Thư về quốc nội
(liên quan đến biểu tình ở Úc)

Ðại Dương

Anh Dân,

Trên trang nhà của đài BBC có dán nhiều ý kiến dị biệt liên quan đến vụ 12,000 người Việt ở Úc Ðại Lợi biểu tình chống lại đài truyền hình SBS hôm 02-12-03, vì đài này đã tiếp vận chương trình VTV4 của Cộng sản Việt Nam.

Anh cho biết đã đọc kỹ, sao nỡ dùng đũa bếp cạy miệng nhau?

Tôi cố gắng ghi lại một số dữ kiện lịch sử cũng như thực tế để cùng so sánh, đối chiếu, suy ngẫm.

Những chữ trong [.....] được trích từ các ý kiến dán trên trang nhà đài BBC hôm 02-12-03.

Tựu trung, có thể đúc kết 3 vấn đề chính được trình bày trong các bài viết: tự do thông tin; dân chủ tự do; dân tộc và chế độ.

Cộng đồng người Việt tại Úc đã tiếp xúc với Ban Giám đốc đài truyền hình SBS nhiều lần và bị bội ước. Thông cáo báo chí của Hội Ðồng Quản trị ngày 05-12-03 nêu rõ [lấy làm tiếc là SBS đã vô tình, nhưng không thể chấp nhận được, không giữ lời hứa tham khảo ý kiến với đại diện cộng đồng Việt Nam].

Các cuộc biểu tình phản đối diễn ra tại nhiều thành phố lớn vào cuối tháng 10 và cuối tháng 11-03 cùng với kháng thư gồm 28,000 chữ ký đã bị SBS coi thường từ lời phát biểu của Giám đốc không thích xem thì tắt TV.

Mục đích chính của cuộc biểu tình tại Sydney nhằm phản đối đài truyền hình SBS đã dùng tiền của người thọ thuế mà lại cung cấp món ăn tinh thần không hợp khẩu vị.

Thông cáo báo chí viết [Hội Ðồng Quản Trị đã ra lịnh cho Ban giám đốc SBS lập tức đình chỉ phát hình chương trình Thời Sự đồng thời tham khảo với mọi thành phần trong cộng đồng Việt để tìm kiếm một chương trình truyền hình tiếng Việt thích hợp hơn cho nhu cầu đa số đáng kể trong cộng đồng người Việt ở Úc].

Người Việt tại Úc không nhất thiết phải nói chuyện với VTV4 như lời khuyên hãy gửi ý kiến đóng góp, không thì tắt tivi đi không xem nữa, bởi vì SBS mới là kẻ quyết định và chịu trách nhiệm về các chương trình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Nội hy vọng SBS sẽ cân nhắc việc hợp tác với VTV4 vì đại đa số người Việt tại Australia rất hoan nghênh. Tuy nhiên, không trưng dẫn được bằng cớ như cuộc biểu tình ủng hộ hơn số lượng 12,000 người; hoặc đưa kết quả từ cuộc thăm dò dư luận; hoặc Ủng hộ thư trên 28,000 chữ ký. Nhóm chữ đại đa số của người phát ngôn Hà Nội chỉ là [con số ảo], không phù hợp với tinh thần thông tin trung thực.

Có kẻ giận dữ: ba mươi năm gần đủ, bao nhiêu người sống trong nước chịu khó chịu khổ đóng góp âm thầm xây dựng đất nước đẹp hơn những ngày trước 1975! Các người không hiểu rõ sự hùng mạnh của thời đại miền nam năm 1974 và sự trong sạch của các chính khách những năm đó ra sao ư? Có cần dẫn chứng không?

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong năm 2003 đang sống nhờ vào các món tiền sau: 2.6 tỉ mỹ kim kiều hối; 2.3 tỉ đầu tư ngoại quốc; 3.2 tỉ từ dầu thô; 1.5 tỉ do lao động nước ngoài; 2.5 tỉ từ viện trợ. Tổng cộng khoảng 12 tỉ mỹ kim cho 80 triệu dân trong cảnh thanh bình, không bị chiến tranh tàn phá.

Ngoài ra, cải cách hành chính, pháp luật, chương trình xóa đói giảm nghèo, một số dự án xây dựng cơ sở, thậm chí cả kế hoạch nghiên cứu tình trạng tham nhũng cũng đều do ngoại quốc tài trợ.

Phần lớn các hộ kinh doanh gia đình cũng nhờ sự góp vốn của người Việt hải ngoại.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên tục bị xếp hạng nghèo đói nhất thế giới. Mức sống của dân chúng và sự phát triển của Việt Nam vẫn kém xa các quốc gia trong khu vực hàng chục năm như thú nhận của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Với số tiền trên, Hà Nội đã nợ nước ngoài 14.1 tỉ mỹ kim so với 35 tỉ tổng sản lượng nội địa. Nợ của khu vực quốc doanh lên tới 12.2 tỉ mỹ kim. Thất thoát trong các dự án xây dựng cơ sở lên tới 11,000 tỉ đồng. Số tiền nợ và thất thoát to lớn đó đã chui vào túi tham nhũng thuộc mọi cấp chính quyền. Bất cứ nhà phân tích nào trên thế giới cũng tin rằng số nợ và thất thoát còn tăng gấp bội nếu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn bị xếp hạng tham nhũng nhất nhì trên thế giới.

