Ðọc Sách "NGƯỜI DÂN"

Phạm Tưởng

Nhà xuất bản Người Dân-VietBooks vừa gửi cho tôi bộ sách kèm với lời nhắn cho biết đây là toàn bộ các cuốn mà nhà xuất bản nhằm thực hiện ngay từ buổi đầu hoạt động, 1990, và nay đã hoàn tất, gồm hai phần:

A. Phần truyện ký 4 cuốn viết về những người, những việc đã qua của người Việt, theo đường hướng:

Lời Nhà xuất bản

"Vì lịch sử là gì, nếu không phải là một thứ tâm sự lớn lao, bao gồm tất cả tâm sự vụn vặt nhưng tâm thành của mỗi người dân như chúng ta?" (Nguyễn Kiên Trung, Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử).

Vào thời điểm này, đọc câu trên của ông Nguyễn Mạnh Côn (Nguyễn Kiên Trung), chúng tôi thấy quả thực có nhu cầu khuyến khích mỗi cá nhân viết lại những sự việc trải qua trong đời mình, trong khoảng 1940-80 vừa qua.

Hiện nay cũng đã có khá nhiều người viết hồi ký, cuốn nào cũng có giá trị và lợi ích của nó. Nhưng quãng thời gian 40 năm nói trên có quá nhiều sự việc, còn quá nhiều bí ẩn và nghi vấn mà không một cá nhân nào biết hết. May mắn lắm, kể cả những người nắm giữ những chức vụ to lớn, mỗi người cũng chỉ bắt gặp một phần nhỏ, và tất nhiên sẽ diễn dịch một cách rất chủ quan, có khi tưởng là quan trọng mà thực ra không có gì đáng kể, hoặc ngược lại. Nhưng nếu cùng một thời kỳ, cùng một sự việc mà có nhiều "tiếng chuông" được phổ biến, thì người tìm hiểu cố phối hợp, kiểm chứng, rồi cũng có thể thấy được sự thật để trả lại cho lịch sử. Nếu không, nó sẽ mai một với cá nhân. Và kết quả là vinh dự được suy tôn giả tạo, hoặc oan khuất khó lòng giải tỏa.

Trong những buổi chuyện trò, chúng tôi thường thấy có nhiều người biết những sự việc thật động trời cũng như có những ý kiến vô cùng độc đáo. Chúng tôi đề nghị các vị đó nên viết ra, nếu không có khả năng diễn đạt thì, cũng không cần nhiều, từ 50 đến 100 trang là đủ.

Cứ thử tưởng tượng có một số tài liệu của lớp người thập niên 1940, 50, 60, 70, 80 chả hạn, mỗi lớp gộp thành một tuyển tập, là tạm đủ cho những người đồng thế hệ có được cái thú hồi tưởng lại thời kỳ đầy năng động của mình, những người thế hệ sau có được những kinh nghiệm của lớp đàn anh để khỏi vấp ngã.

Phần nhiều đều ngần ngại về nỗi chuyện từng cá nhân nhỏ nhoi, có gì đáng nói.

Giá mà có khả năng chuyên môn hoặc tài chánh, chúng tôi đã tập họp nhân sự và phương tiện để tìm gặp, phỏng vấn, lục lọi, ghi chép rồi phổ biến, để mọi người có cơ hội bổ túc, minh xác, đính chính, thanh minh,... ngõ hầu trở thành tài liệu đáng tin cậy cho các người viết sử cận và hiện đại của khoảng thời gian đầy oan khiên.

Nhưng hoàn toàn bất lực, chúng tôi đành nhắc lại lời ông Nguyễn Mạnh Côn. Và những tác giả của các cuốn sách nhỏ này thấy là hữu lý, đã không quản ngại, theo gót ông, "đem tâm tình viết lịch sử".

Nếu độc giả tìm được trong những cuốn này đôi chút chính xác về một sự việc, về một cá nhân để hình dung lại một lối sống, một dòng suy nghĩ, một hoàn cảnh của một thời đã qua hoặc, hơn nữa, để cảm thông trước khi luận công định tội, thì là chúng tôi đã đạt được nguyện vọng.

