LTS: Không biết cái cuộc thăm dò mà ông Cahrles Derber nhắc đến giá trị đến mức nào. Nhưng với người Việt chúng ta, thì có lẽ cũng đã thấy 95% thế giới "có giáo dục" cho "cụ Hồ" là ... vĩ nhân của nhân loại.
Ðệ nhất thế chiến, đệ nhị thế chiến, chiến tranh lạnh,... nếu không có "umpire" thì rồi sẽ ra sao? Nghe theo các ngài "ban the bomb, make love not war", thì rồi sẽ ra sao?
Tóm lại, chúng ta không thể chỉ nhìn vấn đề trong đoản kỳ. Mà cần xét về mặt trường kỳ, lâu dài.
Mọi vấn đề không giản dị như bề ngoài.
Từ lâu các chính khách hay dùng chữ liên lập (interdependence) thay cho chữ độc lập (independence) vì thực sự các nước trên thế giới ngày nay, kể cả siêu cường HK, không còn nước nào hoàn toàn độc lập nữa, phải sống dựa lẫn nhau. Có điều anh khổng lồ dựa anh tí hon thì anh tí hon bị bẹp dí, anh tí hon dựa anh khổng lồ thì anh khổng lồ không hề hấn gì, còn cảm thấy ấm áp, êm ái là đàng khác.
Vì thế đổ tội nước này, nước kia là đế quốc, thiển nghĩ quả là lỗi thời. Tiếng Anh "empire" (đế quốc) chỉ còn có thể áp dụng thật sát nghĩa cho lịch sử. Ngày nay "umpire", nghĩa là quyền đặt ra các quy luật của trò chơi, hợp thời hơn và hiệu quả hơn. Các cường quốc tranh nhau quyền này hơn là tranh nhau thuộc địa, ngay cả thị trường, bởi vì thao túng được quy luật là khuynh loát tất cả. Thử tưởng tượng ai đó có thể thay đổi quy luật thiên nhiên như từ trường, sức hút của địa cầu, trọng lượng, vân vân thì hẳn sẽ lên ngôi Thượng Ðế. Việc này chắc chắn sẽ còn lâu nhưng chắc hẳn là nhất định sẽ không xẩy ra, vì nào ai biết được con người còn đi đến đâu. Nhưng trước mắt có trong tay cái "umpire" thôi cũng tạm đủ xài, chưa làm được ông Trời thì cũng làm được ông Trời xử lý thường vụ.
Chủ thuyết toàn cầu hóa mà TT George W. Bush không bao giờ sao lãng đã thể hiện cái "umpire" Mỹ, rõ ràng nhất là khi ông tuyên bố "Ai không ở phía chúng tôi là chống lại chúng tôi". Ðấy là quy tắc căn bản của trò chơi toàn cầu hiện hành.
Các sự kiện dưới đây có thể kể ra như là một bằng chứng của cái quyền này. HK đã ký vào bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền LHQ năm 1948 nhưng lại phủ quyết bản Tuyên Ngôn về Quyền Phát Triển (Declaration of the Right to Development) năm 1990, tuy rằng quyền này (lương thực, nhà ở, giáo dục, việc làm, y tế, và các dịch vụ xã hội) đã được ghi tại điều 25 của bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền năm 1948, lấy cớ rằng "phát triển không phải là một quyền" (lời ông Floyd Abram, Ðại Diện HK tại UB Nhân Quyền LHQ).