Tổng Bí thư Ðỗ Mười nhượng bộ những gì cho Ðại Hàn để nhận 1 triệu mỹ kim trong chuyến công du? Và các nhà lãnh đạo cao cấp nhận được bao nhiêu hoa hồng nào ai biết vì tình trạng bưng bít thông tin.

Hà Nội đã bí mật nhượng hải cảng Cam Ranh cho Liên Xô từ năm 1979 đến 2004 không phải trả xu nào, do Chánh văn phòng Ðiện Cẫm Linh tiết lộ khi cùng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga thăm Việt Nam năm 2001.

Công hàm ngoại giao năm 1958 Phạm Văn Ðồng năm 1958 thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Ðông đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa cũng như lấn chiếm biên giới và Vịnh Bắc Bộ qua 2 Hiệp định gây phẫn nộ công khai cũng như ngấm ngầm trong thâm tâm người Việt Nam từ hải ngoại cho chí quốc nội.

Hà Nội gán tội cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mang ra ngoại quốc 16 tấn vàng. Sự thực, số vàng đó vẫn nằm trong tay các nhà lãnh đạo cộng sản đã chia nhau bỏ túi hoặc mang trả nợ chiến phí cho Liên Xô vẫn chưa được bạch hóa.

Việt Nam Cộng Hòa nhận từ 500 triệu tới 800 triệu viện trợ hàng năm với 25 triệu dân trong tình trạng chiến tranh. Từng viên đạn tự vệ cũng tính vào tiền viện trợ. Cầu mới xây bị phá sập, đường mới làm bị đào cũng chi dụng bằng số tiền nói trên. Nhưng, mức sống của dân chúng và sự phát triển tương đương với các quốc gia thanh bình trong khu vực.

Việt Nam Cộng Hòa được xếp vào hạng các quốc gia đang phát triển như nhiều tiểu quốc trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn nằm trong số các quốc gia kém phát triển mặc dù được sự chi viện to lớn của toàn thể Khối Cộng. Tác giả cuốn The Rise and Fall of Soviet Empire ước lượng Mạc Tư Khoa đã viện trợ hàng năm cho Hà Nội khoảng từ 2 đến 4 tỉ mỹ kim.

Việt Nam Cộng Hòa cũng chưa từng bị xếp vào hạng nghèo đói nhất thế giới.

Chưa có nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa nào đã nhận hoa hồng 1 triệu mỹ kim từ người ngoại quốc như Ðỗ Mười mặc dù các phóng viên ngoại quốc ác cảm hiện diện thường trực tại Sài Gòn sẵn sàng moi móc.

Ðến nay, chưa có tài liệu chứng minh Chính phủ Sài Gòn đã bán Cam Ranh cho Mỹ như những lời tuyên truyền rỉ tai trong thời chiến tranh. Quân đội Hoa Kỳ hiện diện tại Cam Ranh vì nhu cầu chiến sự và đã chuyển giao cho Quân đội Việt Nam Cộng Hòa khi cường độ tham chiến giảm xuống.

Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã giữ gìn lãnh hải và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho tới khi sức cùng lực kiệt trước một cuộc chiến không cân sức giữa tiểu quốc và khối cộng sản quốc tế.

Các cơ quan truyền thông tại các quốc gia dân chủ nằm trong tay tư nhân, không dùng tiền thuế của dân để tuyên truyền cho chính quyền hoặc đảng phái. Nhân viên của họ không do chính phủ hoặc đảng phái trả lương. Vì không lệ thuộc chính quyền nên thẳng tay phê bình chỉ trích từ chính sách cho đến nhân sự để xã hội lành mạnh và tiến bộ. Vì cạnh tranh nên phải loan tin chính xác, trung thực để giữ khách hàng. Phóng viên, bình luận gia không bị chính quyền trừng phạt vì các ý kiến chỉ trích, công kích.

Ngược lại, hệ thống truyền thông tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa là công cụ của 2.5 triệu đảng viên cộng sản lại sống nhờ vào tiền thuế của 80 triệu dân và tài sản quốc gia. Tất cả cán bộ truyền thông đều do chính phủ quản lý. Nhiệm vụ của họ là tô hồng thành tích của Nhà nước đã tác hại vô cùng nghiêm trọng đối với đất nước, dân tộc và xã hội.

Thắng lợi của công cuộc "Cải cách ruộng đất" 1953 tại miền Bắc đã phá hủy toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp và làm thiệt mạng hàng trăm ngàn nông dân.

Phong trào hợp tác hóa với những thành tích to lớn do truyền thông loan báo không che dấu được sự thất bại thảm hại của các nông trường, công trường, hợp tác xã.

Chính sách công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đã phá hủy tinh thần của dân tộc khiến cho sản xuất trì trệ bà bức tử biết bao doanh nhân.

Không một lời chỉ trích, chỉ có ca tụng và góp ý nhẹ nhàng đã là nguyên nhân khiến cho các nhà lãnh đạo xa rời thực tế và sống trong ảo giác thành tích.

Loan tin trung thực đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế của ngành truyền thông văn minh. Ði ngược lại trào lưu sẽ bị đào thải.

Thư đã dài. Xin hẹn anh lần sau.


%% Trở lại mục lục