Ước mong sẽ nhận được thật nhiều những tài liệu tương tự, chúng tôi hứa sẽ cố gắng để chúng tới được tay độc giả, thực hiện tôn chỉ đã vạch ra và đạt mục đích mong muốn.

Kết quả là, tuần tự:

Sĩ Quốc viết cuốn Dĩ Vãng (320 trang, 10$00) ôn tập lại toàn bộ sự việc và nhân vật quan trọng đóng góp vào giai đoạn lịch sử đất nước từ đầu thế kỷ 19 đến hết thế kỷ 20: vai trò của nhà Nguyễn, của hào kiệt miền nam, rồi của văn thân, của cần vương, của đông du, của duy tân, của cách mạng trong việc chống Pháp để bảo vệ, rồi giành lại độc lập thống nhất cho quốc gia cũng như hình thành việc chuyển hóa nước nhà trên mọi bình diện.

Hoàng Thị viết cuốn Lũy Tre Xưa (330 trang, 10$00) với nhãn quan một thiếu nhi, một thiếu nữ, một thiếu phụ sinh ra và lớn lên trong cuộc đổi đời 1940-75 đầy khổ đau, nước mắt của dân tộc.

Hồng Vân viết cuốn Ðời Vào Thu (320 trang, 10$00) tiếp nối cuốn của Hoàng Thị, về cuộc đời một thiếu phụ trẻ phải cắn răng lìa bỏ quê hương khổ đau, liều chết để tới một vùng đất xa lạ chỉ vì tương lai của đàn con dại, bỏ tất cả những truyền thống tốt đẹp từng nâng niu lại quê hương xứ sở, dù biết chắc rằng sẽ không còn bao giờ còn có nữa.

Hoàng Hôn viết cuốn Mùa Thu Cuối Lối (370 trang, 12$00), sau khi đã vạch ra nỗi đau buồn của thế hệ, ông thấy rõ ràng đất nước bị cộng sản du vào một đường cùng không lối thoát, nhưng rồi tình cờ lại hé lên cơ hội để kiểm điểm lại sự việc và đề nghị những điều cần làm hầu quang phục quê hương, con người Việt Nam.

Tất cả đều tôn trọng ý kiến của Nguyễn Mạnh Côn, kể lại chuyện đời mình, một con dân tầm thường trong khuôn khổ quốc gia dân tộc. Toàn sự thực. Chẳng phe phái, không thiên vị, không bịa đặt, không suy tôn. Chẳng có gì để mà thổi phồng, thanh minh, gán ghép. Tất cả chỉ nói lên cái nhìn điển hình của người dân đối với mọi sự việc, mọi nhân sự trong việc xây dựng cũng như phá hoại giang sơn tiên tổ vào hai thế kỷ 19/20, nhất là thời gian 1945-75 vừa qua.

Mỗi cuốn sách đều có thể đọc riêng rẽ. Nhưng đọc toàn bộ 4 cuốn, người đọc chắc chắn sẽ có một sự hiểu biết khá rành rẽ, chân thực về việc về người của thời gian trên.

Nhà xuất bản cũng cho biết đang cố gắng để có những bản tiếng Anh tiếng Pháp của các cuốn này. Vì một mục đích quan trọng nữa là để người ngoại quốc cũng như người trẻ Việt hải ngoại không có khả năng đọc tiếng Việt hết bị nhầm lẫn về người Việt đất Việt chúng ta, do sự toa rập của tư bản cộng sản bỏ tiền ra sai bọn truyền thông quốc tế bôi nhọ, để đạt ý đồ đen tối của họ dùng đất nước ta làm nơi thực hiện cuộc so giò so cẳng trong cuộc chiến tranh lạnh của cái thế giới lưỡng cực vừa qua.

B. Phần tạp luận cũng 4 cuốn, bàn về những chuyện liên quan đến người Việt tị nạn tại hải ngoại. Ðây là phần bổ túc cho mấy cuốn trên. Mục đích là, bằng sự thảo luận, mang lại những hiểu biết trên mọi khía cạnh, về những sự việc, những con người hiện nay, để chúng ta có thể rút ra những quyết định sáng suốt trong việc quang phục quê hương, mang đến an bình ấm no cho đồng bào ruột thịt.

