NgD: Việc Hoa Kỳ "tái hồi Kim Trọng" tại Việt Nam tất nhiên là do vấn đề Ðông Nam á và Trung Cộng. Chúng tôi đăng bài sưu khảo này để các thân hữu/độc giả có tài liệu theo dõi.
1.4. Những người xâm nhập khu vực Á châu gió mùa
Như chúng tôi vừa trình bầy ở tiết trên, những chủng người khác xâm nhập khu vực á Châu Gió Mùa. Họ gồm ba chủng: Hắc Ấn, Anh-Ðô-Nê và Nam Mông.
Người Hắc Ấn (MLANO-INDOUS) có vóc hơi dưới trung bình, khoảng 1,62 thước, da rất đậm, gần như đen. Tóc cũng đen, dài, uốn thành cuộn, nhưng không xù. Ðầu dài, mặt ít nhiều thanh tú với mũi trung bình, môi đầy đặn nhưng không tều.
Có lẽ họ xuất hiện khoảng trước cuối thiên kỷ thứ IV. Gốc gác ở một miền nào đó ở phương tây, họ vượt qua những đèo của dãy Hindou-Kouch mà lọt vào miền Punjab, rồi từ đó lan rộng ra khắp tây-bắc Ấn Ðộ và bán đảo Deccan. Ðó là tổ tiên trực tiếp của người Tamil, người Télougou, người Kanara... hiện nay ở nam bộ Deccan và bắc bộ đảo Tích Lan. Người ta có thói quen gọi chung những nhóm người này là người Dravidiens.
H-V.Vallois phát biểu rằng người Hắc Ấn có những đặc tính trung gian giữa người Da Trắng và người Da Ðen. Một vài nhà nhân chủng học khác lại đặt họ vào người Loại Cô-Ca, và chính xác hơn nữa là chủng Ðịa Trung Hải (race méditerranéenne). Một số nhà nhân chủng học khác nữa lại đặt họ vào đại chủng Da Ðen (groupe de races Négroides) mà họ là cái cầu nối giữa người Ðen Phi Châu và người Ðen Ðại Dương Châu. Herbert H.Gowen lại có ý kiến khác: Người Dravidiens buôn bán với người Sumériens ở lưu vực sông Euphrate, giữa họ với nhau có lẽ có một ái lực chủng tộc ràng buộc. Vẻ mắt xếch của những bức tượng tìm thấy ở Telloh cho ta nghĩ đến mối liên hệ giữa người Sumériens và người Mông Cổ.
Người Hắc Ấn và người Munda (một bộ phận của chủng Nam Mông) đã cùng nhau tạo được một nền văn minh huy hoàng từ cuối thiên kỷ thứ IV đến giữa thiên kỷ thứ II trước CN, đồng thời với nền văn minh sông Nil của người Ai Cập và nền văn minh hạ lưu sông Euphrate của người Sumériens, Ðấy là nền văn minh sông Ấn (Indus). Những nhà khảo cổ học đã phát hiện được ở Mohenjo-Daro và Chanhu-Daro bên tả ngạn sông Ấn, ở Harappa bên sông Ravi, ở Bihar và Nadoho bên sông Hằng vết tích một nền văn minh lớn mà tính đồng bộ với những chứng tích ở vùng Lưỡng Hà Ðịa (Mésopotamie) cho phép người ta đặt thời tột đỉnh của nó là khoảng giữa năm 2.800 và năm 2.500 trước CN. Nền văn minh này bị lung lay bởi những cuộc xâm lăng của những đám người Ấn-Âu (Indo-Européens), rồi bị tiêu diệt bởi người A Lợi An Phệ Ðà (Ârya vêdiques),- cũng là một bộ tộc Ấn-Âu,- vào giữa thiên kỷ thứ II trước CN.
Tại những thành thị, nhất là Harappa và Mohenjo-Daro, dân chúng được hưởng một sự sung túc cực độ, những tiện nghi đầy đủ, lòng tín ngưỡng tôn giáo trọn vẹn: Kế hoạch hóa đô thị hợp lý với những dãy nhà thẳng hàng, những chợ, những nhà hội họp, những bể bơi, với hệ thống dẫn nước và thoát nước; Nền khoa học kỹ thuật đặc sắc với khoa thiên văn, khoa kiến trúc, cách tính nhị thập phân (numération vicésimale), với việc làm kim loại (đồng vàng, đồng đỏ, vàng, bạc) và đá bán quí (ngọc thạch jade, ngọc bích lapis lazuli, mã não đỏ cornaline); những đồ dùng thường nhật đem lại sự thoải mái với dao cạo râu bằng đồng, gương đồng, kim, lược ngà, lược đồi mồi; Chữ khắc trên những con dấu (chưa ai đọc được); Tôn giáo nguyên thủy với việc sùng bái Ðại Nữ Thần, với việc thiền (yoga).