Ký giả William Blum liệt kê 150 lần từ 1978 đến hết 1987 HK đã đơn phương hoặc cùng với một hay hai quốc gia bỏ phiếu "Không" tại Ð H Ð LHQ chống lại các nghị quyết liên quan đến hòa bình, giải trừ vũ khí hạch tâm, công bằng kinh tế và các vấn đề nhân quyền và phát triển khác, thí dụ: HK đơn phương chống lại nghị quyết 37/199 năm 1982 tuyên bố giáo dục, việc làm, y tế, dinh dưỡng và phát triển quốc gia là nhân quyền, trong khi 132 quốc gia chấp thuận; ngày 22.11.1983 HK đơn phương biểu quyết "không" cho nghị quyết 38/25 tuyên bố "quyền của mỗi quốc gia được lựa chọn hệ thống kinh tế và xã hội theo ước vọng của dân mà không bị can thiệp ở ngoài bất cứ dưới hình thức nào", trong khi 131 quốc gia bỏ phiếu "có"; ngày 20.12.1983 HK đơn phương biểu quyết "không" cho nghị quyết 38/187A khuyến khích tăngtăng cường thương thuyết để hoàn thành một tương thuận về việc cấm các vũ khí hoá chất và vi trùng, trong khi 98 quốc gia bỏ phiếu "có", ngày 12.12. 1984 HK đơn phương bỏ phiếu "không" 39/65 cấm các vũ khí hóa chất và vi trùng, trong khi 84 quốc gia bỏ phiếu "có"; ngày 13.12.1985 HK đơn phương bỏ phiếu "không" cho nghị quyết 40/114 tuyên bố "tính bất khả phân của các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị", trong khi 134 quốc gia bỏ phiếu "có"; ngày 4.12.1987 HK là một trong hai quốc gia biểu quyết chống lại nghị quyết 41/92 kêu gọi một "hệ thống bao quát cho hòa bình và an toàn quốc tế". Trong khi nhiều nước lớn họp bàn tại Tokyo và ký một hiệp ước về địa cầu bị hâm nóng, HK từ chối tham dự, cũng như không thừa nhận thẩm quyền của Pháp Ðình Hình Sự Quốc Tế đã được đa số quốc gia công nhận; ngày 7.12.1987 HK là một trong hai quốc gia không ủng hộ nghị quyết 42/101 kêu gọi một hội nghị về quyền nhi đồng.
CSVN đã có một kinh nghiệm đau thương trong một vụ chẳng thấm tháp vào đâu nhưng cũng liên quan đến cái "umpire" HK: Bộ Thương Mại HK ngày 27.1.2003 tuyên bố VN bán phá giá cá bông lau vào thị trường Mỹ cạnh tranh bất hợp pháp nên bị Hội Các Nông Gia Nuôi Cá Bông Lau Mỹ (Catfish Farmers of America) kiện và có thể chịu thuế phạt lên đến 64% trên các lô cá nhập cảng trong tương lai.
**
Những nạn nhân của umpire, cũng như những người có lương tri, không phải ai cũng mù lòa trước nguy cơ của việc cầm trịch này.
Serge Schemann trong bài "Where McDonaldỖs Sits Down with Arab Nationalists" đăng trên New York Times số ra ngày 2.2.2002, nhắc lại lời tuyên bố của Bill Gates tại Diễn Ðàn Kinh Tế Quốc Tế (WEF = World Economic Forum) ở Davos, Thụy Sĩ:
Chúng ta cần thảo luận về việc thế giới giầu có đang trả lại cái mà nó phải trả cho thế giới đang phát triển hay không. Tôi nghĩ rằng có một câu hỏi chính đáng rằng có phải chúng ta đang làm việc ấy hay không...
Nhà tỉ phú trẻ tuổi tài cao này ngự trong tòa nhà 100 triệu ở bờ hồ Bellevue, tb Washington, thừa biết câu trả lời là "không".
