Từ bao lâu nay, người thường dân chưa hề có tiếng nói. Chỉ có các nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp, các vị khoa bảng, các tổ chức, đảng phái nói giùm cho họ.
Tiếng nói giùm cho người thường dân không sai, nhưng không đủ. Phải có sự lên tiếng của người dân ở mọi thành phần, để tạo một sự đồng thuận cho tương lai đất nước. Nếu không, mọi việc sẽ tái diễn: một thiểu số lãnh đạo lại vẫn quyết định số phận của dân tộc, bất chấp những đòi hỏi tiết thực của đa số.
Biến cố ngoạn mục nhất của năm 1989 là sự tan rã liên tục của khối cộng sản. Cao trào đòi giải phóng con người để được tự do dân chủ của những người cùng khổ trong các nước cộng sản đang tấn công vào thành trì chủ nghĩa Mác Lê.
Sự tan rã của cộng sản tại Việt Nam là điều tất yếu. Vấn đề chỉ còn là thời gian. Ngày vùng dậy của toàn khối quốc dân Việt Nam hy vọng không còn bao xa.
Khi cộng sản đổ, vấn đề lớn lao cấp, bách cho Việt Nam là làm sao hồi sinh được một dân tộc mỏi mệt, nghèo đói, mất niềm tin. Và, từ đó, tạo dựng một đất nước giầu mạnh, tự do, dân chủ.
Trong lúc này, những ý kiến khác nhau của mọi tầng lớp ở khắp nơi cần phải được trao đổi và thảo luận một cách nghiêm trang, trong tinh thần thành khẩn, tôn trọng lẫn nhau, nhằm đạt sự đồng thuận về một mẫu mực tốt đẹp cho xã hội Việt Nam mai sau.
Nói cách khác, chúng ta muốn nghe từ nhau, muốn nói với nhau về những khát vọng: Làm sao thúc đẩy lẹ hơn tiến trình sụp đổ của cộng sản? Làm sao để đất nước giầu mạnh, để tự do được tôn trọng, để dân chủ được thi hành?
Cuối cùng, xin thưa:
- Những người khởi xướng tạp chí Người Dân chưa bao giờ có kinh nghiệm
làm báo nên những trông đợi ở một tờ báo chuyên nghiệp sẽ là điều mọi người
không thấy ở Người Dân,
- Vì mục đích là tạo tiếng nói cho mọi tầng lớp, nên nội dung các bài vở
không nhất thiết cùng một quan điểm. Người Dân không có chủ biên, trợ
bút, ban biên tập mà gồm bài vở của bạn đọc khắp nơi,
- Và sự tích cực tham gia về mọi mặt của người dọc là điều mà Người Dân
thiết tha mong đợi. Vì Người Dân là của Bác, của Chú, của Anh, của Chị,
của Em và của chúng ta.
Người Dân
Thói thường, người viết báo phải thuộc loại tài năng, học rộng biết nhiều, mang sở trường ra để chỉ dẫn hoặc mua vui người đọc. Người ta không chờ đợi những người tầm thường viết những cái tầm thường.
Người Dân không nghĩ thế. Sự lầm lẫn to lớn của những người bình thường là đã không đề cập và phổ biến những ưu tư, thắc mắc, những mong ước, đòi hỏi bình thường nhưng vô cùng thiết đáo, khiến việc nước non đã được giải quyết một cách xa với, không liên quan đến đa số - đúng hơn luôn luôn thiệt hại cho đa số.
Ðó là tình trạng chung của đất nước và dân tộc trong giai đoạn lịch sử gần đây: một nước nông nghiệp mà nông dân không có tiếng nói. Cho nên, nếu ở trong nước, tất Người Dân là của nông dân chất phác. Nay ở hải ngoại, Người Dân là của người trẻ học tập, làm ăn, đóng góp cho xứ sở cưu mang và hướng về việc quang phục quê hương. Vì:
Khi ra đi, mỗi gia đình ít nhất có một vài em năm, mười tuổi. Nay tuổi trẻ là thành phần đa số của cộng đồng di tản. Họ còn có một chút quá khứ, còn được sự kềm cặp của phụ huynh để có động lực cố gắng và mãn nguyện với sự thăng tiến tương đối.
Lớp đàn em họ, sinh trưởng nơi xứ người, sẽ không còn những điều kiện tương tư trong khi thu nhận một nền văn hóa bản xứ mà không thể xoá bỏ những kỳ thị đương nhiên. Sẽ có những khó khăn và dằn vặt nếu không ngay tự bây giờ tạo nổi niềm hãnh diện về nguồn gốc, ý thức được phải làm gì, làm như thế nào.
Cho nên Người Dân hiện diện, làm diễn đàn chung để cùng nhau trao đổi ý kiến, kinh nghiệm, tri thức trong mọi ngành nghề, phác họa mô thức tương lai. Vì thế, nó không trừu tượng mà nôm na thiết thực giúp đỡ nhau học tập.
Vậy xin mời. Người Dân là diễn đàn của Bạn. Nó tùy thuộc Bạn để tồn tại.
Người Dân