Ðây là những cuốn sách tập hợp các bài viết theo lời thúc giục của nguyệt san Người Dân.

Lại cũng xin trích dẫn:

Lời Nhà xuất bản

Trong lúc này, những ý kiến khác nhau của mọi tầng lớp ở khắp nơi cần được trao đổi và thảo luận một cách nghiêm trang, trong tinh thần thành khẩn, tôn trọng lẫn nhau, nhằm đạt sự đồng thuận về một mẫu mực tốt đẹp cho xã hội Việt Nam nay mai.

Nói cách khác, chúng ta muốn nghe từ nhau, nói với nhau về những khát vọng làm sao thúc đẩy lẹ hơn tiến trình sụp đổ của cộng sản, làm sao để đất nước ấm no, để tự do được tôn trọng, để dân chủ được thực thi?

Khi cộng sản đổ, vấn đề lớn lao cấp bách cho Việt Nam là làm sao hồi sinh được một dân tộc mệt mỏi, nghèo đói, mất niềm tin. Và từ đó, tạo dựng một đất nước ấm no, tự do, dân chủ.

Ðiều lầm lẫn lớn của những người dân bình thường là đã không phổ biến những ưu tư thắc mắc, những mong ước đòi hỏi bình thường nhưng vô cùng thiết đáo, khiến mọi việc đã được giải quyết một cách xa vời, không liên quan đến đa số, đúng hơn, luôn luôn thiệt hại cho đa số.

Do đó, những bài trong các cuốn sách này phản ảnh những suy nghĩ về cộng sản, về sự có thể cộng tác với người cộng sản trong việc xây dựng đất nước hay không, về những công việc người cộng sản, người thiên cộng, người không cộng sản, người chống cộng đang làm hiện nay. Những suy nghĩ này xét ra bổ túc cho quí vị người Việt xưa nay ít có thì giờ quan tâm về những vấn đề trên cũng như cho những người Việt trẻ tại quốc ngoại ít có điều kiện biết về đất nước, con người Việt Nam.

Thế cho nên:

Ăn Ốc Nói Mò (640 trang, 20$00) chia ra các đề mục:
- Vấn đề cộng sản - Nhân sự ngày nay - Câu chuyện hóa giải hận thù - Làm gì, nên chăng?

Nghĩ Quẩn Viết Quanh (610 trang, 20$00) gồm:
- Người, ngợm - Vụ, việc - Ðọc, viết

Cộng Sản Ðang Lừng Lững Trở Lại (650 trang, 20$00) nêu nguy cơ về: trí nhớ mỏng manh của những người tị nạn tại ngoại quốc huyễn tưởng một sự hòa giải với cộng sản; tính hoạt đầu ngây ngô của những kẻ làm chính trị hi vọng được chia xẻ với cộng sản; sự phản bội đất nước dân tộc của những kẻ lưu manh, miệng nói tranh đấu cho tự do, dân chủ, quốc gia, đồng bào nhưng thâm tâm chỉ lo cho quyền lợi bản thân, khiến cộng sản đang trên nguy cơ lung lay lừng lững trở lại ngự trị vững vàng trên quê hương đất nước.

Dân Nghĩ, Viết, Ðọc Và Nói gồm những suy nghĩ của những thường dân, những trao đổi chính kiến, những nhận định về các tác phẩm và những câu chuyện trào lộng, thơ ca hò vè của thường dân Việt về cộng sản.

Bài vở đều từ nguyệt san Người Dân, lấy từ số đầu trở đi, nên độc giả sẽ có một tập tài liệu đầy đủ để tra cứu về mọi chuyện thời sự chính xảy trên đất nước cũng như trên thế giới, từ ngày đất nước bị cưỡng chiếm cho đến hiện nay, cùng với nhãn quan của người Việt chân chính và sự thảo luận thành khẩn, nghiêm trang.