Ông hẳn còn nhớ cuộc bạo loạn gần nhà năm 1999 tại Seattle, tb Washington, xẩy ra trong khi các lãnh tụ trong Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO = World Trade Organization) đang họp bàn để tạo ra những quy tắc toàn cầu mới bảo vệ quyền tư hữu, nhằm đặt nền móng cho một chính phủ toàn cầu và một hiến pháp toàn cầu. Trọng tâm công tác của WTO là TRIPS (Trade-Related Intellectual Property Agreement = Thỏa Hiệp về Quyền Sở Hữu Tinh Thần Liên Quan đến Mậu Dịch), cho phép các công ty độc quyền định lại giá tại nhiều quốc gia, kể cả HK. Các siêu công ty dược phẩm được TRIPS bảo vệ có thêm ba năm độc quyền trước khi các công ty khác được phép tung ra thị trường các dược phẩm thay thế tương đương (generics) khiến dân Mỹ phải chi thêm hàng tỉ đô la. Dân các nước nghèo đành chịu chết. Khi có những vụ đầu độc bằng anthrax, nhà thuốc Bayer bán thuốc trụ sinh Cipro để chữa chứng ngộ độc này bằng giá cắt cổ, Gia Nã Ðại liền tuyên bố sẽ sản xuất thuốc tương đương thay thế giá rẻ hơn nhiều để đại chúng có thể mua được, như thế là vi phạm độc quyền của Bayer, lập ra một tiền lệ khiến cho WTO họp ở Qatar năm 2001 phải thừa nhận quyền của những nước bị bệnh dịch được phép vi phạm độc quyền chế tạo. Thừa thắng xông lên, cũng năm 2001 Brazil tuyên bố sẽ sản xuất một dược phẩm tương đương Viracept của nhà Roche để chữa bệnh AIDS. TRIPS bảo vệ cả những công ty khổng lồ hoạt động trong các ngành canh nông, kỹ thuật sinh học, tiếp thị, nhu liệu. Thỏa Hiệp về các Tiêu Chuẩn Vệ Sinh và Y Tế Thực Vật (SPS = Sanitary and Phytosanitary Standards Agreement) quy định người tiêu thụ phải chứng minh tính xác thực khoa học của sự nguy hại của sản phẩm chứ không phải là nhà sản xuất phải chứng minh sản phẩm của họ lành mạnh. Thỏa HiệpTổng Quát về Mậu Dịch Dịch Vụ (GATS = General Agreement on Trade in Services) bảo vệ quyền lợi của những ngành dịch vụ hái ra tiền của HK, từ AOL đến Microsoft. WTO có những tòa án xét xử chính phủ nào ra các luật lệ lao động và môi sinh vi phạm quyền sở hữu và lợi nhuận. "Bị cáo" không được tham dự "phiên tòa", nói chi đến biện hộ.
Những thắng lợi này chỉ có thể có được "nhờ" áp lực của biến cố 9.11 khiến cho những đại công ty có thế lực không dám chống lại, e bị vạch mặt là vô đạo, tham tàn là những đức tính cố hữu của chúng.
WTO quy tụ 148 nước hội viên trong số 184 nước hội viên LHQ nhưng bị Bắc Mỹ và 15 nước kỹ nghệ Âu Châu thao túng tự tiện đặt ra luật lệ, giá biểu quan thuế và chế tài. Mỹ lúc nào cũng chi phối WTO qua khối APEC (Hợp Tác Kinh Tế á Châu-Thái Bình Dương) và NAFTA (Tự Do Mậu Dịch Mỹ, Gia Nã Ðại và Mễ Tây Cơ). Ngày 11.9.2003 WTO họp ở Cancun, Mễ Tây Cơ, nhân dịp Âu Mỹ bất hòa vì tranh ăn ở Trung Ðông, hai khối của các nước đang phát triển có dịp lên tiếng phản đối: khối G-21 do Ba Tư cầm đầu và khối G-16 do bà Aziz, Mã Lai á lãnh đạo, được hơn 100 quốc gia ủng hộ, sau lại được Ấn Ðộ và Tàu có chung một thị trường 2.3 tỉ nhân khẩu hùa theo.
Hai tòa tháp song sinh của Trung Tâm Mậu Dịch Quốc Tế (World Trade Center) ở Nữu Ước bị đánh xập ngày 11.9.2001 (nay được mệnh danh là biến cố 9.11) biểu lộ một cách thô bạo lòng căm phẫn đối với Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế vốn được coi là biểu tượng của một chính quyền toàn cầu.
Hai biểu tượng khác cũng bị oán hận không kém.
Trong khi "Khối 77" Ở liên minh 134 tiểu nhược quốc, hầu hết là các cựu thuộc địa tại á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh, gọi chung là Thế Giới Thứ Ba Ở đang họp tại Trung Mỹ thì ngày 16.4.2002, tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn 20,000 người biểu tình đòi cải tổ toàn diện, nếu không thì giải tán, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF = International Monetary Fund) và Ngân Hàng Thế Giới (WB = World Bank, Mỹ có 60% cổ phần và có quyền phủ quyết). Hai tổ chức này cũng như WTO, bị coi là tay sai của một ảo chính phủ toàn cầu (shadow global government) bất công, tuy mang tiếng là những cơ quan tài trợ để giúp phát triển các nước nghèo. Những người biểu tình tại đây, cũng như tại Seattle, hiểu rằng cái giúp này không phải là bát cơm Phiếu Mẫu. Từ năm 2000, hai cơ quan quốc tế này bị nhiều nơi trên thế giới biểu tình phản đối: ở Ấn Ðộ, 20 triệu người biểu tình, ở Argentina 12 triệu, ở Nam Hàn 4 triệu và ở các nơi khác như Nam Phi, Nam Dương, Uraguay. Họ phản đối vì cho rằng chủ trương toàn cầu hóa, mà hai cơ quan này chủ yếu phụ trách thực thi, là sự hy sinh chủ quyền cho thị trường toàn cầu.
