7. Ả RậP SAUDI = ALSAUD + AL SHAYKH
Ả Rập Saudi tuy là một quốc gia Hồi giáo nhưng không theo giáo phái Sunnah cũng chẳng theo giáo phái ShiỖa. Quốc giáo là Wahhab giáo (Wahhabism), một thứ Hồi giáo cơ bản chủ nghĩa quá khích.
Nhà Al Shaykh (al-Sheikh) gồm các hậu duệ của Shaykh Muhammad ibn Abdul Wahhab. Ông thuộc bộ lạc Banu Tamim (trước kia nhiều thành viên của Khawarij cũng thuộc bộ lạc này) sinh năm 1703 ở Uyaynah thuộc vùng Najd (có nghĩa là cao nguyên) ở trung tâm Ả Rập, mùa hè cực nóng, mùa đông cực lạnh, chỉ có dân Bedouin thường lùa gia súc đến gặm cỏ, nhưng sau lại thành một địa phương quan trọng vì kinh đô Riyadh được kiến thiết gần đấy. Từ nhỏ tính khí ông quái gở đến nỗi cha và anh (tên là Suleyman), là những học giả Hồi giáo, phải sợ, gọi ông là Thiên Lôi và cảnh giác mọi người đề phòng ông. Thiếu thời ông chu du đến Basra, Baghdad, Damascus, Kurdistan, Iran, Ấn Ðộ, định thành thương gia nhưng không được vì vừa quê mùa vừa cục cằn; không thành công trên thương trường nhưng trong những chuyến đi giang hồ ấy ông gặp vài người Anh; họ khuyến khích ông về tham vọng chính trị cũng như nói xấu Hồi giáo. Chẳng bao lâu hai bên thấy thanh toán đế quốc Ottoman là chí hướng chung.
Thu thập được một đám nô lệ Phi Châu làm cận vệ, ông kéo về quê nhà Najd, từ 1737 đến 1740 thuyết pháp được một số người theo (gọi là Wahhabi), phần lớn là những người trẻ tuổi trong họ hàng của ông. Ðã nhập tâm chủ thuyết của Ibn Taymiyyah (đã nói đến trên đây), ông kêu gọi bàn dân thiên hạ ở các tỉnh phồn thịnh vùng Balkan và Thổ, các cổ thành Syria, các cố đô ở Iran và Trung á, các vùng núi non Morocco, Phi Châu nhiệt đới, các đảo xa xôi và Ấn Ðộ mênh mông, tất cả phải tuân phục thứ Hồi giáo ông tưởng tượng ra là nguyên thủy như có từ thời ngôn sứ Muhammad; do đó ông kết tội đế quốc Ottoman, đã trị vì thế giới Hồi giáo từ hơn 200 năm, là phản đạo và hô hào mọi nơi chống đối. Chứng cớ ông đưa ra là cách đó 50 năm, năm 1683 Ottoman đã bị quân Ki tô giáo đánh cho thảm bại tại Trận Vienna (nghĩa là không được Allah bênh).
Giáo lý của ông tóm tắt lại có ba điểm: 1/ nghi thức quan trọng hơn ý định; 2/ cấm cung kính người chết; 3/ không cầu nguyện qua trung gian của Ngôn sứ hay các thánh. Ông còn quy định những chi tiết tỉ mỉ như phải cầu nguyện vào những giờ được ấn định trước, phải cầu nguyện thế nào, trong tư thế ra sao, phải làm lễ xin theo đạo lần thứ nhì tức là lần theo giáo phái của ông, lên án việc hành hương Mecca để viếng lăng Muhammad ở Medina và việc cử hành mawlid an-nabi (lễ khánh đản Ngôn sứ), cấm viết tên ngài trong các đền, các đền không được trang trí bằng bất cứ cái gì; cấm cạo và tỉa râu vì như thế là làm dáng, cấm âm nhạc. Ông tuyên bố là đã sống thánh thiện không kém Muhammad, có khi còn hơn nữa. Anh ông là Suleyman còn tố cáo là ông muốn thêm một khuyến chế vào năm cột trụ Hồi giáo là Ibn Abdul Wahhab không thể sai lầm; ai không tin theo ông đều bị lên án là phản đạo, phải bị giết, vợ và con gái bị hiếp và tài sản bị tịch thu; các giáo phái Hồi giáo như ShiỖa, Sufi đều bị xét là không chính thống và cần phải tiêu diệt và những tín ngưỡng khác phải bị hạ nhục và hủy hoại. Ông ra lệnh đào mả các thánh Hồi giáo, rắc xương ra đường và lăng tẩm dùng làm cầu tiêu công cộng; đốt nhiều sách trừ có kinh Koran; ra lệnh ném đá một phụ nữ ở Uyaynah bị tố cáo là hoang dâm. Những chủ trương của ông rất hấp dẫn đối với đám du đãng sa mạc.
