép cho ông cha. Dù vẫn có nghi vấn rằng ông không phải là con Khải Ðịnh, vì hồi còn tha phương cầu thực tại Sài Gòn (thư ký Bưu Ðiện/Tràng Tiền?), nhiều người biết Khải Ðịnh cho rằng ông này chơi bời nhảm nhí, bịnh tật không có nổi con. Nhưng điều này cũng dễ kiểm chứng. Chỉ cần tìm gốc gác của bà Từ Cung. Dù sao cũng chẳng là điều quan trọng, vì bảo vệ ngai vàng, những chuyện nhận con nhận cái như vậy là việc vẫn thường xảy ra.
Chỉ hơi tiếc một điều ông không "trở lại đạo" khi bà Nam Phương còn sinh tiền. Có phải là một phần thưởng, an ủi cho con người ngoan đạo và vô cùng tư cách đó không?
Lại cũng có ký giả ngoại quốc (Bernard Fall) viết rằng chính bà Nam Phương, do khuyến cáo của Giáo Hội, đã bảo đảm với ông Bảo Ðại để ông giao chính phủ cho ông Diệm. Ông Diệm đã quỳ lạy thề cùng cả hai người là trung thành với nhà Nguyễn. Sự phản bội của ông Diệm khiến bà Nam Phương giận Giáo Hội, và đã tự tử để chứng tỏ mình không còn thuộc Giáo Hội nữa. Ông ký giả lập luận rằng, trong y bạ, bà Nam Phương không hề có triệu chứng về tim. Mà bà lại mất bất ngờ, đến nỗi chính ông Bảo Ðại cũng không kịp hay biết gì. Tuy ông Bảo Ðại vợ nọ con kia, nhưng vẫn là người chồng người cha tốt với gia đình chính thức cũng như rất hiếu đễ với cha với mẹ.
Ông Bảo Ðại đơn thương độc mã giành lại chủ quyền cho quốc gia dân tộc mà ông cha ông đã làm mất. Nhưng có một điều sai lầm lớn nhất nơi ông và cũng là điều bất hạnh cho đất nước: Một người như ông, thông minh, trẻ, khỏe, to lớn, thành thạo mọi môn thể thao,... tất là một biểu tượng hấp dẫn đối với thanh niên. Giá mà ông xông xáo, đi lại, tiếp xúc với tuổi trẻ, có lẽ ông đã bớt cô đơn, đã tạo được một hậu thuẫn đáng kể. Chả hạn như ông hoàng Sihanouk xứ Chùa Tháp, mà ai cũng thấy còn thua xa ông nhiều điểm.
Ðàng này ông lại quan niệm một cách chắc nịch là hễ làm vua thì phải xa cách thần dân:
"Tư cách quân vương miễn cho ông ta loại trình diễn đó. Trái lại tư cách thần thánh đó đòi hỏi sự bí mật. Khi vị hoàng đế đi qua, dân chúng phải cúi đầu cụp mắt. Quyền năng vì thiên tử thực hiện trong sự ly cách của lầu đài, sau bức bình phong". (Le caractère du souverain le dispense de ce genre d'hexibitions. Au contraire, ce caractère sacré exige le mystère. Au passage de l'Empereur, le peuple courbe le front et baisse les yeux. Le pouvoir du Fils du ciel s'exerce dans l'isolement du palais, derrière le paravent)".
Dù cho có còn làm vua thì đối với thế hệ của ông mà vẫn còn quan niệm như vậy cũng đã là một sai lầm quá lớn. Ngay cả những Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Vỹ,... chắc cũng thích gặp ông ở các hoạt động ánh Sáng, Hướng Ðạo chứ đừng nói gì những Nguyễn Ðình Thi, Xuân Vũ,... Huống chi ông chỉ còn tự nhận là quốc trưởng, mà chủ trương lánh mình "sau bức bình phong" thì, khi bọn ma đầu bắn phát súng ân huệ, ông thua là điều chắc chắn.
Nếu ông được sự giúp đỡ tích cực hơn ở phía những người chống cộng, nếu ông không quan niệm lầm lẫn về vai trò thiên tử lỗi thời, để tạo cho ông một cảm tình và hậu thuẫn của giới trẻ, biết đâu việc độc lập và thống nhất của nước nhà chẳng sớm hơn, ít mất mát đổ vỡ, đất nước được phồn vinh. Mà ông cũng không phải kết cục bằng câu ngậm ngùi tự nhủ: "Ðể cho dân tộc và lịch sử phán xét"!
Dù sao, so sánh với những người đồng thời nhiều tuổi hơn, ông vẫn là một chính trị gia già dặn, đấu tranh được nhiều nhất, ít tốn kém nhất. Ngay cả Hồ Hữu Tường, đã từng yêu cầu ông thoái vị, cũng còn nói: "Tôi phải nhìn nhận rằng Bảo Ðại là nhà chính trị thông minh hơn hết."