Trong những làng xung quanh, nền văn minh ấy đã chứng tỏ tính phi thường, tính trác tuyệt của người xưa: Nền nông nghiệp dựa vào lúa mì (blé) và lúa mạch (orge), với những nhà kho chứa nông sản, cái cân; Công cuộc dẫn nước vào ruộng với những mương dẫn, đê bằng đá và đập ngăn; Việc chăn nuôi bò, cừu, heo, gia cầm; Hệ thống giao thông với những sông đào, thuyền, xe do bò kéo; Nghề dệt vải bông và len, nghề làm đồ gốm sơn nhiều màu và đồ sứ...
Những hài cốt đào được ở lưu vực sông Ấn không cho phép người ta biết rõ được những thành phần cấu tạo cư dân vùng này vào thời cổ. Tuy vậy, người ta vẫn có thể nghĩ tới bốn hoặc năm phần tử: người Loại Úc và người Cổ Ðịa Trung Hải (Paléo-Méditerranéens, có da đậm màu, tóc đen và thẳng, đầu dài, mặt hẹp, mũi thẳng và gồ) là nền tảng của dân chúng, người Ðịa Trung Hải (Méđiterranéens), và trên hết là những phần tử có đặc tính Mông Cổ. René Grousset đã nói rõ ràng rằng cư dân da nâu bị chinh phục bởi người A Lợi An gồm hai nhóm ngôn ngữ khác nhau: người Munda và người Dravidiens. D.G.E.Hall cũng phát biểu rằng, khi mới tới Ấn Ðộ, người A Lợi An gặp một nền văn minh với hai yếu tố Munda và Dravidien.
Người ANH ÐÔ NÊ (INDONSIENS) có vóc nhỏ, từ 1,55 đến 1,60 thước, thân mình cân đối. Da nâu đậm hoặc lợt. Ðôi khi nơi mông đít trẻ sơ sinh có vết chàm (tache mongolique), nó lặn hết sau vài ba năm. Tóc đen, gợn sóng nhiều hay ít. Lông thưa. Ðầu trung bình với chỉ xuất giữa 77 và 79. Mặt hình thoi với gò má hơi cao. Mắt đen, ngang và không có mí một. Mũi rộng nhưng không tẹt, với sống mũi thẳng, nhưng cũng có khi võng vào, cũng có khi gồ. Môi hơi dày nhưng không tều.
Vị trí của chủng Anh Ðô Nê trong môn nhân chủng học được bàn luận đến nhiều. Một số nhà nghiên cứu như De Quatrefages, A.C.Haddon, G.Montandon, V.Eickstedt cho rằng họ thuộc đại chủng Da Trắng, hoặc thật chính xác là chủng Ðịa Trung Hải. G.Olivier coi họ như một chủng nguyên thủy mà những nét phân hóa của ba đại chủng Da Vàng, Da Ðen và Da Trắng chưa phân biệt rõ. H-V.Vallois phát biểu rằng: Ðơn giản là nên coi họ như một chủng Da Vàng có những đặc tính giảm thiểu tối đa, và họ gần với cái gốc của nhân loại hơn hết những chủng Da Vàng khác. Nhưng ta cũng có thể coi chủng Anh-Ðô-Nê là một chủng trung gian giữa những người Da Vàng và những người Loại Úc; thật vậy, có thể đây là kết quả của sự hỗn chủng giữa hai nhóm người này trong thời cổ.
