. . . . . . . . . . . . .
4. Hồi Giáo Mông Cổ: TAMERLANE
Giữa tk XII, dân tộc Kara-Khitay gốc Mông Cổ chiếm Transoxiania của nhà Karakhanid, nằm giữa sông Jaxartes và sông Oxus, và thiết lập một đế quốc trải dài từ sông Oxus đến sông Yenisei và biên thùy Tàu. Năm 1141, sultan Sinjar của nhà Seljuk Thổ tổ chức jihad chống lại nhưng bị thua và đến năm 1157 ông chết, thì triều đại Seljuk cũng bắt đầu suy vi.
Mùa xuân năm 1206, hoàng tử Mông Cổ Temujin, tước hiệu là Jenghiz Khan (Thành Cát Tư Hãn) triệu tập các bộ lạc Mông Cổ tại thượng nguyên sông Onon, phất ngọn cờ trắng viền chín cái đuôi yak, mở màn cho một cuộc chinh phục chưa từng có trong lịch sử nhân loại, năm 1215 đông tiến tấn công Tàu, năm 1217 tây tiến tấn công Thổ. Các dân tộc Thổ không theo Hồi giáo và các bộ lạc nam Tây Bá Lợi á cùng quy phục dưới trướng. Năm 1218, quân Mông Cổ chiếm đất của người Kara-Khitay, vượt sông Oxus, chiếm Marv, Nishapur, năm 1219 tràn vào đông Iran.
Ðại hãn Jenghiz Khan bây giờ ngự ở Bắc Kinh, ra lệnh cho cháu là hoàng tử Hulagu đem kỵ binh vượt sông Oxus tràn qua Iran chiếm hết đất của Hồi giáo đến tận Ai Cập. Bị gián đoạn mấy năm sau khi Jenghiz Khan chết (1227), quân Mông Cổ lại tiếp tục xâm lăng tây Iran, Georgia, Armenia, bắc Mesopotamia (1240), đụng độ và áp đảo quân của sultan Anatolia (Thổ) của nhà Seljuk. Tháng 1.1258, quân Mông Cổ quay về Lưỡng Hà rồi tàn phá và hôi của ở Baghdad, ngày 20.2.1258 bắt được caliph al-Mustasim, đá ông đến chết và giết cả nhà ông cùng với 800,000 dân, tuyệt diệt nhà Abbas, là lãnh tụ của Hồi giáo Sunni trong 5 thế kỷ. Sau này, trong công hàm gửi vua Louis IX của Pháp đề nghị bang giao, Hulagu chỉ nhận giết có... 200,000! Các quốc gia phía nam đều hàng phục quân Mông Cổ, tránh được tàn phá và hôi của. Hulagu đặt kinh đô ở Azerbaijan, tự xưng là il-Khan (tiểu Hãn) và Iran trở thành Ilhan quốc (Ilkhanate). Cho đến khi ông chết vào năm 1265, hàng triệu dân Iran đã bị giết hay chết đói. Hai năm trước, Ibn Taymiyyah ra đời sẽ để lại dấu ấn cho đến tận thời đại của chúng ta ngày nay.
Lúc đó người Mông Cổ đã theo Hồi giáo. Ibn Taymiyyah (1263-1328) là một người quá khích chống lại nhà cầm quyền Mông Cổ. Các luật gia Hồi giáo quy định là dân chúng phải tuân lệnh các nhà cầm quyền địa phương nếu họ được caliph công nhận. Ibn Taymiyyah chủ trương rằng sau 4 caliph đầu tiên thì không còn caliph nào khác nữa; rằng dân chúng phải trung thành với nhà cầm quyền các nước Hồi giáo khác nhau, dù có được công nhận hay không, miễn là phải diễn dịch giáo luật Shariah một cách nghiêm chỉnh; rằng thế quyền và thần quyền phải là một; rằng không sống theo Shariah là tội lỗi nhất; rằng người Mông cổ dù đã theo Hồi giáo vẫn là những người không có đức tin và cần phải bị tấn công và trấn lột.
Ðể chứng minh ông là một người cải cách và là người hùng jihad, ông nói xấu Ghazan Khan là cháu nội Hulagu Khan đang cai trị Baghdad, dù đã được một người Sufi là Shaykh al-Juwayni chuyển hóa thành người Hồi giáo mộ đạo. Ông cũng tuyên chiến với Sufi giáo, phái Shia và triết học Hi Lạp; bài khích những người hành hương lăng và mừng lễ mawlid an-nabi (đản sanh) của Muhammad. Càng nói ông càng tỏ ra ngu dốt về nhiều vấn đề, nhưng đặc biệt nhất là ông luôn luôn đem những điều quá khích ra dọa nạt. Ông làm áp lực để ép al-Nasir đang cai trị Syria khai chiến với Ghazan Khan. Ông bị các vị có thẩm quyền tôn giáo cao cấp nhất lên án, bị tống vào tù và chết ở đó. Chết rồi ông vẫn còn di hại cho đến mấy trăm năm sau vì ông là nguồn cảm hứng cho Muhammad ibn Abdul Wahhab (1703-1787) sau này.