Mục đích của nhà xuất bản là để người Việt ngày nay ôn lại quá khứ hầu, từ đó, may ra, có thể hoạch định được tương lai. Có lẽ vì muốn sách được phổ cập rộng rãi, tôi thấy, giá đề luôn luôn ở mức 2/3 so với các nhà xuất bản khác. Các cuốn hơn 300 trang, thường giá là 15$00, thì chỉ đề 10$00. Các cuốn trên 600 trang, thường giá là 30$00, thì chỉ đề 20$00. Lại thêm hiện trong "chiến dịch đánh bại sách báo cộng sản tràn ngập", nhà tổng phát hành Sống Mới bớt 50% cho vị nào mua trên 100$00. Như vậy toàn bộ 8 cuốn của Người Dân là 122$00. Nếu mua, thì chỉ còn phải trả... 61$00, kiêm cả bưu phí.

Mười tô phở, một bao thư quan hôn tang tế (chỉ làm giầu cho hàng ăn của người Tàu!!!) Tôi không thể tượng tưởng được nhiệt tình và sự hi sinh của nhóm Người Dân. Và cũng lại không thể tưởng tượng được nếu các thân hữu và độc giả của họ không chi ra nổi sáu chục đồng để mua một bộ sách dày ngót 4000 trang, một tài liệu, ít nhất theo tôi, tràn đầy sử liệu trung thực, những nhận định xác đáng, những ý kiến độc đáo. Về văn phong, văn thể, nghệ thuật, tôi không đủ thẩm quyền để mô tả, vì mỗi người một sở thích. Nhưng chính tả, chấm câu, ấn loát, trình bày thì quả thật ít sách nào đạt tới mức độ của những cuốn này. Chỉ riêng những điều này đã chứng tỏ đức cẩn tắc, sự kính trọng của các tác giả, của nhà xuất bản, nhà phát hành đối với người đọc là thế nào.

Nếu mà rồi đây bộ sách này không được đón nhận như ước vọng của tôi, thì thú thực, tôi sẽ giã biệt mọi chuyện, kể cả chuyện đọc viết với Người Dân. Vì rõ ràng là tất cả những chuyện tôi mơ tưởng về người Việt chống cộng, người Việt tị nạn đến nay đều là ngớ ngẩn. Và các vị Người Dân cũng toàn thị ngớ ngẩn nếu cứ tiếp tục vác ngà voi. Họ nên dẹp đi là vừa.

Chuyện này cũng đã có nguời nhắc nhở rồi. Và người nhắc nhở đã bị xài xể. Tuy nhiên tôi không hề ngần ngại, vẫn sẵn sàng nhắc lại. Vì trong tình trạng mọi người coi 60$00 lớn hơn cả tấm lòng, công sức, tiền nong và sản phẩm của họ suốt gần 15 năm trời, mà họ vẫn cứ còn tiếp tục, thì quả là họ không thông minh gì cả. Mà tôi thì không thích liên hệ với những người kém thông minh.

Kết luận: Tôi thực sự lấy làm hân hạnh giới thiệu bộ sách mà, theo tôi, đã ghi lại cho mọi người, Việt và ngoại quốc, biết thế hệ chúng ta vẫn có những con người sáng suốt, trong sạch, nhìn ra sự việc. Do đó, ta cần có đủ toàn bộ trong tủ sách gia đình, cho người già, người trẻ hiện nay cũng như để làm tài liệu giá trị cho các thế hệ tương lai muốn biết những sự thật khách quan của lịch sử cũng như biết phải làm gì, làm như thế nào và ai có thể làm được cho đất nước và con người Việt Nam chúng ta.

Hơn nữa, tôi còn thấy có cái bổn phận đóng góp bằng việc mua sách cho tủ sách gia đình, giới thiệu, phổ biến tới thân bằng quyến thuộc để tiếp tay cho một công cuộc ích chung, có hệ quả lâu dài. Ðây là một quà tặng quí giá cả về lượng lẫn phẩm và đầy ý nghĩa trong bất kỳ trường hợp nào.

Và, tôi xin học theo Người Dân mà rằng: Vậy xin mời! Còn sự việc là tùy thuộc quí bạn.


%% Trở lại mục lục