Hiện ở Philippines, còn lại ngót hai ngàn người Việt tị nạn, đó là những người vượt biển tới Philippines sau hạn định 14 tháng Ba năm 1989, không chứng minh được là tị nạn chính trị, mà cũng không tình nguyện hồi hương. Họ thuộc trong nhóm người được Giáo Hội Công Giáo Philippines xin chính phủ Manila đừng cưỡng bức về Việt Nam.
Toàn thể số người này mong mỏi được đi định cư tại một nước thứ ba nhưng tới giờ, tình trạng của họ vẫn chưa được cứu xét ổn thỏa.
Trước vụ việc đó, luật sư Trịnh Hội đã đứng ra vận động với cơ quan thẩm quyền, đồng thời giúp về mặt pháp lý cho những đồng bào vừa kể. Kết quả cho tới giờ, hơn 500 người trong số đồng bào ấy đã được định cư. Vào trung tuần tháng trước, nhóm thiện nguyện của luật sư Hội đã sang Philippines để xúc tiến việc giúp đồng bào lập hồ sơ yêu cầu tái cứu xét đơn xin định cư tại đệ-tam-quốc-gia.
Ðối với những người Việt tị nạn, còn kẹt lại ở trên đất Phi thì hiện có hai vấn đề đang diễn ra:
1- Là làm hồ sơ yêu cầu tái cứu xét đơn xin định cư tại đệ-tam-quốc-gia. Việc này, nhóm thiện nguyện của luật sư Hội đang nỗ lực giúp họ.
2- Trong khi đó, nếu Thượng Viện Philippines thông qua dự luật thường trú cho nhóm người này, theo sự vận động của Sơ Pascale Lê Thị Tríu, thì họ sẽ phải ở lại vĩnh viễn trên đất Phi. Cơ hội đi định cư có thể bị cắt đứt, là điều mà không người nào trong số đó muốn. Họ đã thổ lộ như vậy với các ký giả tháp tùng theo đoàn của luật sư Trịnh Hội vừa mới sang Phi.
Trong mấy ngày mà đoàn thiện nguyện này đến Philippines thì lại có một diễn tiến nữa, là một văn kiện của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, về vấn đề thâu nhận người tị nạn cho tài khóa 2004, đã được Thượng Viện thông qua. Trong văn kiện, có định nghĩa về diện P-2 bao gồm việc giải quyết cho số người Việt tị nạn còn lại ở Philippines.
Anh Ngụy Vũ, người đã hoạt động nhiều về vấn đề thuyền nhân, và là một phóng viên trong đoàn thiện nguyện sang Philippines vừa rồi, đã thuật lại những điều mắt thấy tai nghe mà anh ghi nhận trong chuyến đi đó.
Nói tóm lại, trong lúc này, khi mà Thượng Viện Hoa Kỳ bật đèn xanh để cơ quan di trú cứu xét và nhận người tị nạn, nếu dự luật thường trú ở Philippines chưa thông qua, trong khi nhóm luật sư thiện nguyện nỗ lực hoàn thành các hồ sơ xin tái định cư cho đồng bào tại Phi, thì cơ hội cho họ đi định cư tại đệ-tam-quốc-gia đã hé mở sau những năm dài mong mỏi.