Năm 1744 Ottoman ra một thánh chỉ (fatwa) truy lùng Muhammad Ibn Abdul Wahhab. Cả gia đình lẫn quê hương đều có phe theo phe chống nên ông không về quê Najd được, phải chạy về làng Dariyah trốn.
Dariyah nằm về phía bắc, cách Riyadh (có nghĩa là vườn chà là) 15 cây số, trong một quận lúc đó được cai trị bởi Muhammad ibn Saud của nhà Al Saud, gốc Bedouin thuộc tộc Bani Hanifah, là một vùng khô cằn sỏi đá, dân chúng lạc hậu chỉ có một kế sinh nhai là ăn cướp. Năm 1747 Shaykh Muhammad ibn Abdul Wahhab và Muhammad ibn Saud liên minh với nhau lập ra một chính phủ thô sơ, chia nhau người cưồng tín nắm quyền tôn giáo, kẻ đạo tặc nắm quyền chính trị. Hai nhà này lại cưới gả con cái cho nhau để tình thân hữu thêm bền vững và hậu bối chung của hai nhà sẽ cha truyền con nối nắm trong tay cả thần quyền lẫn thế quyền, duy trì quyền lực và vơ vét của cải.
Năm 1765 Muhammad ibn Saud chết, con là Abdul Aziz ibn Abdul Rahman al Saud đã lấy Tarfad, con gái của Sheikh Abdullah ibn Abdul Lateef là qadi (chánh án), lãnh tụ ulema (giới giáo sĩ) và là dòng dõi huyết thống của Muhammad ibn Abdul Wahhab, lên nối ngôi, đến năm 1788 kiểm soát được phần lớn bán đảo Ả Rập. Năm 1792 Shaykh Muhammad ibn Abdul Wahhab chết, Abdul Aziz toàn quyền, trong ba năm cướp phá Medina, Syria và Iraq, tha hồ cướp bóc, hãm hiếp dân lành, nhất là những người theo Shi'a ở Hasa, một vùng ở ngay phía đông của Najd vì đã từng miệt thị các giáo điều Wahhabi và nhất là vì giầu có hơn dân Bedouin ở Najd. Năm 1801 bọn Wahhabi tấn công thánh địa Karbala của Shi'a, phá lăng Hussein, cháu nội Muhammad và hôi của. Năm 1803 Abdul Aziz bị ám sát chết, con là Saud bin Abdul Aziz nối ngôi
Năm 1802 bọn Wahhabi tấn công Mecca, thống đốc Ottoman là Sharif Ghalib Effendi trốn về đồn Taif, tổ chức dân quân kháng chiến xong lẻn đi Jedda cầu viện, để lại Taif cho 10,000 côn đồ Wahhabi dưới quyền chỉ huy của tên du đãng Salim ibn Shakban bao vây, dụ dân Taif ra hàng, hứa tính mạng được bảo toàn và phụ nữ không bị xâm phạm tiết hạnh, xong lại bất ngờ công đồn vào giết nam phụ lão ấu không sót một người, cướp phá, lấy cả bìa thánh thư bằng da mạ vàng để làm dép. Rồi họ tiến về Mecca; Sahrif Ghalib đánh đuổi nhưng sau cũng phải dâng thành. Bọn Wahhabi xuống chiếm nốt Medina, cướp kho tàng báu vật của Muhammad, các thánh thư, mỹ thuật phẩm, tặng vật tích lũy từ 1000 năm, phá các đền đài và nghĩa địa, cấm hành hương.