Cái từ ngữ "Indonésiens" mà các nhà nhân chủng học thường dùng để chỉ một giống người ở Ðông Nam á có vẻ không được ổn vì nó gây ra nhiều ngộ nhận. Người ta có thể nhầm lẫn với người dân của nước Indonésie tức là người Nam Dương. Một số những nhà nhân chủng học Pháp lại gọi những người Indonésiens sống trong xứ Indochine (Ðông Dương) là Proto-Indochinois (tức là Tiền Ðông Dương, ngày nay chúng ta gọi là người Thượng Tây Nguyên). Có người lại gọi là Proto-Malais (tức là Tiền Mã Lai) chỉ vì họ có nét Mã Lai, là Kolariens chỉ vì họ là tổ tiên trực tiếp của người Kol, người Bilh bên Ấn Ðộ. Cách dùng danh từ riêng như thế gây nhiều khó khăn cho những người muốn tìm hiểu vấn đề. Ở đây, muốn cho rõ ràng, chúng tôi dùng từ ngữ phiên âm "Anh Ðô Nê" để chỉ giống người đó (mà bỏ hết các từ ngữ Indonésiens, Proto-Indochinois, Proto-Malais, Kolariens).
Người Anh Ðô Nê có lẽ phát tích từ cao nguyên Tây Tạng, theo những giòng sông lớn như sông Tây Giang, sông Hồng, sông Cửu Long, sông Nộ Giang (Salouen), sông Irrawađy mà vào Hoa Nam và Ðông Dương từ cuối thiên kỷ thứ V hoặc trước nữa. Rồi đến giữa thiên kỷ thứ II, một nhóm tiếp tục hành trình để sang những hải đảo ông Nam á và những đảo Thái Bình Dương. Nền văn hóa uyên nguyên của họ, trước khi chịu ảnh hưởng nền văn hóa của người Loại Úc, có lẽ cũng chẳng khác gì nền văn hóa của người Nam Mông. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng rất có thể người Anh Ðô Nê chỉ là một nhóm người Nam Mông đi tiên phong, gặp người Loại Úc và hỗn chủng sâu đậm với họ để tạo ra một chủng mới: chủng Anh Ðô Nê, có cả những đặc tính chủng tộc Loại Úc lẫn những đặc tính chủng tộc Nam Mông.
Nền văn hóa đồ đá giữa Hòa Bình của người Loại Úc được người Anh Ðô Nê tiếp thu và phát triển thành nhiều nền văn hóa đồ đá mới (cultures néolithiques): Bắc Sơn ở Bắc Việt (có niên đại từ 6 đến 8 ngàn năm), Quỳnh Văn ở bắc Trung Việt (5 ngàn năm), Kbalromeas ở Cao Mên (từ 5 đến 7 ngàn năm). Mặc dù có sự hiện diện của vài ba vật qúy bằng đồng thau, đồng mắt cua, căn bản của đồ vật của những nền văn hóa này vẫn là thuộc thời kỳ đồ đá mới.
Người NAM MÔNG (SUD-MONGOLS) có vóc dưới trung bình, từ 1,57 đến 1,65 thước, thân mình và tứ chi mảnh. Da có nền vàng, thay đổi từ trắng ngà đến vàng ngả sang nâu. Tóc đen, cũng có khi nâu đậm, thường thẳng và cứng, nhưng cũng có khi gợn sóng hoặc quăn. Thân thể rất ít lông, và râu thưa. Ðầu tròn rõ ràng với chỉ xuất biến đổi từ 81 đến 83. Mặt hơi rộng và tròn, với gò má hơi cao và hàm đôi khi hơi vẩu. Khe mắt dài vừa phải và hơi xếch, nhưng mí một ít khi có. Mũi hơi ngắn, thấp nơi gốc mũi. Dáng đi nhẹ nhàng. Tóm lại, họ có những nét Mông Cổ rất giảm thiểu.
Về phương diện văn hóa, người Nam Mông chia làm hai ngành, một ngành mang theo rìu đá mài có mộng (hache à tenon) và ngành kia mang theo rìu đá mài chữ nhật. Có lẽ cả hai ngành đều phát tích từ cao nguyên Tây Tạng, và đồng thời với người Anh Ðô Nê, họ theo những giòng sông lớn hoặc vượt những đèo của rặng Hy Mã Lạp Sơn mà tỏa ra như hình rẻ quạt để lấp kín gần hết khu vực á Châu Gió Mùa vào thời cổ. Rồi họ chỉ còn thu lại vùng Ðông Nam á và những vùng lân cận mà thôi. Người ta chia chủng Nam Mông làm sáu tộc: Miêu Tử (Miao Tseu), Môn-Khmer tức Nam á (Austro-Asiatique), Tạng-Miến (Tibéto-Birmane), Thái, Mã Lai (Malaise) tức Nam Ðảo (Austronésienne) và Việt-Mường. Ngoài ra, người ta còn thêm người Tàu miền Nam và người Nhật miền Nam.