Ông đã không cõng rắn cắn gà nhà - dù là một cách rất thiển cận - khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, Nhật biết nguy cơ cộng sản, đã đề nghị giúp ông bắt gọn tất cả năm ngàn tên cộng sản nhốt lại để bảo vệ ngai vàng. Ông lại cũng không sát đạo vì ông... lấy vợ công giáo. Hoàng hậu Nam Phương là dòng dõi tỉ phú Lê Phát Ðạt, xây nguyên một "nhà thờ Huyện Sĩ" tại Sài Gòn.
Ông Bảo Ðại có số tử vi thân cư thê thiếp. Ông được nhờ vả đàn bà rất nhiều. Vừa rời ghế nhà trường ở Pháp về nước làm vua, ông kiếm ngay được cô con gái nhà giầu, hồi môn - chỉ tiền mặt - đã cả triệu đồng (1).
Ông làm vua nhưng không có quyền bính, chỉ được lo việc tế tự, và lãnh trợ cấp của chính phủ bảo hộ, nên hẳn phải nể vì bà vợ giầu có. Trong thời gian ông ngồi ở hư vị, chắc hẳn người Pháp và tay sai có đặt nhiều điều bêu xấu để dân chúng hết tin tưởng vào ông. Một trong những chuyện đó là, hình như ông đá bóng ở Ban Mê Thuột bị sụt hầm mối sao đó, đã bị gán cho là vì gian dâm với vợ... khâm sứ, bị chồng gian phụ bắn què chân. Báo chí thời đó có thơ giễu:
"Trên trời có sao tua rua
Ở dưới hạ giới có vua sụt hầm."
Tôi không tin. Vì bà Nam Phương kè kè bên cạnh. Mà bà ta rất nguyên tắc.
Tháng 9, 1945, sau khi thoái vị, Việt Minh lôi cổ ông ta ra Hà Nội, bắt làm "cố vấn chính phủ" để tránh việc ông mưu toan chuyện gì. Ngoài 30 tuổi, khoẻ mạnh, ông cặp với ca vũ nữ Lý Lệ Hà, Mộng Ðiệp. Từ đó, bà Nam Phương sống tách biệt với ông luôn. Khi mời được Pháp trở lại Bắc Kỳ để cùng nhau tiêu diệt các đảng phái quốc gia, "bác Hồ" ngại Pháp liên kết với ông, cho "bác" ra rìa, bèn tống cổ ông sang Tàu và cấm trở về nước. Ông lưu lạc ở Hong Kong, được cô xẩm Jenny Woong nuôi nấng qua ngày.
Ông bị nhiều người gán cho nhiều tội lắm. Có điều chắc chắn, trong tất cả các nguyên thủ quốc gia Việt Nam hơn 50 vừa qua, dù ưa dù ghét, không người nào có thể gán cho ông Bảo Ðại tội bắt bớ giam cầm giết chóc ai, không người nào có thể gán cho bà Nam Phương tội tham nhũng thối nát. Của cải của gia đình này hẳn không phải tài sản quốc gia, mà là của riêng tư. Lý do là họ có rất ít quyền hành dưới thời Pháp thuộc.
Bà Nam Phương mất đã khá lâu. Ông Bảo Ðại về già bị mọi người bỏ rơi đến mức sống cô đơn một mình bằng trợ cấp của chính phủ Pháp. Khi đau yếu nằm chờ chết, nhờ cô bồi phòng Monique người Pháp chăm sóc, nên ông lấy cô này làm vợ chính thức. Có lẽ vì lý do này mà con cái xa lánh ông luôn. Ông cũng "trở lại đạo", lại nghe nói "ngoan đạo" vô cùng.
Nghiệp chướng thật là oái oăm: Cha ăn mặn, con khát nước, Ông cha ông Bảo Ðại sát đạo, con cháu trở lại đạo. Ông Ngô Ðình Diệm bắt bà Từ Cung bỏ phiếu truất phế con là Bảo Ðại, thì sau đó, kẻ làm chứng dối cho ông Diệm tại Liên Hiệp Quốc, là "nhà bác học" Bửu Hội, lại bị chính bà thân sinh làm giấy từ, không nhận là con nữa. Các ông Ngô Ðình Diệm, Ngô Ðình Nhu, Ngô Ðình Cẩn những tưởng mình là các vị quốc phụ, lại bị quốc dân bêu nhục. Ông Ngô Ðình Thục cả đời làm việc hoằng đạo lại bị giáo hội dứt phép thông công đến cả ba lần!
Chung cuộc là một đoạn kết buồn thảm cho cái triều đại cuối cùng và hết sức kém may mắn cho Việt Nam, cho đất nước con người Việt Nam ngày một đi xuống, chưa hề thấy một tia hy vọng cuối chân trời!!!