Có những tổ chức đối phó lại:
Diễn Ðàn Quốc Tế về Toàn Cầu Hóa (IFG = International Forum on Globalization) đã đề nghị hủy bỏ WTO, IMF và WB để tạo ra một loạt các định chế tài chánh và mậu dịch dân chủ hơn trong LHQ.
Một Pháp Ðình Quốc Tế về Bất Khả Hoàn Trái của LHQ (UN International Insolvency Court) sẽ cho các quốc gia thiếu nợ cơ hội thương thuyết để được xí xóa toàn thể hay một phần nợ.
Tổ chức Công Dân (Public Citizen) trụ sở ở Washington D.C. và nhóm Giao Dịch Toàn Cầu (Global Exchange) trụ sở ở San Francisco lãnh đạo các chiến dịch nhắm vào WTO, IMF và WB.
***
Giáo sư xã hội học của trường đại học cộng đồng Boston, Charles Derber, nhận định:
Toàn cầu hóa là vô chính phủ và là thiểu số chuyên quyền nhưng nó cũng đặt nền móng cho hệ thống hiến pháp toàn cầu đầu tiên của thế giới, một thế giới căn cứ trên luật pháp hơn là bạo lực. Như thế, toàn cầu hóa có thể trở thành chất xúc tác cho nền dân chủ toàn cầu. Nhưng chẳng may, toàn cầu hóa ngày nay không những chỉ ủng hộ nhiều quốc gia phi dân chủ , như Hồi Quốc và Ả Rập Saudi, mà còn càng ngày càng tập trung quyền lực vào những bí ẩn của những thị trường tài chánh toàn cầu và những thành phần ưu tú toàn cầu mới, được lãnh đạo từ Tòa Bạch ốc. Các chính phủ trên toàn hành tinh vẫn còn nhiều ảnh hưởng nhưng càng ngày càng tách rời khỏi những khát vọng địa phương của dân chúng. Các lãnh đạo quốc gia càng ngày càng hùng biện về sự hoa mỹ toàn cầu mới của dân chủ, nhưng họ lót túi của họ [nghĩa là biển thủ hay tham nhũng] và phục vụ quyền lợi của doanh nghiệp toàn cầu làm thiệt hại cho các nhu cầu của đa số trung lưu và nghèo đã bầu họ lên [11-2]
Trong khi dân chủ toàn cầu có thể nghe như một lý tưởng chủ nghĩa mộc mạc, các lãnh tụ chính lưu, nhất là sau 9.11, đã nói lên những quan ngại mới về các hiểm họa của trật tự hiện tại. Ngoại trưởng HK Colin Powell nói ở Diễn Ðàn Kinh Tế Quốc Tế ngày 1.2.2002 rằng chiến tranh chống khủng bố chỉ có thể thắng được bằng một cam kết mới để cho người nghèo trên thế giới được có quyền... Những ai có tiềm năng bị khủng bố chủ nghĩa hấp dẫn cần phải được cho thấy rằng có một phương thức tốt hơn [13-4]
Các chính quyền mạnh có cách để loan truyền một cách có kết quả nhãn hiệu của họ dán cho ai là khủng bố, nhất là trong những công dân của họ. Nhưng họ không nhất thiết thuyết phục được những nhóm khác. Thí dụ một cuộc thăm dò dân ý cho thấy 95% người Saudi có giáo dục ủng hộ bin Laden như là một chiến sĩ tự do cho các lý tưởng Hồi giáo, tuy rằng ông bị hầu như mọi người ở HK coi là một tên khủng bố và sát nhân... Khủng bố dưới mắt người này lại được người khác coi như chiến sĩ tự do [238].