Vì Ghazan Khan được một người Sufi chuyển hóa nên Sufi giáo thịnh hành để xoa dịu những đau khổ, tang tóc do chiến tranh gây ra. Họ tổ chức thành những dòng tu, gọi là tariqa, tụ tập để học hỏi và cầu nguyện gọi là dhikr, tức là Nhớ đến Thượng Ðế.
Những người theo Baba Rexheb Beqiri (1077-1166) người Ba Tư truyền bá Sufi giáo sang tận Algeria, Kosovo, Chechnya, tranh đấu để bảo vệ Hồi giáo và tự do của dân chúng ở đó. Những người theo Sayid Ahmed Rifai (chết năm 1182) người Iraq, nổi tiếng về tục xiên lình, lấy dao cắt thịt, nuốt than hồng và chơi với rắn độc để biểu diễn lòng tin. Ahmad Yasavi người Turkestan là người đem Sufi giáo vào Trung á vào tk XII dạy cách thiền kiểu Phật giáo. Giáo phái này sau có thêm một chi do Muhammad Bahauddin Naqshband sinh năm 1317 gần Bukhara thành lập, cùng với phái của Qadri, còn tồn tại cho đến ngày nay. Thi sĩ người Thổ Hajji Bektashi Wali sinh năm 1248 tại Khorasan ở Iran lập ra một giáo phái tương tự Tantra Ấn giáo, cho phép uống rượu và đề cao vai trò của phụ nữ trong giới giáo sĩ, rất thịnh hành ở Hung Gia Lợi thời bị Thổ cai trị. Ðệ tử của ông là Ballem Sultan chuyển hóa Sultan Bayazid II. Từ giáo phái do Omer Halvet thành lập phát sinh những chi phái của Cerrah, Bayram, Gulsheniy, Niyazi Misri. Phái Saadi Jibaw xuất phát từ Palestine; phái Shaza từ Bắc Phi. Ahmed Badawi sinh tại tỉnh Fez, Morocco sau rời sang Ai Cập có những hành trì cực đoan như phái Rifai. Giáo phái Chishti thành lập ở Syria đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Hồi giáo tại Ấn Ðộ. Quan trọng nhất là phái Mawlawi do thi sĩ Rumi (1207-73), nghĩa là Người Âu Châu, tuy sanh ở Balkh, A Phú Hãn, thành lập, nổi tiếng là các ông đạo quay vì vừa trì chú (dhikr) vừa đứng một chân quay vòng tròn. Sufi giáo phát triển mạnh nhất trong đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau các cuộc xâm lăng của Mông Cổ, Trung Ðông Hồi giáo chia làm ba trung tâm quyền lực chính: Iran, Thổ và Ai Cập. Ở Iran, các khan Mông Cổ về sau theo Hồi giáo nhưng vẫn giữ dân tộc tính và truyền thống Mông Cổ. Các vua Thổ theo Hồi giáo cũng bị ảnh hưởng nặng bởi văn hóa Iran Mông Cổ. Các sultan Mamluk đa số gốc Thổ trị vì Ai Cập tuy chống lại được cuộc xâm lăng của người Mông Cổ nhưng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa của họ. Ngoài ra còn có hai hãn quốc (khanate) sau cũng theo Hồi giáo, ở Trung á và ở Nga. Hãn quốc Nga gọi là Hãn quốc Kim Mã đa số dân là người Thổ Kipchak.
Ở Trung Á, Timur, biệt hiệu là Lang (đi khập khiễng, lưng gù), tức là Tamerlane (Thiết Mộc Chân hay Thiết Mộc Nhi: 1336-1405), thuộc một bộ lạc Mông Cổ, Tatar, đã được Thổ hóa, nói tiếng Thổ và theo Hồi giáo, lấy một công chúa nhà Thành Cát Tư Hãn, thống lãnh đoàn quân hỗn hợp Mông Cổ và Thổ, năm 1370 khởi nghĩa chiếm Transoxania và Khwarezm; năm 1380 tràn vào Iran; hai lần chiến thắng Hãn quốc Kim Mã; càn quét Ấn Ðộ; sát nhập Iraq; xông vào Syria, cướp phá Damascus, bắt sultan Mamluk thần phục; năm 1394 và 1400 xâm lăng Anatolia (Thổ); 1402 đại thắng quân Ottoman ở gần Ancyre (Ankara ngày nay), bắt được sultan Bayazid; năm 1405 đang chuẩn bị tấn công Tàu thì chết. Ðế quốc vĩ đại của ông tan rã, hậu duệ của ông chỉ còn trị vì ở đông Iran và Transoxania.