*
Ðến đây phải mở một dấu ngoặc để trình bầy về tầm quan trọng quốc tế của những nước nhỏ nhưng giầu vì dầu ở bán đảo Ả Rập. Ðiểm đặc biệt của họ là: 1/ dân các nước này coi nhau như anh em, cùng chung tổ tiên, cùng chia sẻ một di sản, nên có tranh chấp thì cũng chỉ là những chuyện cãi cọ trong nhà và các nước có truyền thống hỗ trợ nhau: năm 1982 Ả Rập Saudi viện trợ Bahrain $600 triệu, UAE cũng viện trợ cho Oman, và Kuwait cho Yemen; nhiều nước còn viện trợ cho các nước Hồi giáo không phải là Ả Rập; 2/ nhờ vị trí địa dư dân các nước này từ xưa đã có những thương thuyền đi đến Iran, Iraq, Ethiopia, Hồi Quốc, Ấn Ðộ, Tàu để buôn bán; người Bồ Ðào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hòa Lan, Anh đã đến vùng này để buôn bán cũng có, để mưu toan lập thuộc địa cũng có, vì thế dân chúng phóng khoáng, quen tiếp nhận những tư tưởng và cách sống từ các chân trời xa lạ; 3/ việc tiếp thu các văn hóa ngoại lai còn được tăng cường bởi lực lượng lao động mà các nước này phải nhận để đáp ứng nhu cầu, đông đến độ nhiều khi dân địa phương thành thiểu số, thí dụ ở Kuwait 60% dân số là người ngoại quốc, ở Qatar tỉ lệ cứ 3 người thì 2 là ngoại quốc, ở UAE, đi cả ngày nói chuyện với cả trăm người vẫn chưa gặp được 1 người bản xứ; vì tiền kiếm được hàng ngày ở đây có khi bằng 50 lần tiền kiếm được ở quê hương nên rất nhiều người nhập cảnh lậu hay cư trú lì (danh từ VC để chỉ việc không chịu về nước khi chiếu khán đã hết hạn). Dĩ nhiên sô sát văn hóa không tránh được, cũng như ảnh hưởng tiêu cực của những công nhân ngoại quốc vì trong số ấy cũng có nhiều tay giang hồ tứ chiếng.
Bahrain tuy tự nhận là người anh em nghèo, bơm được có 44,000 thùng dầu một ngày so với 9 triệu thùng của Ả Rập Saudi và 1 triệu của Kuwait, nhưng lại là nước tiền phong ở Trung Ðông về nhiều mặt: bơm dầu đầu tiên, có phi trường đầu tiên, dùng vệ tinh viễn thông đầu tiên, có TV mầu đầu tiên, đầu tiên phát triển hệ thống giáo dục công lập. Nước này cũng có nhà máy lọc để lọc dầu cho Ả Rập Saudi, có bến cạn để tu bổ, bảo trì các siêu thuyền chở dầu của Na Uy, Ðức, Ðại Hàn, Hi Lạp, Iraq; dùng khí thiên nhiên từ các bãi dầu cho kỹ nghệ biến chế nhuôm nhập cảng từ Úc và quặng sắt từ Ấn Ðộ, Brazil và Peru. Kỹ nghệ ngân hàng và du lịch phát triển mạnh.
Qatar năm 1948 tìm được bãi dầu Ghawar lớn nhất địa cầu, không những trả tiền cho bệnh nhân đi trị bệnh ở nước ngoài mà còn trả lương cho một người đi theo để săn sóc nữa; những chi phí này và các chi phí khác do tiền cho khai thác dầu mỗi năm lên đến $2 tỉ cho một dân số chỉ có 60,000 người.
UAE thu $15 tỉ tiền dầu, đầu tư vào nhiều dự án vĩ đại như phi trường, hải cảng, khách sạn, siêu thị, khu chung cư, nhà máy xi măng, nhưng phần nhiều là không thực tế vì vượt quá xa nhu cầu.
