Hoạt động trí vận của cộng sản tại hải ngoại

Ðại Dương

Vào tháng 6-03, Thứ trưởng Thường trực Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài, Nguyễn Ðình Bin đã hướng dẫn một Phái đoàn công tác liên ngành thăm Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại để công khai khởi động chiến dịch trí vận tại hải ngoại.

Trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân 23-06, Bin nói "hoạt động lớn và chủ yếu của đoàn là tiếp xúc, gặp gỡ rộng rãi với cộng đồng người Việt tại khu vực này". Thực tế, đó chỉ là những cuộc gặp gỡ với vài "nhúm" trí thức ở hải ngoại.

Sau đó, Hà Nội không-chính-thức cử các trí thức thuộc Việt Nam Cộng Hòa được lưu dụng; và nhà văn từng có nhãn hiệu "phản kháng" ra hải ngoại "thăm" bằng hữu. Mỗi loại mang một thông điệp khác nhau.

Giáo sư đại học Sài Gòn ngày trước cố gắng biện minh cho hành động hợp tác với chính quyền Cộng sản vì "muốn duy trì một nền học vấn và giáo dục cần thiết cho người Việt Nam".

Họ ngầm thuyết phục bằng hữu về hành động "yêu nước" mặc dù phải chịu nhiều thiếu thốn về vật chất; và trí thức tư sản vẫn có chỗ đứng trong lòng xã hội chủ nghĩa.

Ai cũng dễ dàng thông cảm từng hoàn cảnh cá nhân khi phải hợp tác với chính quyền Cộng sản vì bị kẹt. Tuy nhiên, sự hợp tác đó không hề mang lại những kết quả tích cực cho nền giáo dục tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Gần 4,000 trong số 1 triệu sĩ tử bị áp dụng kỷ luật tại trường thi, nhiều vụ thi thuê (thi hộ, thi kèm) trong đợt tuyển sinh đại học năm 2003 bị phát giác, tăng 37% so với năm 2002. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo Trần Văn Nhung cho rằng "con số đó chắc là chưa phản ánh hết tình hình thực tế". Và 87% thí sinh trúng tuyển chưa đạt 5/10 điểm.

Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông thuộc loại 5 sao với sĩ số 3,000 tại Hà Nội đã thú nhận chỉ có 20% học sinh chuyên cần. Nhưng, học sinh phải thi lại hoặc lưu niên chỉ đếm trên đầu ngón tay, do chỉ thị phải đạt tỉ lệ 90% lên lớp. Một học sinh đã lột chiếc đồng hồ đeo tay "xịn" để đánh cá với Hiệu trưởng "mặc dù hơi lười, nhưng, cá với thầy là con sẽ đỗ". (Theo báo Tiền Phong 26-08). Ðỗ hay hỏng không do học lực mà tùy theo chỉ tiêu của nhà nước và địa vị xã hội của thân nhân.

Báo Lao Ðộng 30-09-03 loan tin công trình "Tải trọng và tác động [do sóng và do tàu] lên công trình thủy" mang mã số TCN 222 do Công ty khảo sát thiết kế giao thông biên soạn được Bộ Giao thông Vận tải ban hành từ năm 1995 đã bị phát giác là ăn cắp nguyên xi từ 2 công trình nghiên cứu của Liên Xô công bố năm 1977 và 1983. Tiến sĩ Trương Ðinh Hiển, nghiên cứu viên cấp cao Phân viện Vật lý tại TPHCM, cho biết "TCN 222 giống hoàn toàn so với công trình của Liên Xô từ cách trình bày, nội dung cho đến những biểu đồ, phép tính giả định".

Nơi trường thi lo quay, cóp. Trong nghiên cứu đành phải ăn cắp nguyên xi công trình của kẻ khác.

Tờ Nhân Dân than phiền về tình trạng chưởi thề, nói tục phổ biến tự nhiên khắp mọi giai tầng trong xã hội hiện nay.

Nền giáo dục tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nằm trong vòng kiểm soát của đảng bộ Khối Khoa giáo từ trung ương tới địa phương được thành lập từ năm 1982. Toàn đảng bộ có 4,067 đảng viên rải khắp 345 chi bộ. Khối cơ quan Khoa giáo Trung ương tập họp hầu hết các trí thức khoa học đầu ngành của cả nước. (Theo Tạp chí Cộng Sản số tháng 9-03).

Vì thế, sự hợp tác của trí thức tư sản, kể cả lĩnh vực giáo dục cũng không thể làm thay đổi bản chất nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Do tình trạng yếu kém của ngành đại học nên mới đây Hà Nội tung tin sẽ lập Ðặc khu Giáo dục để mời gọi đầu tư ngoại quốc, nhất là chuyên viên hải ngoại. Vài chuyên viên giáo dục của người Việt hải ngoại đã được phỏng vấn, như trường hợp Giáo sư Phan Huy Ðạt của Orange Coast College. Bài phỏng vấn do Tạp chí Tia Sáng thực hiện được báo Giáo dục và Thời đại loan tải ngày 10-07-03

Trong tham luận đăng trên báo Nhân Dân 17-07-03, Tiến sĩ Trần Bích Liên hô hào lập "Ðặc khu giáo dục" sau khi so sánh "chi phí đào tạo 1 sinh viên đại học tại Việt Nam chỉ 300 USD so với 84,000 của Nhật Bản, hoặc 18,000 của Thái Lan".