Thí dụ nếu HK can thiệp vào để đơn phương lật đổ các chính phủ Iraq hay Iran như là những chính quyền khủng bố thì hành động ấy gần như chắc chắn là bị định nghĩa như là khủng bố tại thế giới Ả Rập và có lẽ ở nhiều nước khác. Một cuộc chiến chống khủng bố -khi từ ngữ này tràn đầy ý thức hệ như thế- do đó có thể tăng bạo hành toàn cầu và phát động khủng bố nhiều hơn...
Vì không có một thỏa thuận toàn cầu vững chắc nào về thế nào là khủng bố, cả trên mặt lý thuyết cũng như thực hành, không tránh khỏi nhiều người khắp thế giới sẽ không đồng ý về cách một nhà phân tích nào đó dùng từ ngữ này [239].
Dân nghèo ở Trung Ðông dễ tiếp thu khủng bố chủ nghĩa không phải chỉ vì họ nghèo mà vì họ tin rằng chính sách HK bất công một cách thô bạo trong hoàn cảnh Palestine, Iraq và khắp vùng. Quan niệm rằng chính sách đối ngoại HK có tính cách đế quốc được lan rộng trong cả giới nghèo lẫn giầu tại Trung Ðông và gây mầm oán hận Mỹ trong toàn dân, không cứ chỉ người nghèo... Người nghèo có nhiều lý do để ghét HK hơn người giầu và họ có ít hơn để mất khi thử bạo hành chống lại Mỹ <241>.
Tôi đã mạn phép ghi đậm những đoạn tôi cho là quan trọng và cần phụ chú thêm.
Toàn cầu hóa chỉ ủng hộ nhiều quốc gia phi dân chủ, bởi lẽ chỉ có những chính phủ phi dân chủ mới kết thân được với chính sách đối ngoại của HK và tỏ ra rộng rãi với các doanh nghiệp Mỹ. Lấy Ả Rập Saudi làm thí dụ. Nhà Saudi làm ăn với sáu công ty dầu lớn nhất của HK: Unocal, Texaco, ExxonMobil, Marathon, Conoco và Amerada Hess mỗi năm lời hàng ngàn tỉ đô la. Unocal hùng hạp với hai hãng dầu Saudi khai thác các bãi dầu Azerbaijan kiếm nhiều tỉ đô la. Năm 1998 Texaco công ty với Nimir Petroleum khoan giếng ở bãi dầu có trữ lượng 1,5 tỉ thùng. Năm 2001, chính phủ Saudi ký với các đại công ty HK một khế ước $25 tỉ để khai thác khí đốt. Nhà Saudi trả cho các lái súng HK hơn $30 tỉ trong thập niên 1990 và nhiều tỉ nữa cho việc huấn luyện, trang bị và điều hành của đủ ngành quân lực Saudi. Miếng mồi ngon này khiến HK nhắm mắt làm ngơ không đếm xỉa gì đến việc dân chúng Ả Rập thù ghét chính phủ của họ, quay ra ủng hộ Osama bin Laden. Ðó là nguyên nhân chính của nạn khủng bố.
TT Bush đem quân đi đánh A Phú Hãn rồi Iraq, lấy cớ là để đánh khủng bố. Ðánh khủng bố thì không ai phản đối, nhưng có thực đó là lý do không? Khủng bố không phải chỉ ở hai nước ấy mà ở khắp hoàn cầu, kể cả Mỹ. Hơn nữa, khi nói là đi đánh khủng bố, HK lại dùng những phương tiện và phương pháp có vẻ còn khủng bố hơn chính khủng bố rất nhiều.
Yvonne Daley viết trên tờ Boston Globe Magazine số 2.12.2001 rằng William Lederer, tác giả cuốn The Ugly American nổi tiếng, sau biến cố 9.11, đã nói:
Chúng ta hãy còn đang đánh những người nghèo, đói, phẫn nộ bằng bom và xe tăng khi cái mà họ thực sự đáp ứng là thực phẩm và nước, đường xá tốt, y tế và một chút kính trọng đối với tôn giáo và văn hóa của họ.