Oman chỉ khai thác được dầu từ 1967 lại có một ông vua lạc hậu, Sultan Said bin Taimur, sợ tiền giấy, tích trữ tiền vàng trên trần lâu đài của ông; cấm dân dùng radio, xe đạp, xe hơi, máy lạnh, kính mát; có lần ông cho người đến khiển trách viên lãnh sự Anh về tội hút thuốc lá trên bao lan lãnh sự quán. Ông gửi con ông là thái tử Qaboos bin Saud đi học ở trường võ bị Anh Sandhurst nhưng khi thái tử về nước thì bị ông quản chế tại gia 3 năm về tội đã sa đọa theo cách sống Anh; bộ đĩa hát Gilbert & Sullivan thái tử đem về bị phá hủy. Cuối thập niên 1960 các bộ lạc ly khai ở vùng núi Dhufar nổi loạn, thái tử Qaboos tuyển lính Jordan và Iran, được Ả Rập Saudi tài trợ, thuê máy bay và sĩ quan Anh, dẹp được loạn, cướp được ngai vàng, mời vua cha cổ hủ lên máy bay đi Luân Ðôn nghỉ mát ở khách sạn Claridges sang trọng cho đến mãn đời, để cho ông canh tân đất nước. Trước kia Oman chỉ có 5 km đường trải nhựa, bây giờ có 2,400 km để cho 80,000 xe hơi chạy; ông cho xây trường học, nhà thương, đặt TV mầu và máy điều hòa không khí, và dĩ nhiên trong hoàng cung phải có bộ đĩa hát Gilbert & Sullivan mới để thay thế bộ đã bị phụ hoàng phá hủy; nhưng ông không bỏ các tập quán cổ truyền. Ở sát Nam Yemen là đồng minh của Tàu cộng và Liên Sô, lại ở vị trí chiến lược, ngay eo biển Hormuz, nơi 6 triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, nên Oman có kinh phí quốc phòng rất cao, lên đến 40% ngân sách, nhưng được Nhật và HK hỗ trợ.
Kuwait tuy nhỏ, lái xe 2 tiếng đồng hồ là đã đi hết chiều ngang, lại đứng hàng thứ 17 trong số các nước giầu nhất thế giới, không ỷ lại vào lợi tức dầu khí, đã phát triển các kỹ nghệ khác, nhất là tài chánh, có cổ phần trong 500 công ty HK, đầu tư tại 45 quốc gia, thu về mỗi năm $10 tỉ. Nước này không có người nghèo, lợi tức đầu người trung bình hàng năm $16,600 và cứ 230 người lại có 1 triệu phú; du học sinh được chính phủ đài thọ học phí và $2,000 mỗi tháng để tiêu vặt; cả nước có 1,600 bác sĩ phục vụ tại 8 bệnh viện và nhiều dưỡng đường tối tân.
**
Từ năm 1755 người Anh đã nhòm ngó Kuwait để bảo đảm an ninh cho con đường bưu chính nhưng bị Ottoman đánh bại năm 1786. Vừa đúng lúc, năm 1787 Muhammad Abdul Wahhab tuyên bố lãnh đạo ummah toàn cầu và ra thánh chỉ fatwa mở thánh chiến jihad chống Ottoman, cộng tác với người Anh Ki tô giáo và xin họ viện trợ vũ khí chống lại người Thổ Hồi giáo. Khi ấy người Anh đã thôn tính nhiều phần đất Iran và các bờ biển lân cận, và Oman do đó kiểm soát được Zanzibar ở Phi Châu; năm 1839 chiếm Aden, ảnh hưởng cả vùng ngày nay là UAE. Bọn Wahhabi không bao giờ chống lại việc ngoại xâm này. Họ hoành hành cướp của giết người khắp bán đảo Ả Rập cho đến năm 1811 bị sultan Ottoman Mahmud II cử thống đốc Ai Cập là Muhammad Ali Pasha sang dẹp. Ông này sai con là Tosun Pasha làm tướng dẫn quân đi đánh nhưng bị đại bại nên ông phải đích thân cầm quân; năm 1812 tăng cường trọng pháo và phối hợp với Sharif Ghalib càn quét khắp tây bộ Ả Rập, đi đến đâu quân nhà Al Saud bỏ trốn đến đó; hai cẩu tặc Wahhabi Mubarak ibn Maghyan và Uthman ul-Mudayiqi bị giải về Istanbul diễu phố trước khi bị chặt đầu phơi ở cổng thành. Sau đó ông sai thứ nam là Ibrahim Pasha đem quân đi càn quét bọn Wahhabi ở Syria, Iraq và Kuwait; năm 1814 Saud bin Abdul Aziz lên cơn sốt rồi chết; thừa kế thứ tư nhà Al Saud là Abdullah ibn Saud bị bắt giải đi Istanbul xử tử cùng với một số Wahhabi; năm 1818 thủ đô Dariyah của nhà Al Saud thất thủ và bị san bằng khiến bọn họ phải chạy về Jedda xin người Anh che chở.