Nhà văn "phản kháng" Nguyên Ngọc mang thông điệp này ra nước ngoài vào dịp trung tuần tháng 9-03.

Thông tư Liên tịch ngày 28-09-03 cho biết Nhà nước hỗ trợ 1,015 triệu đồng cho Hội Văn nghệ các Dân tộc thiểu số về các hoạt động văn học. Nguyên Ngọc là nhà văn Tây Nguyên chắc phải có liên hệ?

Ðảng viên cộng sản Nguyên Ngọc viết nhiều tác phẩm như Ðất nước đứng lên; Rẻo Cao; Trên quê hương những anh hùng Ðiện ngọc, Ðất Quảng; Mạch Nước Ngầm để ca tụng công lao "giải phóng" dân tộc của đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau năm 1975, Nguyên Ngọc công tác báo Văn nghệ Quân đội, rồi Bí thư đảng đoàn Hội Nhà văn VN. Năm 1987, làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Nhà văn VN. Cuối năm 1988, bị Ban thư ký Hội Nhà văn đảo chính cung đình. Từ đó, Nguyên Ngọc chuyển sang dịch sách viết về Tây Nguyên của Jacques Dournes, người Pháp từng sống 30 năm tại đó.

Nhiều năm trước, Hà Nội làm rùm beng quyết định cho phép thành lập Ðại học Dân lập khiến lắm kẻ phấn khởi. Tiếc thay, đầu năm nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã tiếp thu Ðại học Dân lập với lý do cần chấn chỉnh bê bối. Hiện nay, không thấy Ðại học Dân lập nào khác xuất hiện.

Vài năm trước, Công ty trách nhiệm hữu hạn và dịch vụ pháp lý đã ký hợp đồng với Ðại học Tổng hợp Quốc gia Xum-ski, Ukraine để đào tạo sinh viên và hậu Ðại học tại Hà Nội và Quảng Ninh với sự đồng ý của thẩm quyền Việt Nam.

Nhưng cuối năm 2002, khi Công ty báo cáo đang triển khai thực hiện hợp đồng, thì Bộ Ðại học và Ðào tạo ra lệnh ngưng tuyển sinh vì chưa được sự chấp thuận của giới chức thẩm quyền. Lời qua tiếng lại rồi cũng chìm xuồng.

Tương lai của Ðại học tự trị [Tây Nguyên] do Nguyên Ngọc mớm lời với hải ngoại có thoát khỏi số phận những kẻ đi trước hay không?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Lao Ðộng 30-09-03 sao không tiếp tục viết về Tây Nguyên, Nguyên Ngọc cho biết "Cũng cố thử đấy chứ, nhưng, cứ được vài ba câu là trở lại giọng điệu Ổanh hùng caỖ. Tìm một giọng điệu mới để phản ánh hiện thực mới hình như là điều tôi không làm nổi".

Liệu kẻ không từ bỏ được ảo tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng con người có thể làm gì cho việc giải phóng trí tuệ?

Chiến dịch trí vận tại hải ngoại đã mở màn. Nhiều loại "bạn bè" khác nhau sẽ tìm đến. Người Việt hải ngoại sẽ nói gì với họ.

Bằng hữu gặp nhau nên nói thẳng để họ biết chúng ta nghĩ gì về chính quyền trong nước cũng như bản thân của khách khứa. Nói lên sự thật, không cần tuyên truyền, chính là cách chọc thủng bức màn dối trá do nhà nước và những kẻ tham gia dày công dựng lên.

E dè khiến họ nghĩ rằng chúng ta bị mặc cảm vì đã bỏ nước ra đi để tìm sự vinh thân phì gia, quên sự thương đau của dân tộc như những lời kết tội có hệ thống của Hà Nội.

Họ nên biết một sự thật không thể chối cãi là sự hợp tác với cộng sản đã không đem hạnh phúc, ấm no cho dân tộc.

Thái độ vo ve của chúng ta có thể làm cho căn bệnh kiêu ngạo cộng sản trỗi dậy khiến cho họ mang ảo tưởng về vai trò cứu nhân độ thế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Và chỉ có họ mới xứng đáng là người yêu nước, bất chấp Việt Nam vẫn đang là một trong những quốc gia nghèo đói nhất thế giới.

Xa lìa, ly khai với chính quyền Cộng sản chính là hành động yêu nước thực sự và không tiếp tay phá hoại quê hương, đàn áp đồng bào.

Sự thực đó cần nói cho bằng hữu biết, dù có gặp phải những cái chau mày khó chịu. Họ cần mang loại thông điệp thẳng thắn để tự vấn lương tâm khi trở về dưới mái nhà xã hội chủ nghĩa./.


%% Trở lại mục lục