Những bài chính trị kế tiếp nhau, kéo dài lê thê trong không khí buồn chán và buồn nôn, trong tiết trời oi bức ngộp thở cùng với những cái ngáp đến chảy nước mắt và gần trẹo quai hàm, những cái gãi háng gãi nách tưởng như rách da rách thịt. Bọn quản giáo, đứa nào cũng như đứa nấy, nói phét một tấc đến giời, xuyên tạc cùng cực, nghe xong chỉ muốn đi rửa tai ngay. Phần lớn những tên quản giáo có điệu bộ và mặt mũi chẳng giống ai, nhìn đã thấy bẩn mắt. Trong bọn Quỷ Kiến Sầu (nghĩa là nhìn thấy cũng phát buồn, tên một nhân vật của Kim Dung) này, nổi bật nhất là Công-Coọc và Tư Bảo mà tôi đã nói đến ở những bài trước. Một hôm vào cuối giờ, một bạn mạnh bạo đứng lên hỏi huỵch toẹt Công-Coọc:
- Các anh nói là chúng tôi đi học tập cải tạo một tháng thì về, sao đến bây giờ đã hơn hai tháng mà chưa được về?
Tên quản giáo, đôi mắt ti hí sau cặp kính lão, chiếc mũi tẹt dí chun lại, đôi môi thâm dày vén lên, cái miệng rộng ngoác cười nham hiểm, giải thích bằng thổ âm miền bể Sơn Nam Hạ ngọng nghịu, lẫn lộn một số mẫu âm n và l (en-nờ nùn và en-nờ cao), x và th, t và ch, d và r...:
- Cách Mạng chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc, nhưng không phải là hòa cả làng. Chúng tôi và các anh chiến đấu một mất một còn ngoài mặt trận, nay Cách Mạng đã toàn thắng. Tổ Chức bắt được các anh. Tổ Chức khoan hồng cho các anh theo truyền thống của tổ tiên, khoan hồng ngay cho cả quân xâm lược. Cách Mạng đã khoan hồng cho cả những tên xâm lược Pháp và những tên đế quốc Mỹ bị bắt làm pơ-ri-ron-li-ê đờ ghe-rơ (prisonniers de guerre). Dù sao các anh cũng là máu mủ ruột thịt tại sao Tổ Chức lại không khoan hồng? Cách Mạng chủ trương hòa hợp hòa giải mà. Tổ Chức có khoan hồng cho các anh thì mời tập trung các anh lại để giáo dục các anh trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Bọn đế quốc Mỹ tuyên truyền là Cộng Sản vào thì miền Nam này có tắm máu. Các anh có thấy banh đờ thăng (bain de sang) không? Trong mấy chục năm các anh đã phạm không biết bao nhiêu là tội ác với nhân dân. Nhân dân đang căm hận các anh, đang đòi các anh phải trả nợ máu. Nếu gặp các anh, đồng bào sẽ xử lý các anh ngay. Vì vậy Tổ Chức phải tập trung các anh lại để dễ bảo vệ các anh hơn. Ðấy là Cách Mạng làm một việc nhân dạo, hợp tình hợp lý, hòa hợp hòa giải dân tộc. Còn nói là các anh đi học tập một tháng, Cách Mạng có nói thế bao giờ? Cách Mạng lúc nào cũng trước sau như một, không bao giờ sai lời. Tổ chức chỉ ra thông cáo là mỗi anh đem theo tiền ăn một tháng. Có đúng thế không? Bây giờ đã qua một tháng, Tổ Chức phải nuôi các anh, Tổ chức vừa gặp khó khăn trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ nên còn nghèo. Nuôi các anh tốn kém lắm chứ, nhưng vì tình ruột thịt, nghĩa đồng bào, vì hòa hợp hòa giải dân tộc, Tổ Chức phải cố gắng. "Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống (?) nhưng chung một giàn". Tổ Chức cũng muốn các anh học tập chóng xong còn về tăng gia sản xuất, xây dựng đất nước. Về sớm hay muộn là do thái độ của bản thân các anh và gia đình các anh. Học tập càng tốt thì càng về sớm. Cách Mạng không bỏ một ai. Còn anh nào muốn hỏi nữa không?
Thế là rõ ràng. Dzậy mà không phải dzậy. Nhiều người trong chúng tôi ngồi lặng đi, mặt chảy dài thiểu não. Tên Công-Coọc đi đi lại lại trên bục giảng, đôi mắt lươn không rời chúng tôi lấy một giây, miệng tủm tỉm cười điếm đàng, y hệt thái độ của một thằng ăn cắp vừa móc được hầu bao của bác nhà quê khờ khạo mới ra tỉnh. Phải chăng nó là con cháu bà Tú Ðễ?