Dù bị thảm bại như vậy bọn Wahhabi từ 1865 vẫn cố chỉnh đốn hàng ngũ, chuyển đại bản doanh về Riyadh gần Dariyah; tù trưởng mới bây giờ là Saud ibn Faysal.
Chiến công hiển hách của Muhammad Ali Pasha còn một sơ hở là quên không dẹp nốt vùng Asir nằm giữa TaỖif và Yemen với khoảng một triệu dân "mọi rợ" đặc biệt tàn ác và cuồng tín. Trong số 19 thủ phạm gây ra vụ phá hoại thảm khốc ngày 11.9.2001 có 15 người Ả Rập Saudi, trong số ấy 12 người quê ở Asir và TaỖif. Charles M. Sennott của tờ Boston Globe tin rằng Osama bin Laden tuyển các tay khủng bố ở vùng này. Tay khủng bố vào hàng lãnh đạo Hani Hanjour cũng là dân TaỖif. Ngày 9.9.2001 (2 ngày trước 9.11) trang web Alsaha loan báo: trong vòng 2 ngày tới, một sự ngạc nhiên lớn sẽ đến từ khu vực Asir của Ả Rập Saudi.
Tại Najd có nhà Al Rashid, liên minh với Ottoman đánh lại nhà Al Saud đến năm 1891 thì đuổi được nhà Al Saud phải bỏ Riyadh chạy sang Kuwait, cũng là địch thủ của nhà Al Rashid, núp dưới trướng người Anh. Cho đến năm 1902 hậu duệ của hai nhà Al Saud và Al Shaykh là Abdul-Aziz ibn Abdur-Rahman ibn Muhammad Al Saud (gọi tắt là Ibn Saud), 21 tuổi từ Kuwait về giết thị trưởng và chiếm thành Riyadh. Mục tiêu đầu tiên là trừ khử nhà Al Rashid. Năm 1915 Al Saud ký hiệp ước xin nhận làm nước bảo hộ của Anh để được giúp tiền và vũ khí đánh nhà Al Rashid. Chiếm được Hasa, ông hòa giải với nhà al Rashid, cưới một công chúa nhà này, gả một công chúa nữa cho em Saud ibn Abdul Rahman của ông, và một công chúa thứ ba cho con cả của ông là Saud ibn Abdul Aziz, như thế tăng 2 lần diện tích vương quốc của ông. Ông được chính quyền Ottoman công nhận là emir (tù trưởng) của Riyadh, được triều đình Anh ban cho tước Hiệp sĩ, năm 1927 được Liên Sô thừa nhận là Vua Hejaz. Với những thắng lợi ngoại giao ấy ông đã đặt nền móng cho cái bây giờ gọi là Ả Rập Saudi được chính thức công bố thành lập năm 1932.
Trong đệ nhất thế chiến tại miền trung bán đảo Ả Rập, ngoài nhà Al Saud còn có Sherif Hussein cai trị, từ 1924 đến 1926 bị nhà Al Saud đánh bại phải chạy đi Damascus (sẽ nói đến dưới đây).
Hai nhà Al Saud và Al Shaykh đã khéo kết nghĩa thông gia để dựa lẫn nhau nổi lên nắm quyền bính một nước vai vế trên chính trường quốc tế, ngỡ rằng như thế sẽ tránh được tranh chấp nội bộ, nhưng vấn đề nội thân ngoại thích lúc nào cũng có. Nhà Al Saud vẫn phải đối phó với một lực lượng tuy đắc lực trong những công tác "bẩn thỉu" nhưng không phải lúc nào cũng dễ bảo: Ikhwan.
***