Không thể diệt khủng bố bằng súng đạn, máy bay tàu bò, chỉ có thể tận diệt được nó bằng sự công bằng toàn cầu. Khốn nhưng làm sao trông mong 458 tỉ phú Ở nắm trong tay nhiều của cải vật chất của thế giới hơn một nửa nhân loại Ở chấp thuận sự công bằng ấy. Trên cả thế giới có hơn 45,000 đại công ty với 300,000 tổ chức ngoại vi. Nhưng chỉ có 200 công ty toàn cầu, như General Motors, Shell, Citigroup, Sony, AOL, Time Warner, Exxon Mobil, Siemens, Mitsubishi, Microsoft chi phối kinh tế thế giới, làm chủ 90% bằng sáng chế của cả thế giới; 82 công ty đặt bản doanh tại HK, 41 tại Nhật, 20 tại Ðức, còn lại là Âu châu, Lợi nhuận của các công ty này từ năm 1983 đến 1997 tăng 22.4%. Số hàng các công ty này bán ra trị giá hơn cả kinh tế của 180 trong số 190 quốc gia trên thế giới cộng chung lại và trị giá 18 lần lợi tức của 1.2 tỉ người nghèo trên thế giới, bằng hơn 25% sức sản xuất của kinh tế toàn cầu.
Các công ty khổng lồ có mức thu nhập vĩ đại như thế lại còn được chính phủ trợ cấp. Theo kế toán gia và nhà phê bình các công ty Ralph Estes, trị giá các hình thức chính phủ HK nâng đỡ các công ty ước lượng hơn $2 ngàn tỉ cho năm 1994. Trong các cuộc bầu cử, các công ty đổ tiền ra cho các "gà nhà" của mình thắng cử vào những chức vụ ngon lành từ TT trở xuống, để khi quyền hành nắm trong tay, họ lại bày ra những luật pháp, chính sách giúp các công ty vơ vét tối đa. Nhiều công ty năng lượng như Erron đã hỗ trợ George W. Bush đắc cử TT rồi được tưởng thưởng trọng hậu bằng thế lực và những món tiền trợ cấp khổng lồ, khi Phó TT Cheney không chịu đưa ra danh sách những người đã góp ý lập ra chánh sách năng lượng của TT Bush, ông chẳng che đậy được gì, chỉ kích thích thêm phong trào xã hội đòi phá vỡ việc toa rập công ty và chính quyền. Tổ chức các công ty khiến cho Chủ Tịch Tổng Giám Ðốc (CEO) dù có đạo đức muốn giúp đỡ người nghèo cũng không được, vì sẽ bị các cổ đông đưa ra toà ngay lập tức về tội tẩu tán tài sản công ty. Ðứng trên bình diện quốc gia, TT HK cũng ở vào một vị thế tương tự.
Các TT từ Nixon đến Clinton đến Bush đều khẳng định rằng các quyền lợi sinh tử của Mỹ liên kết với sự bành trướng kinh tế toàn cầu và việc bảo vệ những nguồn tài nguyên thiết yếu như dầu Trung Ðông đòi hỏi sự can thiệp của siêu cường độc nhất của thế giới bất cứ khi nào cần thiết...
Trong Thông Ðiệp Tình Hình Quốc Gia năm 2002 TT George W. Bush khẳng định quyền Mỹ đơn phương can thiệp tại bất cứ nơi nào trên thế giới để chống lại đe dọa khủng bố mới. Ông quát lên: "Có những chính phủ sẽ nhút nhát trước khủng bố. Ðừng có lầm, nếu họ không hành động thì HK sẽ hành động"
Nhưng nếu HK không thiết tha đến việc nổi lên của một trật tự an ninh tập thể mới và chấp nhận những rủi ro kết hợp với việc chia sẻ quyền hành, rất có thể nó sẽ gây ra những rủi ro lớn hơn về bạo hành và khủng bố từ phía những người ghét Mỹ ngày càng nhiều ở khắp thế giới. Trong một cuộc du hành sau vụ tấn công Tháp Mậu Dịch, Thomas Friedman báo cáo rằng "bin Laden chạm đến một cái gì sâu thẳm trong tâm hồn Ả Rập Hồi giáo, ngay cả những người lên án các việc tàn sát của ông. Họ vẫn tin tưởng ông là người không sợ mãnh lực kiêu căng củ Mỹ.
****
Tài liệu nghiên cứu chính:
People Before Profit: The New Globalization in an Age of Terror, Big Money, and Economic Crisis (2002) của Charles Derber, nxb St. MartinỖs Press ở New York. Các con số trong ngoặc nhọn [ ] trong bài là số trang của tài liệu này.